Cổ phiếu vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2021

Mai Phương
Mai Phương
14/02/2021 06:59 GMT+7

Một số công ty chứng khoán đã đưa ra báo cáo lạc quan cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2021.

Chỉ số P/E của Việt Nam vẫn thấp

Theo Công ty chứng khoán SSI, đợt điều chỉnh trên thị trường chứng khoán trong tháng đầu năm nay chủ yếu do tác động của các yếu tố kỹ thuật đã đưa hệ số P/E (giá/thu nhập cổ phiếu) thị trường năm 2021 về mức 14,65 lần vào ngày 29.1 và tăng lên 15,16 lần vào ngày 5.2. Hệ số P/E mục tiêu cho VN-Index trong năm 2021 vẫn được duy trì ở mức 18 lần, tạo ra dư địa tăng trưởng 20,2% cho chỉ số nếu xét về mặt định giá. Với mức P/E hiện tại là 16,4 lần, thị trường Việt Nam đang được định giá thấp hơn một số nước trong khu vực như P/E của Thái Lan là 26,3 lần, Indonesia là 29,9 lần, Malaysia là 21,5 lần, Phillippines là 27,3 lần...
Tuy nhiên trước diễn biến của chủng Covid-19 mới gần đây, SSI cho rằng sự thận trọng là cần thiết khi tin tức dồn nén trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán có thể sẽ tác động tiêu cực lên thị trường sau đó. Vì vậy, SSI đưa ra 2 kịch bản cho thị trường sau kỳ nghỉ Tết. Đó là khả năng dịch Covid chưa được kiểm soát và diễn biến phức tạp hơn so với đợt tháng 3 và tháng 7.2020. Vùng 1.000 điểm vẫn sẽ là vùng hỗ trợ quan trọng của VN-Index, các vị thế mua mới sẽ an toàn ở vùng này. Kịch bản 2 là không có diễn biến phức tạp hơn trong kỳ nghỉ Tết, dịch Covid vẫn trong tầm kiểm soát. Vùng 1.100 điểm là vùng hỗ trợ gần nhất cho chỉ số, nhà đầu tư tận dụng các nhịp điều chỉnh ngắn để mở vị thế mua mới với mục tiêu gần nhất của chỉ số hướng đến vùng 1.175-1.200 điểm.
Công ty SSI nghiêng về kịch bản 2 do các biện pháp hiệu quả và kinh nghiệm của Chính phủ chống dịch Covid-19 ở 2 lần xử lý trước đây. Bên cạnh đó, thông tin về các nguồn vắc-xin Covid-19 sẽ được triển khai nhập khẩu về Việt Nam trong các quý tới cũng có thể là các thông tin hỗ trợ. Ngoài ra, tính theo tuần, Việt Nam là thị trường cổ phiếu duy nhất tại khu vực châu Á có vốn từ các quỹ ETF vào liên tục trong 4 tuần gần đây. Dòng vốn chủ động ra vào đan xen và tính chung vẫn rút ròng khoảng 23,5 triệu USD trong tháng 1. Tuy nhiên, lượng vốn lớn đổ vào các quỹ ETF đã giúp thị trường Việt Nam vẫn hút ròng hơn 100 triệu USD trong tháng 1. Cụ thể, các quỹ ETF hút ròng thêm khoảng 129 triệu USD (gần 3.000 tỉ đồng), tương đương 2/3 tổng giá trị của cả năm 2020, nhiều nhất là vào các quỹ VFM Diamond ETF (+1.310 tỉ đồng) và VFM VN30 ETF (+860 tỉ đồng). Diễn biến khối ngoại trên sàn cũng khá tương đồng khi nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh trong 3 ngày cuối tháng, nếu loại trừ giao dịch bán cổ phiếu MSN của nhóm GIC, khối ngoại mua ròng khoảng 127 tỉ đồng trong tháng đầu năm nay.
“Thị trường Việt Nam đang tỏ ra khá hấp dẫn nhờ khả năng kiểm soát dịch bệnh, câu chuyện tăng trưởng kinh tế và là điểm đến của dịch chuyển sản xuất toàn cầu. Dù thông tin dịch bệnh là yếu tố chính khiến thị trường biến động giai đoạn này nhưng chúng tôi cho rằng dòng vốn ETF vào thị trường Việt Nam sẽ vẫn là yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với mức độ biến động của thị trường sẽ ngày càng cao. Có thể thấy, cổ phiếu hiện vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trong các kênh đầu tư truyền thống nhờ kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu đang bước vào giai đoạn đầu của chu kỳ kinh tế và lợi nhuận các doanh nghiệp sẽ cải thiện. Trong đó, cổ phiếu các thị trường mới nổi đang tỏ ra hấp dẫn hơn các thị trường phát triển, cổ phiếu giá trị ưa thích hơn cổ phiếu tăng trưởng. Tuy nhiên, dòng vốn nhỏ lẻ chi phối nên độ biến động của thị trường sẽ cao hơn và sẽ rất nhạy cảm với các thông tin về: triển khai vắc-xin; diễn biến lãi suất, cung tiền và lạm phát”, báo cáo của SSI nhận định.

VN-Index sẽ vượt 1.200 điểm?

Cũng có quan điểm tích cực, Công ty chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá việc tiếp tục giải ngân đầu tư công cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng của Chính phủ đã hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 và hỗ trợ tăng trưởng, tác động tích cực đến chứng khoán tháng 2. Chỉ số định giá vẫn ở mức hợp lý so quá khứ và so với khu vực, điều này giúp thị trường ổn định và xác lập vùng giá hợp lý. Một yếu tố ảnh hưởng tích cực khác là các thử nghiệm vắc-xin vẫn đang được tiến hành tại nhiều nơi trên thế giới và quá trình phân phối đến các quốc gia bước đầu được diễn ra. Thanh khoản cũng như dòng tiền tăng nhờ các quỹ ETF công bố điều chỉnh và thực hiện cơ cấu danh mục cùng với tâm lý nhà đầu tư quốc tế ổn định và giảm thiểu trú ẩn vào các kim loại quý như vàng, bạc...

Một số công ty chứng khoán dự báo VN-Index sẽ vượt 1.200 điểm vào cuối năm 2021

Ảnh: Đào Ngọc Thạch

BSC đưa ra dự báo về thị trường trong năm 2021, VN-Index đang có điều kiện thuận lợi tăng giá nhờ kết quả kinh doanh của các công ty cải thiện và tăng hệ số P/E nhờ dòng tiền mới của nhà đầu tư. BSC đưa ra 2 kịch bản: kịch bản 1 dự báo VN-Index đạt 1.258 điểm vào cuối năm 2021 với tăng trưởng EPS (thu nhập trên từng cổ phiếu) tăng 22%, P/E ở mức 17,2 lần; kịch bản 2 là VN-Index đạt 1.154 điểm với tăng tưởng EPS đạt 22% và P/E ở mức 15,8 lần.
Hay Báo cáo chiến lược 2021 của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết phản ứng nhanh chóng và quyết liệt của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch Covid-19 đã mang lại thành quả lớn, không chỉ tỷ lệ tử vong thấp so với các quốc gia khác trên thế giới mà còn giúp Việt Nam mở cửa lại nền kinh tế sớm hơn, cũng như giảm thiểu các tác động đến kinh tế vĩ mô và đảm bảo sự ổn định về mặt tài chính. Dự báo tăng trưởng GDP sẽ phục hồi và tăng tốc đạt 6,7% trong năm 2021 từ mức 2,9% trong năm 2020. Môi trường lãi suất thấp sẽ hỗ trợ sự phục hồi của khu vực công và bảng cân đối kế toán của các ngân hàng từ tác động của Covid-19 mà không gây ra cú sốc lớn cho sự ổn định vĩ mô. Theo đó, VCSC dự báo VN-Index vào cuối năm 2021 có thể đạt 1.250 điểm, tăng 13% so mức cuối năm 2020 là 1.104 điểm, tương ứng với P/E trượt là 16,9 lần, dựa theo EPS 2021 là 16,0 lần và P/E dự phóng 12 tháng tính đến cuối năm 2021 là 13,9 lần...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.