Cần 'cuộc cách mạng' về giao thông công cộng

18/10/2020 08:35 GMT+7

Cũng giống như các tuyến đường trên cao và hệ thống đường vành đai , giao thông công cộng được đánh giá là nhiệm vụ phải làm nếu TP.HCM muốn giải bài toán ùn tắc giao thông.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, thừa nhận kết thúc 5 năm triển khai chương trình đột phá, phát triển hạ tầng và giao thông công cộng TP.HCM là 2 nhiệm vụ lớn mà ngành giao thông TP vẫn chưa thực hiện tốt đủ đáp ứng nhu cầu của người dân và xứng tầm với một TP có mật độ dân số lớn nhất cả nước như TP.HCM. Mới đây, HĐND TP đã biểu quyết thông qua đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM” mà Sở GTVT đã nghiên cứu xây dựng trước đó.
Đề án bao gồm 36 giải pháp được sắp xếp thành 3 nhóm, theo thứ tự ưu tiên kèm theo trách nhiệm của các cơ quan và nguồn lực thực hiện, được kỳ vọng sẽ cải thiện bức tranh giao thông của TP thông qua các biện pháp kéo - đẩy nhằm hạn chế xe cá nhân, thúc đẩy vận tải hành khách công cộng phát triển. Các giải pháp dự kiến được ưu tiên triển khai trong giai đoạn tới gồm thu phí xe ô tô lưu thông vào trong khu vực trung tâm; phân vùng kiểm soát khí thải kết hợp với thu phí ô nhiễm môi trường; thí điểm làn đường ưu tiên cho xe buýt; tổ chức quy hoạch phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) tại các khu vực phát triển đô thị mới, các đầu mối giao thông vận tải khối lượng lớn (nhà ga đường sắt đô thị, điểm trung chuyển lớn...)...
TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn giao thông đô thị TP.HCM, nhận định: Trong tình hình đầu tư hệ thống metro gặp nhiều khó khăn về nguồn tài chính, TP nên lập đề án phát triển mạnh xe buýt và các phương tiện vận tải hành khách công suất nhỏ, đồng bộ với việc phát triển hạ tầng phù hợp, bao gồm hệ thống các nhà ga và trung tâm trung chuyển xe buýt; các làn đường dành riêng cho xe buýt sát vỉa hè để thuận lợi cho xe buýt hoạt động, đồng bộ với các chính sách hạn chế xe cá nhân, tiến tới loại bỏ xe máy trong nội thành sau 10 - 12 năm. Nếu không phát triển được xe buýt và các phương tiện giao thông công suất nhỏ, mạng lưới metro cũng sẽ hoạt động không hiệu quả vì nhiều người dân không sống và làm việc gần bến metro, họ cần được kết nối bằng các phương tiện giao thông công cộng khác.
Theo ông Nam, nhu cầu phát triển nhanh hệ thống trung tâm trung chuyển xe buýt và làn đường xe buýt là các hạng mục hạ tầng xe buýt quan trọng nhất mà thiếu chúng, xe buýt không thể hoạt động và phát triển hiệu quả được. Đồng thời, cần nhanh chóng phát triển 2 - 3 doanh nghiệp vận tải xe buýt lớn với đội xe, công nghệ điều hành hiện đại thay cho mô hình hợp tác xã vận tải và đội xe kém chất lượng đang hoạt động.
“TP.HCM cần thực hiện một cuộc cách mạng về giao thông công cộng, với tỷ trọng giao thông công cộng tăng theo các bước nhảy vọt, không phải mỗi năm tăng mấy phần trăm như hiện nay, trên cơ sở tăng mạnh cung và áp dụng các biện pháp mạnh hạn chế phương tiện cá nhân. Thói quen sử dụng phương tiện cá nhân rất khó bỏ để chuyển sang sử dụng giao thông công cộng. Theo kinh nghiệm ở các TP của Trung Quốc, chính quyền cần thiết phải có những biện pháp mạnh hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, “cưỡng bức” chuyển sang sử dụng giao thông công cộng”, ông Nam đề xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.