48 năm thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2023)

Chung dòng máu Lạc Hồng: Trở về

27/04/2023 09:00 GMT+7

Tôi sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc ấy, khoảnh khắc lần đầu tiên tôi trở về Việt Nam sau bao nhiêu năm ở xứ người.

GS Trương Nguyện Thành: Những lần trở về và những điều đánh đổi

2 quyết định trở về

Từ năm 1996 - 2002, tôi thường đến Thái Lan vì họ mời giúp phát triển khoa học tính toán. Lúc ấy, tôi đã là một giáo sư ở Mỹ có đôi chút tên tuổi và thành công. Vì vậy, họ đối xử với tôi rất tốt. Tôi được ở khách sạn 5 sao, được đối xử như thượng khách. Và rồi tôi quyết định nhân dịp này quay trở về Việt Nam sau bao nhiêu năm ở xứ người.

Chung dòng máu Lạc Hồng trở về  - Ảnh 1.

GS Trương Nguyện Thành trong chuyến đạp xe xuyên Việt khi mới quay trở lại Việt Nam vào năm 2022

NVCC

Năm 1996 là lần đầu tiên tôi quay trở lại quê hương Việt Nam. Bước chân ra máy bay, tôi đã rất hồi hộp. Cảm giác của tôi như đứa con đi xa thành danh và quay trở về với mẹ vậy. Nhưng khoảnh khắc tôi nhớ mãi là lúc máy bay sắp đáp xuống đường băng Tân Sơn Nhất (TP.HCM), tôi nhìn ra cửa sổ. Trước mắt tôi là những mái nhà xập xệ, những cảnh nghèo nàn. Nhưng có thể khoảnh khắc ấy là một trong những lý do mà tôi có sự thúc đẩy của nội tâm để trở về nước và cứ mãi gắn liền với TP.HCM cho đến bây giờ.

Khoảng chục năm sau khoảnh khắc ở sân bay ấy, tôi đi đi về về, trở về nước làm việc thường xuyên. Ban đầu là làm việc tại Viện Khoa học và công nghệ tính toán TP.HCM theo lời mời của lãnh đạo TP.HCM vào năm 2006. Sau đó là làm việc tại Trường đại học Hoa Sen, Trường đại học Văn Lang… Rồi sau khi chính thức nghỉ hưu tại Ðại học Utah (Mỹ), tôi quyết định trở về nước làm việc. Quyết định trở về lần thứ hai vào năm 2022 với nhiều trăn trở.

Đánh đổi và trăn trở

Mỗi quyết định lớn trong cuộc đời mỗi người có lẽ đều cần có sự đánh đổi. Tất cả những quyết định của chúng ta đều có cái được và mất. Quan trọng là chúng ta đánh giá rằng trong ngã rẽ này thì giá trị gì đem lại cho mình.

Với tôi, những quyết định trở về này chắc chắn không phải là tiền, chắc chắn không phải là danh dự nữa. Tôi cũng muốn "né" chuyện cống hiến hay yêu nước. Thật sự tôi là người làm khoa học, tôi chỉ làm những gì tôi thấy mình thích làm và cảm thấy có giá trị đối với mình và xã hội.

Thời điểm trở về nước làm việc lần đầu tiên tại Viện Khoa học và công nghệ tính toán TP.HCM, tôi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Về làm việc thì tôi cũng mất khoảng 2 - 3 tháng/năm. Thời gian đó tôi có thể tập trung vào nghiên cứu khoa học hay đi dự hội nghị quốc tế để nâng cao giá trị về nghiên cứu khoa học, nâng cao vị thế của tôi trên cộng đồng khoa học thế giới. Nhưng tôi chấp nhận đánh đổi. Bởi trong thâm tâm, tôi luôn nghĩ rằng mình có được cơ hội này để làm đến vị thế đó thì cũng có lúc mình phải trả lại cuộc đời, trả lại cho quê hương.

Những lúc còn ở đáy của xã hội, thầm ước vọng có cơ hội đi lên, tôi sẽ mang lại cơ hội cho những người khác. Vì vậy, lúc ấy tôi nghĩ rằng đánh đổi thu nhập và thời gian 2 - 3 tháng/năm cũng không phải lớn. Tôi vẫn nghiên cứu, vẫn là giáo sư Ðại học Utah.

Nhưng lần này, tôi quyết định về hưu non và cũng quyết định trở về nước làm việc thường xuyên, mặc dù giáo sư đại học ở Mỹ không có tuổi về hưu. Thêm nữa ở Mỹ, tôi có ngôi nhà với dòng suối chảy qua ngay phía sau. Nhà tôi rất đẹp, ấm cúng và rất thoải mái. Tôi cũng chỉ cần bỏ ra nửa tiếng đồng hồ lái xe là đã có thể đi bộ trong núi rồi.

Cho nên nếu so sánh cuộc sống nhẹ nhàng và thưởng thức thiên nhiên với chuyện trở về nước tiếp tục làm việc, thật sự tôi đánh đổi rất nhiều. Một mình ở đây, nhiều lúc tôi cũng buồn, cũng nhớ nhà đến thắt lại. Nhiều lúc làm việc gặp thử thách nào đó, tôi cũng tự hỏi không biết rằng quyết định này có đúng không. Nhưng tôi không muốn xem việc mình trở về nước lần này là điều gì đó quá to tát.

Tôi cần có môi trường sống mới, cần làm điều gì đó mới, cần nguồn năng lượng mới. Với tôi, trong cuộc đời mình, chỉ có những điều mới mẻ mà tôi cảm thấy rằng nó có giá trị thì mới đem lại cho tôi động lực để sáng thức dậy sớm rồi năng động xông pha ra cuộc đời...

Làm cầu nối khoa học

Tôi về nước làm gì và sẽ tiếp tục làm những gì?

Thời gian qua, tôi giúp đỡ nhiều người tập KiDao nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần. Tôi cũng đang dùng chuyên môn của mình về giáo dục tư vấn cho những tổ chức giáo dục, giúp họ nhìn thấy những vấn đề trong hoạt động và phát triển hiệu quả, bền vững hơn. Tôi đi từ tổ chức này đến tổ chức khác. Tôi mới vừa gặp một tổ chức giáo dục ở Hà Nội, về đến nhà cuối tuần được ngủ một chút, sáng đầu tuần lại đến một tổ chức khác và một trường cao đẳng mới.

Những điều ấy, tôi cho rằng có giá trị lớn hơn là tôi đứng dạy trước vài trăm sinh viên ở Mỹ hoặc là viết nghiên cứu thêm, xuất bản thêm vài bài báo khi tôi đã có trên 200 bài báo quốc tế rồi. Bây giờ tôi có cơ hội làm những việc mới, đem lại cơ hội cho nhiều người hơn. Như vậy là việc làm của tôi đóng góp cho xã hội càng ngày càng tốt hơn.

Thời gian qua thật sự tôi vui lắm. Thời điểm mới về, tôi đạp xe đi khắp đất nước. Sau chuyến đi đó, tôi gặp rất nhiều người ở ngoài đường, ở những nơi mà tôi không ngờ là họ nhận ra tôi. Một bạn trẻ chạy xe máy công nghệ ở Hà Nội nhận ra khi chở tôi. Khi ngồi ở sân bay có một bác gần 70 tuổi tình cờ ngỏ lời nói chuyện và nói rằng chuyến đạp xe xuyên Việt của tôi đã truyền động lực cho bác ấy.

Bác ấy kiếm chiếc xe cũ, bắt đầu đạp xe trở lại. Hoặc là các bạn sinh viên cho biết phần nói chuyện của tôi làm cho em có cảm hứng với cuộc sống, đem lại động lực cho em nhiều hơn, tích cực hơn. Hay cộng đồng tập KiDao sáng sớm nhiều bạn chờ đợi tôi lên tập cùng. Nên nếu có ai đó nói một giáo sư như tôi về nước mà mới chỉ làm những điều quá bé nhỏ thì tôi cũng cười xòa. Nhỏ hay lớn là đánh giá của mỗi cá nhân. Riêng tôi, những điều vừa qua tôi thấy mình có giá trị và tôi vui với những điều đó.

Ðiều tôi muốn làm nhất thời gian tới là làm cầu nối để phát triển tri thức cho quê hương. Nhiều người Việt ở nước ngoài hiện tại có những công việc, những kinh nghiệm chuyên môn cao nhưng nếu nói họ về Việt Nam thì rất khó cho dù họ đã về hưu, vì nhiều người sẽ không đánh đổi cuộc sống hiện tại để quay về bắt đầu thử thách mới trong môi trường sống mới. Họ quen với cuộc sống, môi trường ở nước ngoài…

Vì vậy, chúng ta phải tạo ra cơ hội để những chuyên gia, những người có kinh nghiệm góp phần vào phát triển ở Việt Nam mà không phải về Việt Nam. Tôi đang phát triển một nền tảng công nghệ để kết nối họ với đất nước. Làm sao mình có thể giúp họ truyền đạt được những kiến thức, kinh nghiệm cho giới trẻ ở Việt Nam thường xuyên mà họ không cần về nước. Ðó thật sự là động lực giúp tôi trở về để xây dựng nền tảng đó. (còn tiếp)

GS Trương Nguyện Thành sinh năm 1961 ở Bình Định, là người con thứ hai trong một gia đình có 7 anh em. Năm 1980, ông sang Mỹ sau khi được một cặp vợ chồng nông dân ở đây nhận làm con nuôi.

GS Trương Nguyện Thành học thẳng tiến sĩ và lấy bằng năm 1990, rồi tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ. Năm 1992, Đại học Utah mời ông về làm giáo sư chính thức giảng dạy môn hóa lượng tử. Năm 1993, ông đạt giải nhà khoa học trẻ tuổi có nhiều triển vọng của Mỹ. Năm 2002, ông được phong giáo sư cao cấp (cấp cao nhất trong 3 cấp giáo sư ở Mỹ) khi mới 41 tuổi.

Chung dòng máu Lạc Hồng: Trở về - Ảnh 1.

GS Trương Nguyện Thành thời điểm nhận giải nhà khoa học trẻ tuổi có nhiều triển vọng của Mỹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.