(TNO) Thị trường chứng khoán Trung Quốc vừa hứng chịu thêm một đợt bán tháo nữa. Chỉ số Shanghai Composite trong tuần này giảm 11%, thổi bay gần như tất cả nỗ lực giải cứu của chính phủ Trung Quốc hồi đầu tháng 7 và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán toàn cầu.
Chứng khoán Trung Quốc sụt giảm 11% trong tuần này - Ảnh: Reuters
|
Theo CNN, thị trường chứng khoán Trung Quốc vừa hạ 4% hôm 21.8. Chỉ số Sanghai Composite đóng cửa phiên giao dịch ngày 21.8 ở mức hơn 3.500 điểm một chút. Đây là mức mà giới phân tích cho rằng Bắc Kinh sẽ cố gắng bảo vệ bằng mọi giá. Chốt cả tuần qua, Shanghai Composite giảm 11%.
Cổ phiếu nhiều công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Thượng Hải, bao gồm cả các doanh nghiệp quốc doanh, giảm đến mức tối đa hằng ngày là 10%. Chỉ số Shenzhen Composite thì tuột 5,4% hôm 21.8 và giảm đến 11,5% tính trong cả tuần qua.
Tại đặc khu Hồng Kông, tình hình có vẻ khá hơn Đại Lục, song vẫn chốt phiên ngày 21.8 thấp hơn 20% so với mức đỉnh lập ra hồi tháng 4 vừa qua. Ngày 21.8 kéo dài đà biến động thị trường chứng khoán Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Trước đó, các dấu hiệu bất ổn đầu tiên xuất phát vào tháng 6, sau khi Shanghai Composite đạt đến mức đỉnh 5.100 điểm sau khi tăng 150% trong vòng 12 tháng. Khi bong bóng vỡ, chỉ số sụt giảm 32% chỉ trong 18 phiên giao dịch và chạm đáy hôm 8.7.
Bắc Kinh khi ấy tích cực giải cứu thị trường. Ngân hàng trung ương Trung Quốc cắt giảm lãi suất đến mức thấp kỷ lục, trì hoãn nhiều đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và gây áp lực lên những nhà đầu tư bán tháo. Cơ quan điều tiết thị trường của nước này còn mua vào cổ chứng khoán và các công ty được cho phép đình chỉ giao dịch cổ phiếu của họ. Có lúc, đến 50% cổ phiếu Trung Quốc tạm ngừng giao dịch.
Theo giới phân tích, biến động chứng khoán sẽ ít ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc vì hiện vẫn còn ít nhà đầu tư đổ tiền vào cổ phiếu và đại đa số các doanh nghiệp nước này vẫn còn khả năng tài chính.
Tuy nhiên, mối quan ngại đang gia tăng, đặc biệt là sau động thái về nhân dân tệ và báo cáo số liệu sản xuất sụt giảm. Hôm 21.8, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) - thước đo quan trọng cho hoạt động sản xuất nước này - chạm đáy 77 tháng. Nhu cầu tiêu dùng cũng có dấu hiệu suy yếu.
Ngoài việc làm dấy lên nguy cơ châm ngòi cuộc chiến tiền tệ châu Á, tác động tiêu cực từ Trung Quốc đã lan khắp thị trường chứng khoán toàn cầu.
Hôm 20.8, chỉ số Dow Jones bị “nhấn chìm” 358 điểm, lần đầu tiên đóng cửa ở mức 17.000 kể từ tháng 10.2014. Chỉ số S&P 500 có tuần tệ nhất trong 3 năm qua, MSCI All-Country World mất 2,7% còn Stoxx Europe 600 Index thì giảm 3,3%, theo Bloomberg.
Đây được cho là kết quả tổng hợp từ Trung Quốc, khả năng tăng lãi suất thiếu rõ ràng từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và giá dầu sụt giảm.
Bình luận (0)