Gần 30 năm trên đất khách, tôi đúc kết được một điều: "học thức sẽ thay đổi định mệnh của một người", và mong muốn được truyền lửa đến thế hệ trẻ của Việt Nam.
Tôi đến Đài Loan tính đến nay đã gần 30 năm, một chặng đường dài không ngừng học tập, và đến nay vẫn đang theo đuổi nghiên cứu tiến sĩ. Thời điểm đó, Đài Loan chưa có đông người Việt và cũng không có nhiều hiệp hội hay tổ chức cộng đồng hỗ trợ công dân nước ngoài như hiện nay. Mọi thứ đều phải tự lập.
LỜI THỨC TỈNH CỦA TÀI XẾ TAXI
Khi đó, người Đài Loan nhìn người Việt Nam với ánh mắt không mấy thiện cảm, bởi họ nghĩ Việt Nam là một đất nước nghèo, lạc hậu, dân trí thấp… Có lần đi taxi, tài xế khi biết tôi là người Việt, liền bảo: "Người Việt các bạn tại sao đến Đài Loan là chỉ biết kiếm tiền mang về cho cha mẹ các bạn, sao không biết lo cho gia đình ở Đài Loan?"…
Tôi hoàn toàn sụp đổ trước những câu hỏi đó. Nhưng sau này nhìn lại chặng đường đã qua, tôi biết ơn bác tài xế ấy vì những câu hỏi đó vô tình trở thành động lực thôi thúc bản thân mình phải thành công để khẳng định vị trí người Việt trên đất khách.
Trong đầu tôi luôn nghĩ mình như ngọn cỏ ở giữa sa mạc khô cằn sỏi đá nhưng vẫn phải vươn lên để tìm nguồn sống.
Khoảng hơn 15 năm trước, khi may mắn được nhận vào làm ở Cục Văn hóa, Cơ quan Lao động Đài Loan, tôi nhận thấy chính quyền Đài Loan có nhiều phúc lợi dành cho người nước ngoài. Ý tưởng biên tập tạp chí song ngữ với tên gọi Tạp chí Quê Hương ra đời từ đó. Mục đích của tạp chí là truyền tải các phúc lợi của chính quyền sở tại cho cộng đồng người Việt đang sinh sống ở đây. Hơn nữa, thông qua những bản tin viết về Việt Nam, người bản xứ có cái nhìn khác về đất nước Việt Nam đang chuyển mình từng ngày sang một nền kinh tế mới, dân trí bắt đầu nâng cao, chứ không phải là một đất nước mãi nghèo và lạc hậu.
Khi giữ vị trí Tổng biên tập Tạp chí Quê Hương, tôi được tiếp xúc và nhiều lần phỏng vấn lãnh đạo Cơ quan Ngoại giao Đài Loan. Có vị động viên: "Tôi nghĩ rằng bạn hãy tự tin với những gì bạn đang làm, và hãy chứng minh bằng những thành quả từ bạn". Đó là người thứ hai đánh thức và chỉ lối trên con đường tôi đang bước đi.
ĐỊNH VỊ NHỊP CẦU KẾT NỐI
Sau vài năm tích lũy kinh nghiệm ở những vị trí công việc khác nhau, cơ duyên đưa tôi gặp gỡ nhiều lãnh đạo ở Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại TP.Đài Bắc (gọi tắt là Văn phòng). Lúc đó tôi chưa đầy 30 tuổi. Tham gia nhiều hoạt động do Văn phòng tổ chức, lắng nghe và học hỏi từ những lãnh đạo ở đây, dần dần tôi có niềm tin và muốn có bước đột phá mới để thúc đẩy hợp tác về đầu tư, thương mại, văn hóa và giáo dục song phương.
Năm 2016, Đài Loan bắt đầu đưa ra chính sách Tân Hướng Nam, mục tiêu là sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) Đài Loan phân tán đầu tư vào các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Một số DN Đài Loan bắt đầu tìm đến đề nghị tôi giúp họ khảo sát, thẩm định thị trường Việt Nam trước khi quyết định đầu tư.
Cùng lúc đó, nhiều trường đại học Đài Loan đến đặt vấn đề muốn liên kết với Việt Nam xây dựng những chương trình liên kết đào tạo theo nhu cầu của DN. Sự quan tâm của các DN Đài Loan với thị trường Việt Nam phần nào khẳng định vị thế của đất nước ta trong tiến trình hội nhập sâu rộng quốc tế.
Với sự ủng hộ của Văn phòng và gần 40 DN, trường học, tôi thuận lợi thông qua 7 cơ quan của Đài Loan xin giấy phép thành lập Hiệp hội Phát triển kinh tế - văn hóa - giáo dục Đài Việt. Hiệp hội chính thức ra mắt ngày 8.10.2016 và được Bộ Ngoại giao Việt Nam cấp phép hoạt động tại Việt Nam vào ngày 17.11.2019. Hiện nay, Hiệp hội đổi tên mới là Hiệp hội DN Việt Đài.
Từ năm 2016 đến nay, chính quyền Đài Loan có chính sách đào tạo nhân lực chất lượng cao theo mô hình "Học và thực hành tại DN" để chuẩn bị nguồn nhân lực cho các tập đoàn điện tử Đài Loan trước khi đầu tư vào Việt Nam. Chương trình được thiết kế một nửa thời gian học lý thuyết tại nhà trường và một nửa thời gian thực hành có lương tại DN, và được hỗ trợ một phần học bổng. Hiệp hội kết nối thành công hợp tác giữa tỉnh Đồng Tháp với H.Tân Trúc (Đài Loan) ký kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo mô hình này, thay đổi cuộc đời hơn 800 bạn trẻ. Hàng trăm bạn đã hoàn thành chương trình học, có việc làm với mức lương gần 20 triệu đồng/tháng sau khi ra trường.
Tiếp đó là kết nối đầu tư giữa tỉnh Đồng Tháp với TP.Đào Viên trong lĩnh nông nghiệp kỹ thuật cao cũng đạt nhiều thành công. Với chương trình này, nhiều bác sĩ, kỹ sư nông nghiệp, kỹ sư công nghiệp cũng nhận các học bổng toàn phần nghiên cứu tiến sĩ.
Tất cả việc tôi làm trong lĩnh vực "trồng người" xuất phát từ lòng biết ơn những ân nhân đã từng cho tôi cơ hội trên mỗi bước đường của chính mình, giúp bản thân nhận thức một điều: "Một cái nắm tay của người đi trước sẽ là cơ hội rút ngắn con đường thành công của bạn".
HỖ TRỢ THẾ HỆ THỨ 3
Sau khi thành công ở lĩnh vực hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, những năm gần đây nổi lên làn sóng các tập đoàn điện tử lớn đầu tư vào Việt Nam như Foxconn, Pegatron, Wistron, Qisda, Compal... càng lúc càng đông. Thật may mắn khi tôi gặp và nhận được sự ủng hộ của bác Mã Ân Quang (nguyên là thư ký 2 nhiệm kỳ của lãnh đạo Cơ quan Kinh tế Đài Loan, nguyên Phó tổng thư ký Công hội điện tử Đài Loan). Tháng 2.2022, Hiệp hội DN Việt Đài vận động hơn 50 tập đoàn điện tử hàng đầu của Đài Loan tham gia, đồng thời chính thức ra mắt Ủy ban Xúc tiến hợp tác công nghệ cao.
Vinh dự nhận Giải Búa liềm vàng
Ngày 3.2.2023, tại lễ trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng lần thứ 7, bà Ngô Phẩm Trân và ông Steve Bùi (Việt kiều tại Nhật Bản) vinh dự nhận giải chuyên đề Tác phẩm xuất sắc của tác giả là người VN ở nước ngoài với bài viết Từ các quy hoạch vùng cần tổ chức không gian phát triển quốc gia đăng trên Tạp chí Thời Đại.
Sau bao nhiêu năm nỗ lực khẳng định vị thế người Việt trên đất khách, tôi thấy mình đã làm được một điều là người sáng lập và Chủ tịch Hiệp hội DN Việt Đài 2 nhiệm kỳ. Hiệp hội có các thành viên là những tập đoàn lớn, xúc tiến thành công các dự án đầu tư, giao dịch thương mại và đào tạo được nhiều nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.
Để xây dựng thế hệ thứ 2 tiếp bước, vào tháng 2.2023 vừa qua, Hiệp hội Kiều bào trí thức Việt tại Đài Loan thành lập, tập hợp các thế hệ kiều bào hỗ trợ các bạn trí thức trẻ kết nối với các kênh trong nước, phát triển kinh tế, văn hóa và khẳng định vị thế người Việt Nam nơi đất khách. Đặc biệt là kiều bào thế hệ thứ 3, hiện nay các cháu đã đến độ tuổi tốt nghiệp đại học, và rất nhiều trong đó sẽ là những nhân tài của đất nước trong tương lai. Tôi muốn chia sẻ cơ hội và nắm tay những bạn trẻ này để kết nối và lan tỏa nhiều hơn nữa một Việt Nam mới trên trên đất bạn nói riêng và thế giới nói chung.
Tục ngữ Việt Nam có câu: "Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao". Tôi tin rằng chỉ cần đoàn kết, Việt Nam sẽ gặt hái được thành công trên các lĩnh vực. Trên hành trình xây dựng Việt Nam hùng cường, mỗi kiều bào là một người con của đất nước, bản thân chỉ cần có mục tiêu rõ ràng, có ý chí đến cùng, nhất định sẽ thành công.
(còn tiếp)
Bình luận (0)