Nghị định 117/2020 (có hiệu lực từ 15.11) quy định xử phạt cả người từ 16 đến dưới 18 hút thuốc lá, rượu bia; xử phạt người sử dụng người dưới 18 tuổi mua thuốc lá, rượu bia và xử phạt người bán thuốc lá, rượu bia cho người chưa đủ 18 tuổi... Tuy nhiên, quy định này liệu có khả thi?
Cha mẹ nộp phạt thay con
Cụ thể, điều 26 Nghị định 117/2020 (thay thế Nghị định 176/2013) quy định xử phạt 3 - 5 triệu đồng hành vi “bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Ngoài ra phạt bổ sung đình chỉ hoạt động kinh doanh có liên quan đến hành vi vi phạm trong thời gian từ 3 - 6 tháng”; phạt từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng hành vi sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá; cảnh cáo hoặc phạt 200.000 - 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi hút thuốc lá, uống rượu bia; phạt từ 1 - 3 triệu đồng hành vi “bán, cung cấp rượu bia cho người chưa đủ 18 tuổi; phạt 500.000 đồng - 1 triệu đồng đối với hành vi không giáo dục, không giám sát, không nhắc nhở thành viên gia đình chưa đủ 18 tuổi không uống rượu bia”.
Đối với việc phạt tiền người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi hút thuốc lá, uống rượu bia, trong khi độ tuổi này chưa phải là đối tượng lao động, có thu nhập để nộp phạt, thạc sĩ Lưu Đức Quang (giảng viên Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết cha mẹ hoặc người giám hộ sẽ là người nộp phạt thay người chưa thành niên. Bởi, theo điều 134 luật Xử lý vi phạm hành chính, thì về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên, quy định người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay.
Được quyền kiểm tra giấy tờ để xác định độ tuổi
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở TP.HCM đã có những phản ứng bước đầu với quy định mới.
Cần mở rộng “vùng không khói thuốc”Theo Nghị định 117/2020, những người hút thuốc lá tại điểm cấm ở khu vực công cộng sẽ bị xử phạt 500.000 đồng, thay vì 300.000 đồng như Nghị định 176/2013.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, hiện nhiều điểm công cộng tại Hà Nội, TP.HCM như công viên, khu vui chơi, bến xe... không có gắn biển cấm hút thuốc lá, nên việc xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng gặp nhiều hạn chế.
Trả lời Thanh Niên, đại diện UBND P.Nguyễn Du (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết sẽ bố trí thêm biển bảng tuyên truyền, biển cấm tại các nơi công cộng để mở rộng vùng không khói thuốc. “Đối với những trường hợp vi phạm, tổ công tác sẽ chụp hình lại để làm căn cứ, mời người làm chứng và lập biên bản xử phạt, đóng phạt tại chỗ. Nếu người vi phạm không có tiền, tổ công tác sẽ giữ giấy tờ tùy thân, xuất biên lai để họ ra kho bạc nộp phạt”, vị này nói, đồng thời cho hay “sẽ đề xuất phương án chụp lại và “bêu” những trường hợp cố tình vi phạm lên mạng xã hội để họ ngại và chấp hành”.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Văn Chức, Giám đốc Trung tâm y tế Q.Thủ Đức (TP.HCM) thì “hiện có vấn đề hút thuốc lá nơi công cộng là khó xử phạt vì ít thấy nơi nào phạt, mà chủ yếu chỉ nhắc nhở”.
|
Đại diện truyền thông siêu thị Co.opmart cho biết, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền quy định, đơn vị còn căn cứ xác định dựa trên mã thẻ khách hàng khi họ thanh toán. “Nếu không có mã thẻ, điều quan trọng vẫn phải phụ thuộc vào việc nhận diện, quan sát trực tiếp người mua. Nếu nghi ngờ, nhân viên sẽ hỏi tuổi của người mua, sau đó mới tính đến kiểm tra, đối xét thông tin bằng việc đề nghị cho xem giấy tờ tùy thân; nhưng việc xem giấy tờ tùy thân là biện pháp nên hạn chế”, đại diện siêu thị Co.opmart trả lời. Tương tự, tại một cửa hàng tiện lợi gần Trường THCS Bàn Cờ (Q.3), nhân viên thu ngân cho biết mình có thể kiểm soát được cũng nhờ... ước đoán.
Về điều này, luật sư Trần Huy Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết khoản 5 điều 32 luật Phòng, chống tác hại của rượu bia quy định “cơ sở bán rượu bia niêm yết thông báo không bán rượu bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh”. Vì vậy, luật sư Đức khẳng định để bảo vệ quyền lợi của mình, người bán có quyền yêu cầu bên mua xuất trình giấy tờ liên quan để xác định độ tuổi.
Cửa hàng nhiều, sao xử phạt xuể !?
Ông Nguyễn Hồng Phong, Phó chủ tịch UBND P.12, Q.10 (TP.HCM), cho biết nhiều năm qua, phường chưa xử phạt trường hợp hút thuốc lá nơi công cộng hoặc bán rượu bia, thuốc lá cho người dưới 18 tuổi nào. “Khi Nghị định 117 có hiệu lực, phường sẽ tổ chức thực hiện nhưng trước mắt sẽ tuyên truyền trước khi áp dụng các biện pháp chế tài như cảnh cáo hay phạt tiền”, ông Phong nêu. Dù vậy, ông Phong vẫn trăn trở “số lượng cửa hàng buôn bán, kinh doanh các mặt hàng bia rượu và thuốc lá trên địa bàn phường lên đến cả trăm cửa hàng, thì không đủ nhân lực để kiểm tra đồng loạt. Mặt khác, sự việc bán rượu bia, thuốc lá cho trẻ em diễn ra trong khoảnh khắc nên sẽ rất khó để có bằng chứng lập biên bản, xử phạt hành chính”.
Tương tự, lãnh đạo UBND một quận ở TP.HCM cho biết, dù trước đó Nghị định 176/2013 có hiệu lực 7 năm qua, nhưng địa phương này không tách nội dung kiểm tra đối với hành vi bán rượu bia và thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi thành cuộc kiểm tra riêng mà lồng ghép vào các cuộc kiểm tra liên ngành. Vào thời điểm kiểm tra, nếu phát hiện chủ cửa hàng bán rượu bia, thuốc lá vi phạm theo nghị định thì xử phạt. “Luật ban hành chủ yếu đánh vào ý thức của cộng đồng và cơ sở kinh doanh là chính. Còn để lập biên bản xử phạt hành chính thì khá hy hữu”, vị này nêu.
Bình luận (0)