Nghị định 117/2020 có hiệu lực từ 15.11, quy định cụ thể nhiều hành vi và mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, nhưng chính những “người trong cuộc” cho rằng khó khả thi ở thực tế. Tuy nhiên, nhiều bạn đọc cho rằng nếu quyết tâm làm thì sẽ khả thi.
Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 12.11 tại TP.Đà Nẵng, Vụ Pháp chế - Bộ Y tế tập huấn, phổ biến nội dung Nghị định 117/2020 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Nhiều ý kiến về tính khả thi trong việc xử phạt đã được đặt ra.
Nói về việc xử phạt hút thuốc lá trong bệnh viện (BV), ông Lê Đăng Khoa, Giám đốc BV Nhi Thanh Hóa, cho biết: “Từ trước đến nay, chúng tôi chưa lập biên bản, xử phạt hành chính trường hợp nào hút thuốc lá trong BV. Nghị định 117 sắp có hiệu lực, có nhiều chế tài, nhưng để thi hành không đơn giản chút nào. Khi lập biên bản người hút thuốc lá, rất dễ xảy ra xung đột giữa nhân viên BV với người hút thuốc, mà môi trường BV lại rất đặc thù về nghiệp vụ cứu chữa bệnh nhân, để xảy ra xung đột sẽ làm ảnh hưởng đến công việc”.
“Nhiều nước đã làm được”
Không đồng tình với ý kiến của lãnh đạo BV trên, bạn đọc (BĐ) Hoài Phương dẫn chứng: “Trong 2 năm (2019 - 2020), TP.HCM xử phạt 212 trường hợp hút thuốc lá tại các điểm giao thông công cộng với tổng số tiền phạt 88 triệu đồng” và kết luận: “Vấn đề là có chịu làm hay không mà thôi”. Cùng quan điểm, BĐ Hương Xuân bức xúc cho rằng: “Khó là tại ta ngại làm, cái gì cũng ngại thì sao làm được? Cứ thẳng tay như phạt không đội mũ bảo hiểm xem ai dám vi phạm”.
“Tại sao nhiều nước đã làm được mà ta thì khó xử phạt, không khả thi? Tôi nghĩ chính quyền, cơ quan chức năng quyết liệt thì làm được hết. Ví dụ, nơi nào bán rượu bia, thuốc lá cho người dưới 18 tuổi thì phạt người bán trước hết, phạt nặng đến mức phải dẹp tiệm luôn, vậy thì ai dám bán, ai dám nói là không dám hay ngại kiểm tra CMND người mua?”, BĐ Anh Hoàng bức xúc viết.
Mở rộng lực lượng xử phạt
BĐ Nguyệt Ánh nêu ra một thực tế: “Theo tôi, cái khó nhất là không có người thi hành xử phạt. Ví dụ, ở BV, nhân viên BV mà làm thì người vi phạm không sợ, phải là công an thì người ta mới sợ. Nhưng công an đâu thể có người ở khắp các BV, nơi công cộng... để xử phạt. Nên chăng có một đội quy tắc (tạm gọi thế), có đồng phục, để thi hành xử phạt. Đừng nói là không có người. Có thể là người ở các BV, cơ quan... Sinh viên chưa có việc làm, người tạm thất nghiệp... còn nhiều”.
Trong khi đó, BĐ Duy Hải đề nghị: “Theo tôi, để việc thực hiện Nghị định 117 được thuận lợi hơn, thì nên nêu rõ cách thức thực hiện và mở rộng có chọn lọc đối tượng có thẩm quyền xử lý vi phạm. Bởi nếu đối tượng có thẩm quyền xử lý vi phạm ít quá, hoặc không tổ chức thực hiện nhiệm vụ, thì cũng không xử lý vi phạm được, dù vi phạm tràn lan”.
Sao lại khó xử? Tôi xin kể 2 chuyện: 1. Con gái đương kim Tổng thống Bush lúc đó vì chưa đủ 21 tuổi để được phép mua, uống bia rượu nên đã mượn ID của bạn đủ 21 tuổi vào quán mua, uống bia rượu, bị báo chí phát hiện, vậy là cô ta bị xử phạt theo quy định. 2. Tôi và ông sui đều trên 60, tóc cả hai đã lốm đốm bạc, ấy vậy khi vào quán ăn, gọi mỗi người 1 chai bia, cậu em phục vụ người Mỹ vẫn yêu cầu chúng tôi xuất trình giấy tờ chứng minh trên 21 tuổi, chúng tôi phải đưa bằng lái xe ra cho xem, họ mới chịu mang bia phục vụ. Tóm lại, chẳng qua nếu có khó là do chúng ta không nghiêm. Tôi nghĩ tuyệt đại đa số người dân sẽ ủng hộ vì chúng ta có trách nhiệm phải làm cho xã hội lành mạnh hơn.
Vu Pham Nguyen
Dân ta đi du lịch thì đố dám hút thuốc, khạc nhổ bừa bãi, vì nước người ta phạt rất nặng. Còn trong nước thì chẳng thấy ai phạt thì làm gì mà không bừa bãi được? Tuyên truyền, giáo dục là bước 1, bước này ta làm quá nhiều rồi. Bước 2 là phạt nặng, bước này ta chưa làm, hoặc làm chưa tới đâu, nay phải làm quyết liệt.
Quốc Hoài
|
Bình luận (0)