Nếu trước năm 2016, các đại diện Việt Nam tham dự đấu trường nhan sắc Miss Universe (Hoa hậu Hoàn vũ) chọn nhà thiết kế (NTK) phù hợp để thực hiện trang phục dân tộc cho mình thì 4 mùa giải gần đây, công ty nắm bản quyền Miss Universe tại Việt Nam đã tổ chức cuộc thi thiết kế trang phục dân tộc. Từ đây, những bộ trang phục độc, lạ và ấn tượng ra đời cũng như được báo chí thế giới quan tâm, khen ngợi.
Các mẫu thiết kế từ cuộc thi Tuyển chọn thiết kế trang phục dân tộc |
BTC |
Năm nay, cuộc thi Tuyển chọn thiết kế trang phục dân tộc diễn ra với hình thức mới: không tổ chức nhận bài thi tự do mà liên kết với các trường ĐH có chuyên ngành thời trang trên địa bàn TP.HCM như: Kiến trúc, Tôn Đức Thắng, Công nghệ TP.HCM - HUTECH, Hoa Sen, Công nghệ Sài Gòn, Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Văn Lang... để phát động, tìm kiếm các tác phẩm dự thi từ sinh viên.
Theo thể lệ cuộc thi, ban tổ chức không giới hạn về ý tưởng, kiểu dáng và chất liệu; yêu cầu các mẫu thiết kế phải độc đáo, sáng tạo, phù hợp với thuần phong mỹ tục và mang được nét đẹp của văn hóa Việt Nam. Thí sinh có thể lấy cảm hứng từ bất kỳ giá trị thuộc văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam để tạo nên mẫu thiết kế.
Sau các vòng sơ loại và thuyết trình ý tưởng với ban giám khảo, ban tổ chức đã chọn ra 41 mẫu thiết kế xuất sắc và phù hợp với tiêu chí của cuộc thi để thực hiện, chuẩn bị trình diễn chính thức trong đêm Trang phục dân tộc vào 11.6 tới. Đây cũng là lần đầu tiên Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam tổ chức đêm thi National Costume trước công chúng. Khi công bố những mẫu thiết kế này, công chúng không khỏi trầm trồ lẫn thắc mắc về quy chuẩn lựa chọn, bởi xuất hiện trên trang phục dân tộc là đủ nét văn hóa Việt: đờn ca tài tử, chiếu Cà Mau, bánh tráng trộn Sài Gòn đến nail (nghệ thuật làm móng) hay sắc màu Hội An, tre Việt và chị Võ Thị Sáu, thanh niên xung phong… Trên các trang mạng xã hội có chủ đề về trang phục dân tộc cuộc thi năm nay, những bình luận góp ý vẫn chưa hạ nhiệt. Trong đó, nhiều ý kiến đánh cao dành cho mẫu Chiếu Cà Mau, Tôm tre mỹ nghệ, Vàng son (về đờn ca tài tử)… Bên cạnh đó, không ít bình luận bày tỏ: “Đã có bánh mì, bénh tét rồi nay bánh tráng trộn, lối mòn quá…”, hoặc: “Tôn vinh nét đẹp văn hóa Việt Nam sao lại là hình ảnh móng tay, ve chai?”…
Phù hợp nhất vẫn là áo dài ?
NTK Thuận Việt (từng tham gia giám khảo những cuộc thi trước cũng như 5 lần đồng hành với đại diện Việt Nam cho phần thi National Costume tại Miss Universe) cho rằng: “Với các cuộc thi sắc đẹp thế giới, phần trang phục dân tộc được hiểu theo khái niệm là các bộ trang phục được thiết kế - lấy ý tưởng dựa trên các chất liệu, hình ảnh hoặc văn hóa đặc trưng của một nước. Do đó, tiêu chí phần thi cũng được mở rộng, khả năng sáng tạo phong phú, không đóng khung trong một trang phục truyền thống vốn đã được định hình. Mỗi năm, phần thi này thu hút lượng người xem tương đối cao và các thí sinh cũng luôn mong muốn bộ trang phục dân tộc của họ thu hút khán giả. Vì vậy, trang phục càng độc đáo thì càng bắt mắt và gây chú ý”.
Trang phục dân tộc cần được thiết kế vừa thể hiện rõ giá trị văn hóa khác biệt nhưng cũng phải gần gũi với bạn bè quốc tế để quảng bá được những giá trị đó tới họ
Theo anh, ưu điểm của cuộc thi là tạo ra một sân chơi nhiều ý tưởng, kích thích các bạn trẻ tìm hiểu về văn hóa dân tộc, đưa các hình ảnh dân gian từ lâu tưởng chừng bị lãng quên về với hiện tại. Tuy nhiên, “nếu yêu cầu cao hơn nữa thì cái chính là đầu tư kinh phí, vì để ra một bộ trang phục hoàn hảo không đơn giản chỉ là ý tưởng”, anh nói; đồng thời chia sẻ thêm: “Sáng tạo để tìm ra cái mới lạ phù hợp với buổi trình diễn nhưng cũng cần phải chắt lọc nội dung ý nghĩa, cách thể hiện bộ trang phục sao cho có tính thẩm mỹ, tinh tế, vừa gìn giữ văn hóa, vừa thể hiện được trình độ, nhận thức của người thiết kế. Nếu dễ dãi và sa đà vào những sáng tạo vô tội vạ, lai căng sẽ dẫn đến tạo hình một bộ trang phục phản cảm”.
Với NTK Đức Hùng, không nên đưa hình ảnh cụ thể hóa (nhất là hình ảnh ẩm thực như phở, bún chả…) vào trang phục dân tộc. “Điều đó cho thấy sự “lười” sáng tạo của nhà thiết kế. Thiết kế trang phục dân tộc có sự ước lệ. Và quan trọng hơn là cần cho thấy câu chuyện văn hóa trong đó”, ông Hùng nói. Theo ông, để làm một bộ trang phục dân tộc, nhà thiết kế cần phải nghiên cứu văn hóa sâu sắc, chứ không thể chỉ làm trang phục theo cách bề nổi. “Trang phục dân tộc chính là một phương tiện quảng bá hình ảnh Việt Nam, nhà thiết kế cần hiểu không thể bỏ lỡ cơ hội này”.
Còn nhớ khi H’Hen Niê mặc váy Bánh mì (những chiếc bánh mì xếp xung quanh khiến cô như đứng giữa thúng bánh) ở phần thi trang phục dân tộc Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2018, Missosology bình chọn đây là một trong 10 trang phục dân tộc ấn tượng nhất tại cuộc thi năm đó. Song cũng có bài báo trên trang New York Post viết Bánh mì là bộ trang phục có ý tưởng dị thường. Theo PGS-TS Lê Ngọc Thắng (Tổng biên tập Tạp chí Dân tộc thời đại, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học), “bộ trang phục này khiến ông thấy khó chịu” và “không phải cứ đưa cái gì gọi là “của Việt Nam” vào cũng gọi là trang phục dân tộc”. Ông ví dụ “việc đưa hình ảnh những anh hùng dân tộc lên trang phục cũng cần phải cân nhắc, bởi nếu thiết kế không khéo, hoặc không hiểu biết thì đó không phải là tôn vinh mà còn có tác dụng ngược là hạ thấp hình ảnh anh hùng dân tộc”.
Theo ông Thắng, một bộ trang phục “ghi điểm” trong mắt bạn bè quốc tế cần lịch lãm, vừa khoe nét đẹp của người phụ nữ vừa tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc Việt. Ông đúc kết: “Trang phục dân tộc phù hợp nhất khi đưa ra đấu trường quốc tế vẫn là chiếc áo dài. Nhà thiết kế có thể sáng tạo từ áo dài, tuy nhiên vẫn phải giữ được hồn cốt của bộ trang phục này”. Ông nhìn nhận, trên chiếc áo dài, có thể đưa hoa văn đặc sắc của trang phục các dân tộc Việt Nam, hoặc hình ảnh những di sản được UNESCO công nhận… “Trang phục dân tộc cần được thiết kế vừa thể hiện rõ giá trị văn hóa khác biệt nhưng cũng phải gần gũi với bạn bè quốc tế để quảng bá được những giá trị đó tới họ”, ông nói.
Bình luận (0)