Chưa thống nhất miễn học phí cấp THCS

Lê Hiệp
Lê Hiệp
23/02/2019 06:46 GMT+7

Các ý kiến thảo luận tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 21.2, trình bày báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự luật giáo dục sửa đổi chưa có sự thống nhất về việc miễn học phí đối với cấp THCS cũng như hỗ trợ học phí cho học sinh các trường dân lập, tư thục diện phổ cập.

 

Có hỗ trợ học phí đối với các trường dân lập, tư thục ?

Đối với vấn đề miễn học phí đối với học sinh (HS) thuộc diện phổ cập, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết tiếp thu đa số ý kiến góp ý, dự luật quy định, trẻ mầm non 5 tuổi, HS tiểu học, HS THCS trường công lập không phải nộp học phí. Trẻ em mầm non 5 tuổi ở cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; HS tiểu học, THCS trường tư thục được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí cho cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.
Chính phủ quy định lộ trình thực hiện chính sách không thu học phí đối với HS THCS công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với HS trường tư thục trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách nhà nước, trước mắt ưu tiên thực hiện ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Trong khi đó, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết Thường trực ủy ban đồng ý với Chính phủ và cho rằng chính sách này đã thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của nhà nước đối với giáo dục theo đúng tinh thần của Hiến pháp 2013 là Nhà nước “bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, không thu học phí” và theo Nghị quyết 29 của T.Ư là nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục bắt buộc 9 năm sau năm 2020. Tuy nhiên, Thường trực ủy ban đề nghị xác định rõ trách nhiệm của nhà nước đối với giáo dục bắt buộc và đối với giáo dục phổ cập, đồng thời quy định lộ trình thực hiện chính sách này. Trước mắt, ưu tiên thực hiện tại các địa phương chưa bảo đảm đủ trường công lập cho HS thuộc diện giáo dục bắt buộc và tại các vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Các ý kiến thảo luận sau đó không có sự thống nhất về việc miễn học phí đối với cấp THCS, đặc biệt là đề xuất hỗ trợ học phí đối với các trường dân lập, tư thục mà Chính phủ đưa ra.
Đồng tình với chính sách miễn học phí đối với HS tiểu học vì Hiến pháp đã quy định giáo dục tiểu học là bắt buộc, song Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc miễn học phí đối với cấp THCS thì “phải tính”. “Có thể vùng sâu, vùng xa, nông thôn, miền núi có chính sách miễn học phí còn những nơi khác thì phải tùy thuộc tình hình thực tế. Như các TP lớn thì không nhất thiết phải miễn học phí. Nếu có, chỉ nên miễn học phí cho người nghèo”, ông Hiển nêu quan điểm, đồng thời đề nghị việc hỗ trợ học phí đối với HS trường dân lập, tư thục cũng phải tùy thuộc vào ngân sách, điều kiện hoàn cảnh từng trường, từng địa phương. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì cho rằng, đề xuất hỗ trợ học phí HS các trường ngoài công lập chưa đánh giá tác động đối với ngân sách nhà nước dành cho giáo dục khi tổng chi ngân sách cho giáo dục vẫn không tăng thêm, do đó, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.
Giải trình về vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay quy định miễn học phí cũng được Chính phủ bám sát Hiến pháp, xu thế thế giới và điều kiện trong nước. Việc hỗ trợ học phí đối với HS các cơ sở dân lập, tư thục chỉ áp dụng đối với những nơi nhà nước miễn học phí và đây là hỗ trợ chứ không phải chi trả toàn bộ học phí. “Mức hỗ trợ tối đa là bằng học phí ở các trường công kèm theo điều kiện địa phương không đủ trường công để học chứ không phải hỗ trợ toàn bộ”, ông Đam giải thích và nói thêm, học phí cấp THCS cả nước mỗi năm thu được chỉ hơn 2.000 tỉ đồng, chiếm một phần nhỏ trong chi phí của nhà nước cho giáo dục phổ thông.

Chưa đồng tình thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa

Quy định một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) cũng không nhận được sự đồng tình của nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng quy định này là nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 88 của Quốc hội song đề nghị phải hết sức thận trọng, đặc biệt là đối với cấp tiểu học vì chủ trương này có thể ảnh hưởng tới nhiều người dân. Theo Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, nếu thực hiện xã hội hóa SGK là rất khó, rất gay và đề nghị: “SGK phải thống nhất cả nước chỉ có một bộ còn các loại sách khác phải mang tính chất tham khảo thì mới ổn định được. Nếu mạnh ai người nấy làm thì rất gay”.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì nêu quan điểm: Đã là chương trình, SGK thì nên thống nhất. Nếu như ai cũng viết SGK, ai cũng phát hành và tùy trường chọn SGK thì không đảm bảo thống nhất chung. Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, tinh thần Nghị quyết 29 của T.Ư là hướng tới thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, trước hết nên có một bộ SGK thống nhất dùng chung. “Khi nào trình độ đất nước, dân trí, nhận thức xã hội đủ rồi mới thực hiện. Còn hiện nay đưa ra cái này rất khó”, bà Ngân khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.