Trong ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận, cho ý kiến về nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của dự án luật Tố cáo (sửa đổi) và dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thể dục, thể thao.
Cần có quan điểm rõ ràng về đặt cược thể thao
Tại phiên thảo luận buổi chiều, UBTVQH nghe báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội (QH) về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thể dục, thể thao. Trong đó, đối với vấn đề đặt cược thể thao, cơ quan thẩm tra và soạn thảo đề nghị chỉ bổ sung nội dung về đặt cược thể thao theo hướng quy định khái niệm, nguyên tắc đặt cược thể thao và giao Chính phủ quy định danh mục các hoạt động thể thao được phép kinh doanh đặt cược thể thao; quy định chi tiết về kinh doanh đặt cược thể thao.
Vấn đề này nhận được khá nhiều ý kiến thảo luận của các thành viên UBTVQH. Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, cho rằng cần có tổng kết Nghị định 06 năm 2017 của Chính phủ về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế để quy định rõ trong luật sẽ tốt hơn.
tin liên quan
Tranh luận về đặt cược thể thaoÔng Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, nêu nội dung công văn mới nhất ngày 6.2 của Văn phòng Chính phủ gửi QH đề nghị không quy định vấn đề đặt cược thể thao trong dự thảo luật, giữ nguyên đề nghị của Chính phủ trong Tờ trình số 350 ngày 25.8.2017 trình QH. Tuy nhiên, xem lại nội dung Tờ trình 350 chỉ nêu 19/27 thành viên Chính phủ đồng ý quy định về đặt cược thể thao trong dự thảo luật, 4/27 thành viên không đồng tình. Từ đó, Chính phủ đề nghị QH xem xét cho ý kiến. Theo ông Định, như vậy ý kiến của Chính phủ về vấn đề này là chưa rõ. Dẫn lại nội dung các công văn và tờ trình nêu trên, bà Lê Thị Nga thẳng thắn đặt câu hỏi: Vậy quan điểm của Chính phủ chính thức về vấn đề này là như thế nào.
Đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết khi dự thảo luật được trình lên Chính phủ thì cũng đã có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Sau đó, tại kỳ họp thứ 4 của QH cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Do đó, Thủ tướng có ý kiến rằng do Nghị định 06 mới ban hành, nên chưa đủ thời gian tổng kết về đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế. Vì thế, Chính phủ đề nghị QH chưa quy định về đặt cược thể thao vào luật, sau một thời gian tổng kết Nghị định 06 thì đưa vào luật sẽ phù hợp hơn.
Phát biểu điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cho rằng vấn đề đặt cược thể thao hiện còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng trong luật cần phải có quy định theo hướng quy định khái niệm, nguyên tắc thì mới có cơ sở để Chính phủ quy định chi tiết trong các nghị định dưới luật. Hơn nữa, thực tế là hiện nay Chính phủ cũng đã cho phép thí điểm kinh doanh đặt cược nên việc quy định về vấn đề này trong luật là cần thiết. Bà Phóng cũng đề nghị Chính phủ cần phải làm rõ quan điểm đối với vấn đề này.
Còn băn khoăn về tố cáo qua điện thoại
Tại phiên buổi sáng, sau khi nghe Ủy ban Pháp luật trình một số vấn đề lớn của dự án luật Tố cáo (sửa đổi) đã được các cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp thu, chỉnh lý, nhiều đại biểu băn khoăn về việc mở rộng hình thức tố cáo bằng điện thoại. Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng mặc dù dự thảo có quy định trường hợp tố cáo bằng điện thoại, người tiếp nhận có trách nhiệm hướng dẫn người tố cáo và ghi lại thông tin, song tính khả thi và độ tin cậy không cao. Từ đó, ông Hiển đề xuất không nên có quy định hình thức tố cáo qua điện thoại mà nên quy định phải đến trực tiếp. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh kiến nghị đối với hình thức này, cần phải có biện pháp lưu vết để xác minh, xử lý nếu không cơ quan chức năng sẽ rất mất thời gian, nhất là khi sim “rác” trên thị trường hiện rất nhiều.
Không đồng tình với dự thảo đề xuất không quy định thời hiệu tố cáo, ông Phùng Quốc Hiển đề nghị nên quy định rõ thời hiệu tố cáo. Theo ông Hiển, lập luận của cơ quan soạn thảo và thẩm tra cho rằng các cá nhân không xác định được thời hiệu và đây là việc của cơ quan nhà nước là không hợp lý vì các cá nhân phải tìm hiểu và hiểu biết pháp luật để xác định xem vấn đề tố cáo có còn thời hiệu hay không trước khi tố cáo.
Bà Lê Thị Nga nhận xét với lập luận như dự thảo, thì sự việc tố cáo sau mấy chục năm cơ quan thẩm quyền vẫn phải xem xét thụ lý trong khi ngay cả bộ luật Hình sự cũng quy định thời hiệu. Bà Nga đề xuất, cần xác định thời hiệu tố cáo để xác định điểm dừng và tạo sự ổn định nhất định.
Theo Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, vấn đề tố cáo qua điện thoại không mới vì đã được quy định tại luật Phòng chống tham nhũng. Dự thảo luật Tố cáo sửa đổi đã quy định điều kiện chặt chẽ hơn đối với hình thức này. Việc tố cáo qua điện thoại vẫn được tiếp nhận như tố cáo trực tiếp, sau đó cơ quan thẩm quyền sẽ xác minh và ra quyết định thụ lý nếu đủ căn cứ. Đồng thời, dự thảo luật cũng đã quy định rõ trách nhiệm, chế tài với những người tố cáo sai, không đúng với mục đích gây rối. Do vậy, việc bổ sung các hình thức tố cáo qua điện thoại, bản fax và thư điện tử là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tố cáo.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình với việc bổ sung các hình thức tố cáo như dự luật và cho rằng quy định như vậy là chặt chẽ, khả thi, phù hợp thực tiễn khi các phương tiện giao tiếp qua công nghệ thông tin ngày càng phổ biến và thuận lợi. Bà Ngân cũng cho rằng, việc không quy định thời hiệu tố cáo là hợp lý vì người tố cáo trong nhiều trường hợp không xác định được hành vi vi phạm pháp luật mà họ tố cáo đó thuộc nhóm nào. Bên cạnh đó, các luật chuyên ngành đã quy định thời hiệu xử lý hành vi vi phạm pháp luật rồi nên nếu luật tố cáo lại quy định sẽ tạo nên sự xung đột.
Thành lập TP.Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc
Sáng 7.2, các thành viên UBTVQH đã biểu quyết đồng ý việc thành lập P.Tiên Châu, P.Nam Viêm thuộc TX.Phúc Yên và thành lập TP.Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Chiều cùng ngày, UBTVQH cũng đã phê chuẩn các đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN tại một số nước nhiệm kỳ 2018 - 2021.
|
Bình luận (0)