'Chứng cứ Dương Thị Bạch Diệp thế chấp 57 Cao Thắng không bị làm giả'

Phan Thương
Phan Thương
24/03/2021 13:36 GMT+7

Đối đáp trở lại, Viện KSND một lần nữa khẳng định tài sản 57 Cao Thắng đã bị bị cáo Dương Thị Bạch Diệp thế chấp cho Ngân hàng Agribank trước khi thực hiện hoán đổi với tài sản nhà nước - 185 Hai Bà Trưng.

Sau phần bào chữa cho 10 bị cáo và bảo vệ quyền lợi cho người liên quan, cuối giờ sáng 24.3, đại diện Viện KSND TP.HCM (VKS) đã đối đáp trở lại các quan điểm bào chữa của Dương Thị Bạch Diệp, Nguyễn Thành Tài và 8 bị cáo khác trong vụ án sai phạm hoán đổi nhà đất tư nhân 57 Cao Thắng và 185 Hai Bà Trưng, là tài sản nhà nước.

Nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp bị đề nghị án chung thân

Viện KSND: 'Chứng cứ vật chất, có thật, không bị làm giả'

Đầu tiên, kiểm sát viên Lê Thị Đông nhấn mạnh, về việc hoán đổi 2 tài sản trên, tại thời điểm hiện nay, các bị cáo không thể phủ nhận rằng 2 tài sản này đều đang nằm trong kho của 2 tổ chức tín dụng, đang làm nghĩa vụ trả nợ cho Công ty Diệp Bạch Dương của bị cáo Dương Thị Bạch Diệp.
Ngày 4.2.2013, nhà nước giao tài sản 185 Hai Bà Trưng cho Công ty Diệp Bạch Dương, như vậy nhà nước đã hoàn toàn mất quyền sở hữu đối với 185 Hai Bà Trưng. Nhưng đến nay, bị cáo vẫn chưa giao tài sản 57 Cao Thắng cho nhà nước vì tài sản này đang thực hiện nghĩa vụ trả nợ của bị cáo đối với Agribank.
Về nội dung bà Diệp cho rằng bị Ngân hàng Agribank lừa đưa 57 Cao Thắng vào thế chấp, bị cáo không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, VKS lập luận toàn bộ tài liệu trong vụ án được thu thập đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, được kiểm chứng công khai, khách quan tại tòa. Các tài liệu gồm giấy đề nghị vay vốn, hợp đồng thế chấp, biên bản họp hội đồng thành viên, hợp đồng tín dụng, giấy nhận nợ… đều do bị cáo Diệp ký, được giám định theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự.
“VKS khẳng định đây là chứng cứ vật chất, có thật, không bị làm giả. Các tài liệu này đúng hay sai sẽ do HĐXX xem xét, đánh giá”, kiểm sát viên Lê Thị Đông nhấn mạnh.

Bị cáo Diệp ghi lại phần đối đáp của VKS

Ảnh: KHẢ HÒA

Hơn nữa, VKS nêu 2 nguồn chứng cứ được thu thập độc lập, được VKS kiểm sát, như hồ sơ chứng nhận hợp đồng thế chấp tại Phòng công chứng số 1 do Phòng công cứng cung cấp; hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm do Sở TN-MT cung cấp, đều thể hiện tài sản 57 Cao Thắng được thế chấp từ ngày 31.12.2008.
Và vì tài sản bị thế chấp nên ngày 4.1.2011, bị cáo Diệp làm đơn mượn lại tài sản 57 Cao Thắng để hoàn thiện hồ sơ hoàn công căn nhà tại Sở TN-MT.
Theo VKS, khi hoán đổi, bị cáo phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng về tài sản đã bị thế chấp. Nhưng bị cáo che giấu việc thế chấp, khi chỉ cung cấp giấy chứng nhận bản photocopy, không thể hiện đã thế chấp. Trên cơ sở thông tin gian dối bị cáo cung cấp, các bị cáo khác trong vụ án đã chủ quan, không xác minh, dẫn đến nhà nước mất tài sản 185 Hai Bà Trưng.
Với những chứng cứ trên, VKS giữ nguyên quan điểm như luận tội đối với bị cáo Diệp, đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Diệp chung thân về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Không có quy định về hoán đổi tài sản tư nhân với nhà nước!

Đối với bị cáo Nguyễn Thành Tài và 8 bị cáo còn lại, phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, VKS nêu, trong phần bào chữa, cơ bản các bị cáo đều thừa nhận hành vi và trách nhiệm của mình, nguyên nhân cơ bản là thiếu sót, chủ quan, quá tin tưởng vào bị cáo Diệp và Công ty Diệp Bạch Dương, mà không xác minh tính pháp lý đối với tài sản 57 Cao Thắng, điều kiện kiên quyết khi hoán đổi.
Theo VKS, khi luận tội, VKS cũng đã căn cứ vào nguyên nhân, mục đích khi phạm tội của các bị cáo, là muốn Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM có cơ sở vật chất khang trang hơn, thực hiện chủ trương xã hội hóa; đã loại trừ động cơ có hưởng lợi cá nhân. Đây cũng là lý do mà các bị cáo được chuyển đổi tội danh từ “vi phạm quy định quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí” với lỗi cố ý sang tội “thiếu trách nhiệm…” với lỗi vô ý.

VKS giữ nguyên quan điểm luận tội đối với bị cáo Nguyễn Thành Tài và đồng phạm

Ảnh: KHẢ HÒA

Vì vậy, VKS tiếp tục giữ nguyên quan điểm luận tối đối với nhóm bị cáo này, chỉ đề nghị HĐXX bổ sung một số tình tiết giảm nhẹ của một số bị cáo như các luật sư bào chữa có trình bày trong phần bào chữa.
Đối với bị cáo Đào Anh Kiệt, theo VKS, tuy bị cáo này không tham gia hoán đổi tài sản, nhưng khi tiếp nhận hồ sơ cấp chủ quyền 185 Hai Bà Trưng cho Công ty Diệp Bạch Dương, bị cáo phải nắm được hồ sơ hoán đổi; phải biết pháp luật không có quy định nào về hoán đổi tài sản giữa nhà nước với tư nhân; khi cấp sổ 185 Hai Bà Trưng cho Công ty Diệp Bạch Dương, thì trong hồ sơ cấp phải có sổ hồng của 57 Cao Thắng; phải chỉ đạo cấp dưới xác minh tình trạng pháp lý 57 Cao Thắng. Tuy nhiên, bị cáo không thực hiện, không phát hiện, và cấp sổ 185 cho Công ty Diệp Bạch Dương, là bước cuối cùng hoàn thành của việc hoán đổi, dẫn đến việc nhà nước mất tài sản. Vì vậy, bị cáo phải chịu trách nhiệm.
Về tài sản, VKS đề nghị thu hồi 185 Hai Bà Trưng giao cho nhà nước quản lý. Vì đây là vật chứng trong vụ án hình sự.
Chiều nay 24.3, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận trở lại của luật sư bào chữa cho Dương Thị Bạch Diệp, Nguyễn Thành Tài và 8 bị cáo. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.