Từ ngày Quốc khánh 2.9 năm nay đến đó, chúng ta còn tất cả 23 năm. Khát vọng ngàn đời của dân tộc có thể được hiện thực hóa trong khoảng thời gian 23 năm hay không? Đâu là những bảo đảm để đất nước chúng ta có thể hóa rồng trong chỉ hơn hai thập kỷ nữa?
Trên thế giới, Nhật Bản chỉ mất 22 năm để trở thành nước phát triển (nhờ sự tăng trưởng thần kỳ của nền kinh tế sau chiến tranh từ năm 1951 - 1973). Singapore cũng trở thành nước phát triển sau hơn 25 năm (Singapore độc lập vào năm 1965 và trở thành nước phát triển vào những năm 1990). Như vậy, kinh nghiệm thế giới cho thấy một nước hoàn toàn có thể công nghiệp hóa thành công và trở thành nước phát triển trong khoảng thời gian chúng ta đang có từ nay đến năm 2045. Có rất nhiều việc phải làm từ nay đến đó, nhưng dưới đây phải chăng là những việc quan trọng nhất.
Đất nước cần sự chuyển mình mạnh mẽ để vươn tới những tầm cao mới |
Độc Lập |
Việc thứ nhất là thúc đẩy sự nghiệp chuyên nghiệp hóa toàn diện mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và coi đây công cuộc Đổi mới 2.0. Đổi mới 1.0 về bản chất là những cải cách theo hướng tự do hóa. Trong hơn 30 năm qua, những cải cách theo hướng này thật sự đã mang lại sự phát triển khá ngoạn mục cho đất nước. Tuy nhiên, tự do hóa chỉ tạo ra khuyến khích (và nó cũng đã được khai thác cơ bản đến giới hạn cuối cùng). Chuyên nghiệp hóa mới tạo ra đẳng cấp và hiệu quả cao.
Chuyên nghiệp hóa bắt đầu từ việc áp dụng các nguyên tắc, chuẩn mực và quy trình mang tính kỹ trị nghiêm ngặt trong việc ban hành chính sách và pháp luật. Các vấn đề phải được nhận biết trên cơ sở của dự liệu và chứng cứ. Các ưu tiên phải được xác lập đúng đắn trên cơ sở lợi ích của quốc gia. Các giải pháp/chính sách phải được đánh giá tác động trước khi ban hành.
Chuyên nghiệp hóa cũng bắt đầu từ sự phân công lao động rạch ròi, hợp lý và khoa học giữa các thiết chế tạo nên hệ thống chính trị của chúng ta. Quan trọng là cần phải khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp và lẫn lộn chức năng.
Chuyên nghiệp hóa còn bắt đầu từ việc phân định rạch ròi các loại hình lao động trong hệ thống. Làm chính khách không lẫn lộn với làm quan chức điều hành. Làm công chức không lẫn lộn với làm chính trị. Một công chức giỏi không nhất thiết có thể trở thành một chính khách giỏi. Đây là hai loại hình lao động khác nhau, đòi hỏi những năng lực khác nhau.
Chuyên nghiệp hóa còn thể hiện ở kỹ năng nghề nghiệp. Ai làm nghề gì thì phải giỏi nghề đó. Làm chính khách thì phải giỏi hoạch định chính sách và thúc đẩy chính sách; làm công chức thì phải giỏi thực thi chính sách và pháp luật; làm viên chức thì phải giỏi chuyên môn, nghiệp vụ; làm doanh nhân thì phải giỏi kinh doanh. Phẩm hạnh và giá trị của con người phải được đánh giá trước hết bằng trình độ chuyên môn, nghề nghiệp hơn là chức tước và bằng cấp. Không nên khuyến khích việc chuyển đổi vai trò thường xuyên từ viên chức sang công chức, từ công chức sang chính khách. Chuyển đổi thường xuyên thì không ai thạo nghề gì cả.
Chuyên nghiệp hóa cũng thể hiện ở thái độ đối với nghề nghiệp. Làm nghề gì thì yêu quý nghề đó. Mỗi người, mỗi ngày đều cần phấn đấu liên tục để hoàn thiện không ngừng kỹ năng nghề nghiệp của mình. Từ việc nấu ăn, đến việc lái xe, tất cả mọi việc đều có thể được hoàn thiện không ngừng, đều có thể ngày hôm sau làm tốt hơn ngày hôm trước. Tất cả mọi việc đều có thể nâng từ kỹ thuật lên thành nghệ thuật. Đây chính là cách cư xử của người Nhật Bản. Và đây cũng chính là chìa khóa thành công của đất nước Nhật Bản.
Thứ hai là thúc đẩy cải cách thể chế, mà quan trọng là các thể chế phát triển kinh tế. Trong hơn nửa thế kỷ qua, chỉ có một số rất ít các nước, lãnh thổ vươn được từ thế giới thứ ba lên thế giới thứ nhất. Tất cả các nước, lãnh thổ này đều có nền tảng văn hóa Đông Bắc Á và đều theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển (developmental state). Đó là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và mới đây nhất là Trung Quốc.
Thứ ba, cải cách luật Đất đai là một trong những cải cách thể chế quan trọng hàng đầu. Do những biến động lịch sử, chế định luật Đất đai của nước ta là hết sức phức tạp, rối rắm. Mọi giao dịch liên quan đến đất đai đều có chi phí thủ tục, chi phí thời gian và chi phí cơ hội đắt gấp nhiều lần so với ở các quốc gia khác trên thế giới. Mà như vậy thì đây sẽ là một cản trở vô cùng to lớn đối với sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, tháo dỡ tất cả mọi vấn đề của luật Đất đai ra để xử lý là hoàn toàn không dễ. Nên chăng cần thúc đẩy những cải cách hướng tới việc cắt giảm nhiều hơn chi phí giao dịch liên quan đến đất đai. Các giao dịch liên quan đến đất đai càng được thực thi dễ dàng, nhanh chóng, thì đất đai càng được sử dụng có hiệu quả. Đây chính là nguồn gốc sâu xa của sự giàu có mà đất đai có thể mang lại.
Thứ tư là cân đối tốt hơn giữa tự do và điều chỉnh trong quá trình quản trị quốc gia. Thực tế cho thấy, trong giai đoạn đầu của công cuộc Đổi mới, quá trình tự do hóa đã được thúc đẩy mạnh mẽ. Phần lớn các đạo luật được ban hành trong thời kỳ này từ Khoán 10 đến luật Doanh nghiệp, luật Thương mại… đều hướng tới việc tạo ra khuôn khổ cho người dân thực thi các quyền tự do của mình mà trước hết là quyền tự do tài sản, tự do kinh doanh, tự do khế ước… Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự phát triển ngoạn mục của nền kinh tế. Tuy nhiên, xu hướng ban hành pháp luật để tăng cường quản lý càng về sau cũng càng được tăng cường. Hậu quả là tình trạng lạm dụng điều chỉnh đã xảy ra. Hiện nay, tuân thủ cho hết các quy định của pháp luật là rất khó khăn không chỉ đối với người dân, mà còn đối với cả cán bộ, công chức nhà nước. Chi phí tuân thủ đang bị tăng cao; năng lực đổi mới, sáng tạo của cả hệ thống đang bị trói chặt. Thiết kế một quy trình lập pháp bảo đảm sự cân đối giữa tự do và điều chỉnh phải là nhiệm vụ trọng tâm của chương trình xây dựng nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang triển khai hiện nay.
Thứ năm là giảm thiểu rủi ro và tận dụng tốt nhất lợi thế của địa chính trị và địa kinh tế. Nước ta nằm bên cạnh Trung Quốc - một nền kinh tế đang vươn lên đứng đầu thế giới. Chỉ riêng hiệu ứng lan tỏa của nền kinh tế này đã có thể được tận dụng để thúc đẩy các mục tiêu phát triển của chúng ta. Vấn đề là chúng ta cần phải đề ra được một chiến lược để tận dụng tốt nhất lợi thế của địa kinh tế mà chúng ta đang có.
Bên cạnh đó, rủi ro bị lôi kéo vào cuộc tranh hùng giữa một siêu cường đã được xác lập và một siêu cường đang trỗi dậy - giữa Mỹ và Trung Quốc, là rất lớn. Ông Kevin Rudd, cựu Thủ tướng Úc, đã từng khẳng định sự đối đầu của một siêu cường đã được xác lập với một siêu cường đang được hình thành là rất khó tránh khỏi. Lịch sử nhân loại đã biết đến 15 cuộc đối đầu như vậy. Trong 15 cuộc đối đầu này thì có đến 11 cuộc đối đầu đã dẫn tới chiến tranh. Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay sẽ dẫn tới điều gì vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Chính vì vậy, cho dù kiên quyết không lựa chọn phe trong cuộc đối đầu này, Việt Nam chúng ta cũng cần tích cực đóng góp sức mình cho việc xây dựng một khuôn khổ quan hệ để hai siêu cường có thể cùng tồn tại và hơn thế nữa, cùng hợp tác được với nhau trong hòa bình. Điều này nằm trong lợi ích của cả nhân loại nói chung và của đất nước chúng ta nói riêng. Dù sao thì trong 15 cuộc đối đầu giữa các siêu cường mà lịch sử nhân loại đã biết vẫn có 4 cuộc đối đầu không dẫn tới chiến tranh.
Bình luận