Người thắng
Khi tốc độ tăng trưởng tại các thị trường phát triển chậm lại đáng kể, giới đầu tư tìm kiếm sự đi lên trong thế giới đang phát triển. Chỉ số Karachi Stock Exchange 100 của Pakistan là chỉ số diễn biến tốt nhất khu vực, tăng 23,19% từ đầu năm đến nay. Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương trừ Nhật Bản chỉ tăng 10,82%. Dù chính trị Pakistan đôi khi không ổn định, các nhà phân tích cho hay những nguyên tắc cơ bản của nước này đang tương đối bình ổn.
“Tăng trưởng GDP sơ bộ cho năm tài khóa 16 (kết thúc vào tháng 6.2016) tăng lên chạm đỉnh bảy năm là 4,7%, dù có thể chịu điều chỉnh giảm xuống còn 4,5%”, các nhà phân tích thuộc ngân hàng Standard Chartered cho biết. Dưới thời lãnh đạo của Thủ tướng Nawaz Sharif, Pakistan tránh được cuộc khủng hoảng thanh toán bên ngoài nhờ chương trình cho vay của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các khoản đầu tư từ Trung Quốc. Đầu năm nay, Pakistan được xếp vào bộ chỉ số MSCI Emerging Markets.
Theo sau Pakistan là chỉ số VN-Index của Việt Nam với mức tăng 18,91% từ đầu năm đến nay. “Việt Nam vẫn là một trong những điểm sáng ở châu Á”, nhà kinh tế cấp cao Vishnu Varathan tại ngân hàng Mizuho Bank nói. Việc Trung Quốc dịch chuyển nền kinh tế giúp Việt Nam - quốc gia có chi phí tương đối thấp và cơ sở hạ tầng khá tốt - gặt hái lợi ích khi nhiều doanh nghiệp chuyển cơ sở sản xuất về đây. Dù vậy, ông Varathan cho rằng Việt Nam cần củng cố ngành ngân hàng.
Jakarta Composite của Indonesia tăng 16,8% từ đầu năm đến nay. IMF cho rằng nước này tăng trưởng ở mức tốt 4,9% trong năm nay và 5,3% trong năm 2017. Dù giá dầu thấp làm khó nhiều nước thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) khác, Indonesia - thành viên châu Á - Thái Bình Dương duy nhất trong OPEC - vẫn xuất khẩu 6,4 tỉ USD giá trị dầu khí trong năm 2015.
Kẻ bại
Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc thể hiện kém nhất trong khu vực, giảm 15,09% từ đầu năm đến nay. Chỉ số Shenzhen Composite thì hạ 13,59% sau khi đạt danh hiệu thể hiện tốt nhất khu vực hồi năm 2015. Theo giới phân tích thuộc ngân hàng ANZ, triển vọng kinh tế Đại lục dường như ổn định. Trong tuần này, họ cho hay nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đã ổn định, được hỗ trợ bởi sự thể hiện tốt trong thị trường bất động sản.
Chỉ số chuẩn Nikkei 225 của Nhật Bản thì giảm 13,57% từ đầu năm đến nay. Giới hoạch định chính sách nước này đang chật vật với nền kinh tế không đi lên dù họ đã thử áp dụng lãi suất âm. Lạm phát ở Nhật đang thấp hơn mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Ngoài ra, cổ phiếu Nhật Bản cũng chịu sức ép từ đồng yen tương đối mạnh.
“Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP Nhật Bản nhẹ ở mức 0,7% trong năm nay và 0,6% trong năm 2017”, giới phân tích thuộc Standard Chartered nói.
tin liên quan
Forbes: Chứng khoán Việt Nam vững vàng trước bão BrexitDù lĩnh vực kinh doanh và tài chính Việt Nam đón nhiều gợn sóng từ kết quả cuộc bỏ phiếu Brexit, hay Anh rời Liên minh châu Âu (EU), bức tranh tổng thể vẫn cho thấy thị trường đã lấy lại tâm lý ở thời điểm này.
Bình luận (0)