Tuy nhiên, ngay khi chạm ngưỡng cản cứng này, chỉ số đã lập tức quay đầu. Lực bán đã dồn dập xuất hiện tại một loạt mã cổ phiếu, đặc biệt là nhóm tài chính, ngân hàng và dầu khí.
Mở đầu phiên giao dịch sáng nay, đà hưng phấn của thị trường được đẩy lên khá cao sau khi chứng khoán Mỹ có được 1 phiên bùng nổ, chỉ số DJ tăng hơn 600 điểm. VHM, VRE của VinGroup cùng với VCB, MWG và một số cổ phiếu ngân hàng như TCB, MBB… kéo thị trường tăng gần 10 điểm.
Độ rộng thị trường lan tỏa sang các cổ phiếu đến khoảng 10 giờ sáng. Sau thời gian này, lực bán tăng mạnh áp đảo lực mua, Vn-Index quay đầu.
Đóng cửa phiên sáng, Vn-Index chỉ còn tăng nhẹ 0,02%, chỉ số Vn-30 tăng 0,06%. Sàn Hà Nội, HNX giảm 0,18%...
Điểm đáng chú ý là thanh khoản của thị trường tăng mạnh. Vn-Index đạt giá trị 461,3 triệu cổ phiếu với tổng khối lượng giao dịch gần 12.000 tỉ đồng.
Đây là một “mốc” thanh khoản hết sức nhạy cảm, bởi thời gian vừa qua Sàn Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) liên tục bị tắc nghẽn giao dịch khi chạm mốc này, khiến các nhà đầu tư vô cùng bức xúc. Trên một loạt diễn đàn, nhiều nhà đầu tư đã yêu cầu xem xét trách nhiệm lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cũng như Ủy ban Chứng khoán vì tình trạng đơ bảng giao dịch, “rút phích” điện… có thể gây thiệt hại lớn.
|
Chiều 1.3, Ủy ban Chứng khoán cho biết, qua khảo sát thực tế cho thấy hiện tượng “nghẽn lệnh” có một số nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do năng lực theo thiết kế của hệ thống giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM có giới hạn về số lượng lệnh trong một ngày giao dịch, không đáp ứng được nhu cầu giao dịch tăng đột biến ngoài dự đoán của thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua.
Ngắn hạn, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã thực hiện các giải pháp để tối ưu hóa lượng lệnh giao dịch nhập vào hệ thống, gồm: nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu/lô từ ngày 4.1.2021 để giảm tải lệnh lô lẻ cho hệ thống; phối hợp và yêu cầu các công ty chứng khoán rà soát, hạn chế lỗi phát sinh từ phía công ty nhằm tránh tác động xấu đến hệ thống; thực hiện rà soát nội bộ, kiểm soát rủi ro, tăng cường trực ca vào thời gian giao dịch cao điểm.
Trong trung hạn, nghiên cứu đề xuất phương án kỹ thuật đảm bảo hệ thống giao dịch hiện tại vận hành suôn sẻ, thông suốt cho đến khi hệ thống công nghệ thông tin thị trường chứng khoán mới (KRX) chính thức đi vào hoạt động.
“Hiện nay, một số chuyên gia đã thực hiện xong các thủ tục cách ly và có mặt tại Việt Nam để hỗ trợ triển khai dự án mặc dù số lượng các chuyên gia này không nhiều nhưng các đơn vị đang rất nỗ lực trong việc hoàn thành dự án để sớm đưa hệ thống vào hoạt động”, Ủy ban Chứng khoán thông tin.
Bình luận (0)