Chưa tết đã lo kẹt sân bay

12/01/2023 06:41 GMT+7

Chật vật mãi mới “săn” được tấm vé máy bay về quê ăn tết, người lao động tiếp tục hồi hộp khi vừa chớm cao điểm mà sân bay đã bắt đầu ùn ứ.

Ám ảnh “delay”

Rút kinh nghiệm năm ngoái mua vé về quê sát tết rồi ra tới sân bay phải vạ vật ngồi chờ máy bay gần 3 giờ đồng hồ, năm nay chị Thanh Huyền (H.Nhà Bè, TP.HCM) tranh thủ sắp xếp công việc về quê nghỉ tết từ rất sớm để tránh cao điểm. Đặt vé của hãng Vietjet từ TP.HCM ra Hà Nội ngày 6.1, chị Huyền chắc mẩm thời điểm đó ít người đi, máy bay đúng giờ, sân bay lại thông thoáng. Thế nhưng, vừa kết thúc kỳ nghỉ tết Dương lịch, chị đã nhận được tin nhắn của hãng báo đổi giờ bay tới 6 tiếng, mua vé đầu giờ chiều mà tới tối mới được bay. “Tưởng đi sớm đỡ delay chờ đợi, ai dè sớm quá có khi ít người đi, hãng bay lại dồn chuyến vào nên còn trễ nhiều hơn. May mà hãng báo trước chứ ra tới sân bay phải ngồi chờ thì còn khổ nữa. Đúng là đi máy bay bây giờ sớm muộn gì cũng ám ảnh delay”, chị Thanh Huyền nói.

Hành khách chờ lên máy bay về quê tại sân bay Tân Sơn Nhất

Đậu Tiến Đạt

Thực tế, khoảng 2 tuần trở lại đây, hành khách đến sân bay Tân Sơn Nhất liên tục phản ánh tình trạng các chuyến bay khởi hành đúng giờ nhưng hạ cánh lại trễ. Chiều 4.1, chị Thiên An (ngụ Q.7) đi chuyến bay VN255 của Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines từ Hà Nội vào TP.HCM. Từ sân bay Nội Bài, máy bay cất cánh đúng 16 giờ theo dự kiến, thế nhưng về tới đầu TP.HCM, không hiểu sao lại phải bay vòng về hướng sân bay Cần Thơ, sau đó bay vòng vòng trên trời 35 phút mới có thể hạ cánh. Đáp xuống Tân Sơn Nhất, chị An phải tiếp tục ngồi chờ trên máy bay thêm 30 phút mới có xe buýt tới đón. Vào tới băng chuyền lấy hành lý, đồng hồ đã chỉ quá 19 giờ. Ngay ngày hôm sau, sếp của chị An cũng gặp tình trạng tương tự, trễ hẹn trong cuộc họp cuối năm với nhân viên hơn 1 giờ 30 phút vì chuyến bay từ Hà Nội về tới Tân Sơn Nhất phải bay vòng xuống miền Tây chờ có đường băng để hạ cánh. “Sếp canh giờ bay từ Hà Nội đúng giờ, đáng ra vào tới đây vẫn còn dư dả cả tiếng nhưng cuối cùng lại trễ. Chưa cao điểm tết đã thế này, không biết mấy hôm nữa sát tết còn ùn tắc, delay đến thế nào nữa”, chị Thiên An lo ngại.

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Cảng vụ Hàng không miền Nam xác nhận giai đoạn sau tết Dương lịch, do mật độ khai thác giờ cao điểm tăng cao tại sân bay Tân Sơn Nhất nên có tình trạng một số chuyến bay bị ảnh hưởng chậm 30 - 45 phút. Trong khi đó, các chuyến bay báo trễ 6 - 7 giờ thì do các nguyên nhân bất khả kháng như thời tiết, điểm đến không tiếp nhận được… Ngoài ra, thời điểm đầu tháng 1 có sự cố không lưu ở cảng hàng không Manila của Philippines nên cũng ảnh hưởng nhiều đến các chuyến bay quốc tế tới Tân Sơn Nhất, kéo theo cả các chuyến bay trong nước cũng bị tác động dây chuyền.

Vị này cũng thừa nhận từ ngày 6.1 bắt đầu vào cao điểm phục vụ tết Nguyên đán của hàng không, lịch bay bắt đầu tăng dần, dự kiến mỗi ngày có hơn 800 lượt cất/hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất nên có thể tình trạng trễ chuyến sẽ tăng lên. Cảng vụ đã yêu cầu Cảng Tân Sơn Nhất cùng Trung tâm khai thác bay theo dõi lịch bay, tần suất và mật độ khai thác từng khung giờ hằng ngày để sắp xếp nhân sự phù hợp, đảm bảo phục vụ người dân. Đồng thời, đề nghị các hãng hàng không, đơn vị phục vụ mặt đất tăng cường nhân sự hướng dẫn hỗ trợ hành khách, hạn chế việc chậm chuyến dây chuyền gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ tại cảng.

Trong khi đó, đại diện các hãng bay đều cho biết sẽ cố hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng trễ chuyến bởi không chỉ gây khó chịu cho khách hàng mà hoạt động khai thác của hãng cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Tuy nhiên, hạ tầng tại Tân Sơn Nhất - sân bay có mật độ khai thác lớn nhất - hiện có nhiều bất cập. Đơn cử, đường cất/hạ cánh chỉ có 1 chiều lên/xuống nên đôi khi chỉ cần việc điều phối xe buýt đưa/đón khách hay xe đẩy hành lý của một chuyến chậm trễ 5 - 10 phút cũng có thể gây delay dây chuyền tới các chuyến bay sau. Vì thế, với tần suất bay dày đặc cao điểm tết, rất khó tránh chậm chuyến bay.

Trở ngại hàng rào thủ tục

Cao điểm tết, dự kiến trung bình mỗi ngày Tân Sơn Nhất phục vụ khoảng 130.000 lượt khách, trong đó nhà ga quốc nội đón 90.000 lượt khách, vượt gấp đôi công suất khai thác và quả thật rất khó để đạt được hiệu quả khai thác như mong đợi. Không thể hạn chế nhu cầu đi lại của người dân, Cảng Tân Sơn Nhất buộc phải "gồng mình" ở mọi mặt trận, từ đội ngũ an ninh tới các đơn vị đều đã cố gắng hết sức để đáp ứng trong dịp cao điểm lễ, tết. Tuy vậy, ngoài nguyên nhân khách quan từ hạ tầng, nhiều khâu thủ tục bất hợp lý cũng là nguyên nhân khiến tình trạng ùn tắc tại các nhà ga càng thêm trầm trọng.

Để giải tỏa áp lực phía trước nhà ga dịp cao điểm tết, Cảng Tân Sơn Nhất đã yêu cầu các đơn vị vận tải tăng số lượt vận chuyển xe lên hơn 20% so với hiện nay, tổng cộng khoảng 13.000 - 14.000 lượt/ngày; Phối hợp các đơn vị để linh hoạt điều chỉnh phương án phân làn, điều hành xe taxi, xe công nghệ. Dự kiến vào các khung giờ cao điểm, xe taxi sẽ sử dụng làn C và một phần làn D; xe công nghệ sẽ hoạt động tại các làn D1, D2 và một phần của làn D. Hiện nay, nhà xe TCP đang triển khai bổ sung thêm một trạm thu phí tại lối ra làn D cho taxi. Dự kiến khi hoàn tất đưa vào khai thác, sẽ giải tỏa áp lực phương tiện tại khu vực này. Cảng cũng đã thống nhất vị trí dừng chờ xe buýt công cộng tại một khu vực cụ thể để hành khách dễ nhận biết và đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực.

Xếp hàng chờ kiểm soát an ninh tại sân bay Nội Bài, nhóm 3 người bạn của chị Khánh Linh lần lượt để 3 túi xách có máy tính xách tay bên trong qua máy soi chiếu. Đi đầu tiên, chị Linh qua cửa rất nhanh nhưng ở ngay phía sau, bạn của chị bị yêu cầu quay vòng lại, bỏ máy tính ra khỏi túi, kéo theo nhiều người phải dồn lại chờ phía sau. Ở cửa soi chiếu bên cạnh, người bạn còn lại cũng không cần bỏ máy tính ra ngoài và đi qua máy soi chiếu bình thường.

“Trước đây không có chuyện yêu cầu bỏ máy tính ra khỏi vali hay túi xách, qua soi chiếu có gì bên trong cũng đều lộ diện hết. Đáng ra máy móc, công nghệ ngày càng phải tân tiến, nhanh hơn, tiện hơn, nhưng tôi thấy việc soi chiếu ngày càng mất nhiều thời gian và thủ tục hơn. Tôi cũng không hiểu những thủ tục này có đe dọa an toàn bay không vì thực tế kiểm tra theo kiểu rất hên xui, có nhân viên yêu cầu bỏ máy tính, có nhân viên thì không. Kiểm tra kiểu như vậy vừa mất thời gian, vừa gây khó chịu cho hành khách. Nếu thống nhất và cải tiến được những khâu này thì chắc chắn sẽ giảm nhiều tình trạng ùn tắc tại khu vực an ninh soi chiếu”, chị Khánh Linh đặt vấn đề.

Các thủ tục soi chiếu, nhập cảnh cũng là nỗi khốn khổ của các vị khách từ nước ngoài tới sân bay Tân Sơn Nhất. Từ Osaka (Nhật Bản) về TP.HCM trên chuyến bay mang số hiệu VN321 của Vietnam Airlines, anh Thành Tân (H.Nhà Bè) vô cùng bức xúc vì chuyến bay suôn sẻ, đúng giờ từ đầu nhưng về tới Tân Sơn Nhất lại kẹt đủ khâu. Bắt đầu từ băng chuyền hành lý. Mua vé hạng thương gia nhưng anh Tân phải chờ gần 1 giờ đồng hồ ở khu vực trả hành lý. Trong thời gian đó, chuyến bay tiếp theo dồn xuống, cùng nhận hành lý tại băng chuyền đó nên khu vực chờ đợi rất đông hành khách chen chúc nhau. Mỏi mòn lấy xong hành lý, vừa đẩy thêm được một đoạn thì lại bắt gặp dòng người xếp hàng dài chờ làm thủ tục nhập cảnh. Ở các sân bay nước ngoài họ phân chia nhiều làn, người có hộ chiếu VN đi làn riêng, khách khu vực Đông Nam Á đi làn riêng… thì tại Tân Sơn Nhất chỉ có làn riêng cho phi hành đoàn, còn tất cả chen nhau xếp hàng lộn xộn. Máy soi hộ chiếu lâu, nhân viên kiểm tra an ninh thì “hên xui”, lúc lâu lúc nhanh nên hành khách chờ đợi vô cùng khó chịu. Vừa qua khu nhập cảnh lại tới lượt soi hành lý ở hải quan. Mọi người vừa khệ nệ chất hành lý lên xe đẩy lại phải dỡ từng kiện xuống kiểm tra, rồi lại mỏi mòn xếp hàng chờ đợi.

“Từ lúc hạ cánh tới khi ra khỏi sân bay mất cả tiếng rưỡi. Giờ khách quốc tế chỉ bằng một phần rất nhỏ hồi trước dịch mà đã như vậy, không hiểu tới lúc du lịch phục hồi hoàn toàn thì còn tắc nghẽn tới mức nào. Khâu nhập cảnh và kiểm tra hành lý ở hải quan thật sự cần cải thiện”, anh Tân góp ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.