Chuẩn bị kỹ lưỡng cho các luật có hiệu lực sớm

22/06/2024 06:49 GMT+7

Hầu hết các đại biểu Quốc hội đều ủng hộ đề xuất cho luật Đất đai và các luật liên quan bất động sản khác có hiệu lực sớm từ 1.8, song băn khoăn về tiến độ, chất lượng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện cũng như các rủi ro, vướng mắc có thể phát sinh.

Chú trọng tiến độ, chất lượng văn bản hướng dẫn

Chiều 21.6, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường việc ban hành luật để sửa đổi hiệu lực các luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản và Các tổ chức tín dụng sớm hơn 5 tháng, từ ngày 1.8 tới thay vì 1.1.2025.

Ủng hộ các luật nói trên sớm đi vào cuộc sống, song đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) chỉ ra rằng đến ngày 18.6 mới chỉ có 1 nội dung được quy định chi tiết. Còn tới 28 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản chưa được ban hành, chưa kể các nội dung được giao cho địa phương. Cạnh đó, theo bà Xuân, dù có được ban hành theo trình tự rút gọn như tờ trình của Chính phủ, cũng rất khó đảm bảo các quy định chi tiết được ban hành khi luật có hiệu lực sớm vào ngày 1.8. Từ đó, nữ ĐB đề nghị, với nội dung chưa rõ, chưa hướng dẫn, chưa ban hành chi tiết thì Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải có báo cáo đầy đủ, chi tiết về tiến độ hoàn thành văn bản trong tháng 8 tới.

Theo ĐB Nguyễn Trúc Sơn (đoàn Bến Tre), từ khi QH thông qua việc sửa đổi hiệu lực các luật nói trên cho tới ngày 1.8 chỉ còn trên dưới 1 tháng, "rất là ngắn", trong khi số lượng nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn phải ban hành lại rất nhiều. Điều này gây áp lực rất lớn, đặc biệt là cho các địa phương về mặt chất lượng, tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo trong việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. "Chúng tôi đề nghị Chính phủ sớm ban hành để cấp tỉnh có căn cứ xây dựng các nghị quyết và các quy định riêng. Hiện nay, riêng UBND cấp tỉnh phải ban hành tới 17 nghị quyết, quyết định, khối lượng cực kỳ lớn, chúng tôi rất quan tâm vấn đề thời gian", ông Sơn nói; đồng thời, đề nghị cho phép một số văn bản hướng dẫn có thể làm sau chứ không thể đồng loạt cùng một lúc hoàn thành hết tất cả được.

Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nói nếu đọc những nội dung được Chính phủ trình, nhất là phụ lục thống kê những điểm có lợi cho người dân và doanh nghiệp thì không có lý do gì để QH không ủng hộ việc các luật có hiệu lực sớm. Từ thực tiễn điều hành địa phương, ông Đồng lại càng mong muốn các luật này sớm đi vào cuộc sống khi các luật hiện nay có sự chồng chéo, mâu thuẫn, cách hiểu, cách thực hiện còn quá nhiều bất cập khiến nhiều cán bộ vướng vòng lao lý hoặc né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm.

Tuy nhiên, ĐB đoàn Quảng Trị cho rằng, cần phải nhận diện, đánh giá đầy đủ ảnh hưởng, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là phản ứng, tâm lý của xã hội. Ông Đồng đề nghị trước khi thông qua luật, cơ quan soạn thảo nên gửi tới QH những vấn đề có thể phát sinh khi các luật trên có hiệu lực sớm, nếu có thì giải quyết thế nào, cơ quan nào có trách nhiệm giải quyết.

Cạnh đó, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân đề nghị Chính phủ cần đánh giá tác động lợi ích, rủi ro, phương án giải quyết rủi ro khi luật có hiệu lực sớm, báo cáo QH. Ủy ban Thường vụ QH có 2 phương án lấy ý kiến ĐBQH trước khi QH thông qua; đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền để đánh giá toàn diện vấn đề này. "QH có thể họp bất thường theo hình thức trực tuyến sau kỳ họp thứ 7 để xem xét, thông qua nội dung này một cách chất lượng và khả thi", bà kiến nghị.

Sẽ ban hành văn bản hướng dẫn trong tháng 6

Giải trình các vấn đề ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh nói ngay từ khi luật Đất đai được QH bấm nút thông qua vào tháng 1.2024 thì Chính phủ, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ, đã chỉ đạo các bộ, ngành bắt tay ngay vào việc hoàn chỉnh nghị định, thông tư. Còn quy trình rút gọn, theo Bộ trưởng TN-MT là rút gọn về mặt thời gian. Ví dụ, nghị định có hiệu lực sau 45 ngày thì nay có hiệu lực ngay sau khi ký. Như vậy rút gọn thời gian nhưng quy trình, chất lượng các thông tư, nghị định không "rút gọn". Ông Khánh nhắc lại tờ trình của Chính phủ khẳng định các nghị định, thông tư hướng dẫn sẽ được ban hành trong tháng 6.

Với các văn bản hướng dẫn ở địa phương, ông Khánh cho hay không phải địa phương ban hành chính sách mới mà đa số đã được ban hành trước đây và chỉ kế thừa. "Các địa phương đang tiến hành làm, đang rất tích cực. Hôm nay các địa phương có vướng mắc gì thì các bộ, ngành sẽ tiếp tục hướng dẫn đến nơi đến chốn, để các địa phương có thể ban hành sớm", ông Khánh khẳng định.

Cân bằng quyền lợi giữa người phạm tội và bị hại

Sáng 21.6, QH thảo luận tại hội trường về dự án luật Tư pháp người chưa thành niên. Đa số các ĐB đều nhất trí về sự cần thiết ban hành một đạo luật riêng biệt để quy định về các hoạt động tư pháp đối với người chưa thành niên, nhất là người chưa thành niên phạm tội. Tuy vậy, một số ĐB đề nghị nghiên cứu, xây dựng chính sách theo hướng cân bằng hơn, vừa đáp ứng sự nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội nhưng cũng tránh thiệt thòi đối với người bị hại, đặc biệt là bị hại chưa thành niên.

Theo ĐB Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định), nếu quá chú trọng đến việc bảo vệ lợi ích của người chưa thành niên phạm tội thì sẽ không công bằng với phía nạn nhân. Bà lấy ví dụ quy định tại dự thảo về việc cho phép người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng (trong đó có tội mua bán người) được áp dụng biện pháp chuyển hướng. Đây là hành vi phạm tội được thực hiện với ý thức cố ý, từ hành vi, mục đích đến thủ đoạn. "Nếu người phạm tội được áp dụng xử lý chuyển hướng bằng cách chỉ xin lỗi là xong thì rất bất công với bị hại, không đảm bảo tính giáo dục", bà Hoa nói. Chưa kể, nếu nương nhẹ cho người chưa thành niên, các đối tượng chủ mưu rất có thể sẽ tăng cường sử dụng nhóm đối tượng này để thực hiện hành vi phạm tội.

Giải trình trước QH, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết dự thảo luật đã dành một chương để điều chỉnh về 2 nhóm đối tượng là người làm chứng và người bị hại chưa thành niên, với nội dung khá đầy đủ. Trong khi đó, người bị buộc tội sẽ phải áp dụng các biện pháp như hỏi cung, ra tòa, chịu nhiều tác động từ quy trình tố tụng. Vì thế, nội dung các chính sách về nhóm đối tượng này nhiều hơn so với người làm chứng và người bị hại là điều bình thường. Về ý kiến của các ĐB, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, vấn đề gì còn thiếu sẽ nghiên cứu bổ sung.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.