Chưa rõ bãi cọc Đầm Thượng thuộc chiến trận nào

25/04/2020 09:43 GMT+7

Viện Khảo cổ học cho biết, do chưa có kết quả C14 nên chưa rõ bãi cọc Đầm Thượng ở xã Lại Xuân (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) thuộc chiến trận nào.

Như Thanh Niên đã đưa tin, tháng 2 vừa qua, khi hút nước để đánh bắt cá trong ao, ông Đào Văn Đến (ở thôn 11, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) phát hiện 13 cọc gỗ đóng dưới ao.
Nhận được thông tin, Viện Khảo cổ học và Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Hải Phòng đã tổ chức khảo sát nhanh khu vực ao nhà ông Đến và cho rằng cần khai quật ngay để nghiên cứu.
Trên cơ sở đề xuất của Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Hải Phòng, ngày 18.2, UBND thành phố Hải Phòng đã ra quyết định cho phép Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng, UBND huyện Thủy Nguyên khai quật khẩn cấp trong diện tích 400 m2 khu vực ao nhà ông Đào Văn Đến. 
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, đoàn khảo cổ đã phát hiện được khoảng 30 cọc tại 4 hố khai quật. Ngoài ao nhà ông Đến, việc khai quật còn được mở rộng sang các khu vực cạnh đó. Được biết, cọc gỗ tại đây được đóng thẳng đứng và kích thước to nhỏ khác nhau. Có nhiều cọc nặng, chắc. 
Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối, quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học, cho biết: “Bãi cọc Đầm Thượng nằm ở ngã ba sông Kinh Thầy. Tất cả khu vực khai quật xưa là lòng sông. Sau đó, lòng sông dịch đi thì thành đầm lầy. Theo bà con kể lại, trước đây, họ làm ruộng và thấy rất nhiều cọc. Có cái người dân cũng đã nhổ đi. Mật độ cọc khá dày”.

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể kết luận được cọc gỗ tại Đầm Thượng liên quan đến trận đánh nào vì đang chờ kết quả phân tích C14

Ảnh Lê Tân

Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối cho biết,  cọc gỗ được tìm thấy ở khu Đầm Thượng này không phải là cọc kiến trúc, không phải là cọc liên quan đến thủy lợi.
"Nhiều khả năng đó là bãi cọc liên quan đến chiến trận. Có một số dạng cọc ở đây giống với cọc ở bãi cọc Cao Quỳ”, ông Nguyễn Gia Đối thông tin.
Tuy nhiên, hiện cơ quan chức năng và các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể kết luận được cọc gỗ tại Đầm Thượng liên quan đến trận đánh nào vì đang chờ phân tích C14.
“Bãi cọc chiến trận ở đó từ xưa thì có thể liên quan đến hai trận đánh lớn là trận của Ngô Quyền đánh quân Nam Hán và trận của Trần Hưng Đạo đánh quân Nguyên. Hiện tại, mình chưa xác định được đó là trận nào, chủ nhân của bãi cọc của ai”, ông Đối nói.
Trước đó, ngày 1.10.2019, trong quá trình đào vườn thuộc cánh đồng Cao Quỳ, ông Nguyễn Tuân Triệu (ngụ thôn 3, làng Mai Động, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) phát hiện 2 cọc gỗ dài hơn 3 m, đường kính hơn 30 cm. Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch sau đó có quyết định cho khai quật, khảo cổ tại nơi phát hiện các cọc gỗ.
Sau 2 tháng, đoàn khảo cổ khai quật được 27 cọc gỗ tại 3 hố. Đến ngày 21.12.2019, thành phố Hải Phòng phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức hội nghị công bố kết quả khai quật bước đầu tại bãi cọc vừa phát lộ. Các nhà khoa học dự hội nghị đều thống nhất rằng bãi cọc Cao Quỳ có liên quan đến trận chiến Bạch Đằng năm 1288 của quân dân nhà Trần với đế quốc Nguyên Mông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.