Cổ phiếu nào sẽ bị chuyển sàn để chống nghẽn lệnh ?

Mai Phương
Mai Phương
02/03/2021 10:37 GMT+7

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa gấp rút lấy ý kiến các công ty chứng khoán về việc chuyển một số mã chứng khoán từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) sang giao dịch trên HNX.

Doanh nghiệp không đồng ý, có chuyển được không ?

Hiện HNX vẫn chưa công bố tiêu chí cụ thể về các cổ phiếu sẽ phải “chuyển sàn”. Vì vậy nhiều nhà đầu tư và bản thân các công ty chứng khoán đều xôn xao dự báo. Theo chị Ngọc An (Quận 3, TP.HCM), chắc những cổ phiếu giá thấp sẽ bị lựa chọn để tạm dời nhà. Bởi khó có thể dời những cổ phiếu blue-chips hay cổ phiếu trong rổ VN30 vì liên quan đến các chỉ số trên sàn HOSE.
Giám đốc một công ty chứng khoán TP.HCM nhận định, đây là giải  pháp tạm thời nhưng sẽ tác động đến nhà đầu tư, doanh nghiệp niêm yết và cả hoạt động của công ty chứng khoán. Ông cũng cho rằng những cổ phiếu dưới mệnh giá sẽ nhiều khả năng bị ép chuyển sàn. Nhưng phải chuyển bao nhiêu mã chứng khoán mới đảm bảo đủ giảm tải cho HOSE? Từ đầu tháng 12.2020 khi HOSE nâng lô giao dịch từ 10 đơn vị/lệnh lên lô 100 đơn vị/lệnh thì đã tính toán được giảm tải hệ thống bao nhiêu hay chưa? Vì có nhiều phiên giao dịch sàn HOSE có giá trị lên gần 20.000 tỉ đồng nhưng cũng có nhiều phiên giao dịch chỉ đạt 13.000 - 14.000 tỉ đồng là hệ thống đã bị nghẽn lệnh.
Theo văn bản lấy ý kiến của HNX, các cổ phiếu chuyển sàn được lập một bảng riêng khi giao dịch trên HNX nhưng vẫn giữ nguyên về biên độ, giao dịch như trên HOSE. Nhưng các công ty chứng khoán cần phải có thời gian 1-2 tháng để chỉnh sửa hệ thống và sẽ phải tốn thêm chi phí. Vậy liệu tất cả công ty chứng khoán có đáp ứng kịp hay không? Một vấn đề khác là các doanh nghiệp niêm yết là những đối tượng có liên quan thì về lý, HNX phải lấy ý kiến nhưng việc này chưa thực hiện. Trường hợp có doanh nghiệp niêm yết không đồng ý chuyển sàn thì có thực hiện hay không? Đây là một giải pháp tạm thời và khá “lạ đời” trên thị trường chứng khoán Việt Nam và có vẻ trên cả thế giới.
  Những lần gặp sự cố của sàn HOSE
- Ngày 8.12.2006, Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM (tiền thân của HOSE) bị ngưng hoạt động vì bảng điện tử không thể hiện số liệu. Khi đó sàn HOSE chỉ mới có 20 công ty chứng khoán và số lượng chỉ có vài triệu tài khoản của nhà đầu tư.
- Ngày 27.5.2008, lệnh mua bán của các nhà đầu tư không thể nhập vào hệ thống giao dịch của HOSE cũng do lỗi trục trặc service của hệ điều hành. Điều này khiến HOSE phải dừng giao dịch trong 3 phiên liên tiếp từ 27 – 29.5.2008.
- Ngày 22.1.2018: Hệ thống giao dịch của HOSE bị lỗi kết nối vào cuối phiên khiến thị trường treo cứng trong phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa. Sau đó HOSE cũng tiếp tục ngừng giao dịch vào 2 ngày kế tiếp là 23 – 24.1.2018.
- Ngày 9.6.2020: HOSE phải hủy toàn bộ đợt giao dịch khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa do hệ thống giao dịch không thể khớp lệnh.

Yếu con người chứ không phải hệ thống

Việc di dời một số mã chứng khoán từ HOSE sang HNX được cho là giải pháp tạm thời để chống nghẽn lệnh cho sàn HOSE. Nhưng kết quả có như mong muốn hay không thì chưa ai trả lời được chắc chắn. Liệu có khi nào dẫn tới hệ thống của HNX bị “đơ” vì quá tải? Hiện hệ thống của HOSE chỉ xử lý được tối đa khoảng 900.000 lệnh/phiên. Từ cuối năm 2020, khi thanh khoản thị trường tăng vọt lên trên 10.000 tỉ đồng/phiên, cộng với lượng tài khoản mới được mở liên tục đạt kỷ lục, hệ thống giao dịch của HOSE liên tục bị nghẽn.

Những lần nghẽn lệnh sẽ gây thiệt hại cho cả nhà đầu tư, công ty chứng khoán

Đ.Ngọc Thạch

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), tình trạng nghẽn lệnh, sập sàn của HOSE thực tế đã diễn ra từ tháng 5.2008 đến tháng 1.2018. Nhưng thường xuyên từ cuối năm vừa qua đến nay là khá nghiêm trọng. Điều này cho thấy công tác quản trị, quản lý tại HOSE yếu kém. Tại sao phần mềm giao dịch mới đã được khởi động gần 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành? Đây là một dấu hỏi lớn mà cơ quan quản lý nhà nước cần phải có câu trả lời và có người chịu trách nhiệm.
“Phần mềm giao dịch tài chính không phải là vấn đề khó nhưng 9-10 năm vẫn chưa xong. Tiền để sử dụng cho dự án cũng không thiếu. Vậy chỉ có thể nói rằng yếu kém do con người. Hiện nay đã có quyết định thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam thì tôi cho rằng công tác nhân sự cần phải được chuẩn bị kỹ hơn. Chẳng hạn phải có giám đốc công nghệ thông tin, bộ phận giám sát thị trường phải hoạt động hiệu quả hơn… Muốn thị trường chứng khoán phát triển mạnh thì không thể kéo dài tình trạng yếu kém từ bộ máy lãnh đạo vì làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp niêm yết”, ông Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh.
Hệ thống giao dịch của HOSE được cung cấp bởi Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) và được triển khai từ tháng 12.2012. Hệ thống công nghệ mới này nhằm phục vụ các hoạt động nghiệp vụ giao dịch, giám sát, thông tin thị trường tại HOSE và HNX cũng như nghiệp vụ đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán cho Trung tâm Lưu ký chứng khoán VN (VSD). Đầu năm 2018, khi sàn HOSE gặp sự cố do lỗi phần mềm, lãnh đạo HOSE cho biết số lượng lệnh mà hệ thống xử lý mới chỉ khoảng 25% năng lực của hệ thống. Hạn chế của hệ thống hiện tại nằm ở tính linh hoạt và khả năng mở rộng hơn nữa trong tương lai. Do đó, HOSE đang là chủ đầu tư, cùng 2 đơn vị thụ hưởng là HNX và VSD, triển khai một dự án công nghệ thông tin hiện đại với nhà thầu là KRX nhằm thay đổi hoàn toàn nền tảng công nghệ thông tin của thị trường chứng khoán Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao trong tương lai. Dự án đã hoàn tất giai đoạn thiết kế và dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2019. Tuy nhiên đến nay hệ thống này vẫn chưa được đưa vào sử dụng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.