Trên diễn đàn Quốc Hội, nhiều đại biểu cho rằng đây là lần đầu tiên một điều luật chưa có hiệu lực thi hành như điều 60 Luật bảo hiểm xã hội mà đã có nhiều người lao động phản đối gay gắt và Quốc hội phải bàn chuyện sửa.
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH tiếp xúc với công nhân Công ty PouYuen ngày 29.3 sau khi hàng ngàn công nhân công ty đình công phản đối điều 60 Luật BHXH
- Ảnh: Hải Nam |
Thật ra, chuyện phản đối khi luật đã có hiệu lực hay chưa có hiệu lực bản chất đều như nhau, đó là khi luật không đi vào cuộc sống. Thực tế, từ đầu năm 2015 đã có một số luật khi áp dụng thì lập tức nảy sinh nhiều vướng mắc như Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật Bảo hiểm y tế.
Nhưng luật chưa có hiệu lực mà bị hàng chục ngàn công nhân phản đối dưới hình thức lãn công như vừa qua thì tạo ra cú sốc mạnh hơn. Và cú sốc đó – ngoài chuyện tạo ra cảm giác “xấu hổ” như một số đại biểu bày tỏ, tôi nghĩ chính là “cơ hội” để Quốc hội xem lại cách xây dựng dự án luật và cách biểu quyết luật.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH thì “Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án luật, việc tổ chức lấy ý kiến tham gia của Chính phủ về cơ bản đã nhận được sự đồng thuận từ phía các bộ, ngành, địa phương và của hội đồng thẩm định dự án Luật BHXH (sửa đổi); quá trình cơ quan thẩm tra dự án luật của Quốc hội tổ chức tham vấn, lấy ý kiến các cơ quan liên quan và quá trình Quốc hội thảo luận cũng không có ý kiến khác liên quan đến nội dung quy định về giải quyết BHXH một lần”.
|
Cuộc sống của công nhân may mặc, giày dép rất khác công nhân ngành dầu khí, hàng không, viễn thông, thưa quý vị đại biểu quốc hội! Vậy làm sao tiếp cận để hiểu được cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng ít có tiếng nói, yếu thế vì nghèo – nhưng lại là số đông – là vấn đề của các đại biểu quốc hội trước khi biểu quyết các dự luật liên quan đến họ.
Một số đại biểu quốc hội TPHCM cho rằng: còn những điều luật mà bản thân đại biểu chưa thông nhưng vẫn phải biểu quyết thông qua vì quy trình biểu quyết “cả gói” chứ không riêng từng điều luật !
Với quy trình như thế, tôi nghĩ rằng việc làm luật hiện nay là chưa tới nơi tới chốn, không mổ xẻ đến tận cùng để tìm ra chân lý, tất yếu dẫn đến nhiều vướng mắc khi triển khai và thực tế cuộc sống đã chứng minh điều đó.
Thiết nghĩ, nếu biểu quyết theo từng điều thì đến điều 60, các đại biểu có thể sẽ nêu thêm cách xử lý khác với hiện nay và đáp ứng được mong muốn của người lao động. Theo tôi, Quốc hội cần tổ chức biểu quyết từng điều luật thay vì cả dự án luật ngay từ kỳ họp này. Nếu chưa sửa được, các đại biểu cần được quyền bảo lưu và công khai các bảo lưu cho cử tri.
Tóm lại, để luật pháp đi vào cuộc sống thì phải đưa cuộc sống vào luật pháp. Chỉ khi nào đưa được cuộc sống vào luật pháp thì luật pháp mới đi vào cuộc sống!
Bình luận (0)