Đại gia bán khách sạn dát vàng lấy tiền xây nhà ở xã hội
Mới đây, thị trường bất động sản râm ran chuyện đại gia Nguyễn Hữu Đường (còn gọi là Đường "bia") Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hòa Bình (Hòa Bình Group) rao bán khách sạn dát vàng Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake ở B7 Giảng Võ, Q.Ba Đình, Hà Nội với giá khởi điểm 250 triệu USD (khoảng 6.000 tỉ đồng).
Theo lãnh đạo Hòa Bình Group, doanh nghiệp đang làm các thủ tục để đầu tháng 4 tới, cuộc đấu giá giữa các tỉ phú đến từ Ấn Độ, Trung Quốc, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Qatar… sẽ diễn ra ngay tại khách sạn dát vàng Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake.
Hòa Bình Group đã vạch ra chiến lược, sau khi bán khách sạn dát vàng sẽ đầu tư dự án trung tâm thương mại rất lớn ở H.Đông Anh, Hà Nội. Một phần tiền từ bán khách sạn này sẽ được dành cho phát triển nhà ở xã hội. Mà 2 dự án nhà ở xã hội trước tiên sẽ được Hòa Bình Group triển khai cũng ở ngay Hà Nội, hiện đang trong quá trình triển khai thủ tục pháp lý.
Theo Hòa Bình Group, đầu tháng 4.2022, doanh nghiệp ra mắt căn hộ mẫu của 2 dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội. Tại đây, ông Đường chia sẻ sẽ đầu tư xây dựng nhiều dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh thành trong cả nước.
Tại Hà Nội và TP.HCM, các tòa nhà ở xã hội sẽ xây dựng với chiều cao theo quy hoạch được duyệt. Tại các địa phương khác nhà sẽ có chiều cao từ 10 - 12 tầng, diện tích 25 - 70 m2/căn. Hòa Bình Group sẽ phối hợp với cơ quan chức năng ứng trước tiền giải phóng mặt bằng đối với các khu đất được ưu tiên làm nhà ở xã hội.
Tại Hà Nội, trước mắt, Hòa Bình Group sẽ triển khai dự án nhà ở xã hội tại 393 Lĩnh Nam, P.Vĩnh Hưng và ở số 4 - 6 - 8 phố Vĩnh Hưng, P.Thanh Trì, Q.Hoàng Mai. Đây là dự án nhà ở xã hội có vị trí ở quận trung tâm Hà Nội, rất gần với hồ Hoàn Kiếm.
Hòa Bình Group ưu tiên bán nhà ở xã hội cho các đối tượng được mua nhà ở xã hội theo quy định: quân nhân, công nhân, cán bộ viên chức, người lao động, sinh viên… trên địa bàn. Giá bán dự kiến là khoảng 17 - 18 triệu đồng/m2.
Ông Đường 'bia' bán đấu giá khách sạn dát vàng lấy tiền xây nhà ở xã hội
Bán khách sạn xong là có tiền nhưng pháp lý chưa thông
Dù vậy, gần 1 năm qua, Hòa Bình Group vẫn chật vật với việc hoàn thiện thủ tục pháp lý đầu tư xây dựng 2 dự án nhà ở xã hội tại 393 Lĩnh Nam và số 4 - 6 - 8 phố Vĩnh Hưng, P.Thanh Trì, Q.Hoàng Mai, Hà Nội.
Cụ thể, hồ sơ tài liệu khi Hòa Bình Group làm việc với các cơ quan chức năng của Hà Nội xin chủ trương đầu tư dự án thể hiện, Công ty CP Nông sản Agrexim (Công ty Agrexim) và Công ty CP Đầu tư kinh doanh bất động sản và thương mại Vĩnh Hưng (Công ty Vĩnh Hưng) đã ủy quyền cho Hòa Bình Group toàn quyền thay mặt liên danh thực hiện các thủ tục pháp lý của Dự án nhà ở xã hội cao tầng tại số 393 Lĩnh Nam và Dự án nhà ở xã hội cao tầng tại số 4 - 6 - 8 ngõ 321 phố Vĩnh Hưng.
Đến nay, sau gần 1 năm kể từ ngày ra mắt căn hộ mẫu nhà ở xã hội tại 2 dự án kể trên, Hà Nội vẫn chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý để Hòa Bình Group triển khai xây dựng dự án.
Ông Đường cho biết, 2 dự án nhà ở xã hội vẫn vướng mắc tại thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Về quy hoạch, 2 khu đất kể trên thuộc khu vực phải di dời cơ sở sản xuất, kho bãi không phù hợp quy hoạch ra khỏi nội đô Hà Nội. Đồng thời, theo Quy hoạch phân khu đô thị H2-4 đã được phê duyệt, 2 khu đất thuộc chức năng đất nhà ở với mật độ xây dựng khoảng 20 - 70%, cao từ 5 - 35 tầng.
Tưởng chừng với ngần ấy căn cứ cơ sở thì việc hoàn thiện thủ tục pháp lý xây dựng nhà ở xã hội đúng theo chủ trương đang được Chính phủ đẩy mạnh, doanh nghiệp sẽ sớm khởi công được dự án. Nhưng thực tế thì doanh nghiệp vẫn phải chờ đợi cơ quan chức năng của TP.Hà Nội rà soát, thẩm định tới lui nhiều lần vẫn chưa ra được quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.
Ông Đường cho rằng, TP.Hà Nội đã kéo dài, đưa đẩy nhiều lần chỉ đạo các sở, ngành rà soát không cần thiết, dẫn đến việc thực hiện thủ tục pháp lý bị chậm, chưa thể triển khai dự án khiến hơn 1.000 cán bộ, công nhân của liên danh phải chờ việc, thất nghiệp, máy móc phương tiện thi công nằm chờ phơi mưa nắng… gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng.
Gần 1 năm qua, Hòa Bình Group cũng đã nhiều lần gửi đơn thư kiến nghị lên nhiều cơ quan chức năng của Hà Nội, lãnh đạo thành phố, Chính phủ… nhưng cũng vẫn chưa được giải quyết.
"Tháng 11.2021, UBND TP.Hà Nội đã kêu gọi, khuyến khích các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Tại Hội nghị Phát triển nhà ở xã hội ngày 1.8.2022, Thủ tướng cũng chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm, đạo đức của cả hệ thống chính trị, của những người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở xã hội của người dân rất lớn, nên mục tiêu hàng đầu là phát triển nhà ở xã hội. Vậy mà khi Hòa Bình Group triển khai dự án nhà ở xã hội lại gặp nhiều trắc trở không đáng có, trái với tình thần kêu gọi và không đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng", ông Đường nói.
Lãnh đạo Hòa Bình Group cũng chia sẻ, dường như đang tồn tại tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" khi mà tại các hội nghị của Ngân hàng Nhà nước về tài chính cho lĩnh vực bất động sản vào ngày 8.2 và Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững do Thủ tướng chủ trì đều nhấn mạnh đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. TP.Hà Nội cũng chủ trương từ nay đến năm 2025 sẽ hoàn thiện hơn 1,2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội… Nhưng, không hiểu vì sao dự án nhà ở xã hội của Hòa Bình Group lại chưa thể hoàn thiện thủ tục pháp lý để sớm khởi công xây dựng.
Bình luận (0)