Chưa thống nhất bỏ chế độ 'viên chức suốt đời'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
15/07/2019 19:35 GMT+7

Cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo thống nhất chọn phương án tiếp tục sử dụng loại hợp đồng không xác định thời hạn với viên chức chứ không chuyển sang hợp đồng ngắn hạn như đề xuất trước đó.

Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn dự kiến tiếp thu, giải trình dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15.7, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cho biết cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo là Bộ Nội vụ thống nhất chọn phương án tiếp tục sử dụng loại hợp đồng không xác định thời hạn với viên chức chứ không bỏ loại hợp đồng này để chuyển sang ký hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức như đề xuất trước đó của Chính phủ.
Theo đó, phương án này quy định, viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn như hiện hành, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký ngay hợp đồng không xác định thời hạn.
Theo ông Định, phương án này vẫn đảm bảo phù hợp với Nghị quyết 19 của T.Ư quy định: thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, tinh thần của Nghị quyết 19 của T.Ư phải được hiểu là viên chức tuyển dụng mới từ sau khi chính sách (luật) có hiệu lực phải ký hợp đồng xác định thời hạn chứ không thể hiểu như cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, cơ quan soạn thảo là Bộ Nội vụ cũng như cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật cần xem lại tinh thần Nghị quyết 19 về vấn đề viên chức tuyển dụng mới

Ảnh Gia Hân

“Nếu cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cho rằng, viên chức tuyển dụng mới là khi mới tuyển dụng như phương án được đưa ra thì đề nghị phải kiểm tra lại tinh thần Nghị quyết 19 của T.Ư, còn tôi thì tôi hiểu theo phương án thứ nhất nghĩa là viên chức tuyển dụng mới từ sau khi luật có hiệu lực thì phải ký hợp đồng xác định thời hạn”, bà Nga nói.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 7, Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án đối với vấn đề này.
Theo đó, phương án 1 quy định: tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi luật này có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn (kể cả đối với trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần 2).
Phương án 2 quy định: viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký ngay hợp đồng không xác định thời hạn.
Theo Ủy ban Pháp luật, cả 2 phương án này có ưu nhược điểm khác nhau, song đều phù hợp với Nghị quyết 19 của T.Ư tùy theo cách hiểu khác nhau về thế nào là “mới".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.