Chung tay không để dịch bệnh bùng phát trở lại

23/07/2022 06:03 GMT+7

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tăng liên tục gần đây, nhiều bạn đọc nhắc nhở nhau không được chủ quan, xem nhẹ... mà phải chấp hành nghiêm các hướng dẫn của ngành y tế.

Như Thanh Niên đã thông tin, theo thống kê của Bộ Y tế, số ca mắc Covid-19 trong nước tăng liên tục 3 ngày gần đây, trung bình có hơn 1.000 ca mới/ngày, trong khi nhiều ngày trước đó trung bình khoảng 700 - 800 ca/ngày, có thời điểm dưới 500 ca/ngày.

Tiêm vắc xin Covid-19 mũi 3, 4 tại Trung tâm y tế Q.3 (TP.HCM)

Độc Lập

Ngày 22.7: Cả nước 1.142 ca Covid-19, 4.531 ca khỏi

Về diễn biến dịch trong nước, các chuyên gia dịch tễ nhận định cùng với xuất hiện ngày càng nhiều các ca nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, mới nhất có thêm biến thể BA.2.12.1 của Omicron. Đây là các biến thể có khả năng lẩn tránh miễn dịch, dự báo ca mắc sẽ gia tăng, cùng với dịch sốt xuất huyết thì có nguy cơ dịch chồng dịch.

Các địa phương cũng cần thận trọng khi thấy dịch giảm, vì có thể do chưa nhập liệu đầy đủ nên chưa cập nhật được đầy đủ số liệu.

Đáng chú ý, các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo nếu các tỉnh, thành không làm tốt các biện pháp phòng chống dịch (đẩy nhanh tiêm vắc xin Covid-19 mũi bổ sung, tăng cường theo hướng dẫn cho một số đối tượng theo hướng dẫn, đeo khẩu trang…), rất có nguy cơ dịch chồng dịch do hiện tại đang có thêm dịch sốt xuất huyết diễn biến khá lo ngại.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, khả năng bị tổn hại nghiêm trọng vì Covid-19 cao hơn nhiều so với vắc xin phòng Covid-19. Các vắc xin đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả để giúp bảo vệ bạn và những người thân yêu khỏi tình trạng bệnh nặng hoặc thậm chí là tử vong. Số ca bệnh nặng và tử vong sẽ tăng lên nếu không có vắc xin.

Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, ngày 20.7, TP.HCM có 123 ca mắc Covid-19 , trong đó có (28 ca phát hiện qua sàng lọc tại bệnh viện và 95 ca lấy mẫu tại cộng đồng do trung tâm y tế lấy mẫu hoặc F0 tự khai báo); sau nhiều ngày TP.HCM có số ca mắc dưới 100.

Không chủ quan, xem thường dịch bệnh

“Gần 1 năm trôi qua giờ nghĩ lại vẫn còn thấy sợ, mặc dù bây giờ đã tự tin hơn rất nhiều. Lúc đó, sau đợt test nhanh đầu tiên, các nhân viên y tế và dân phòng đến giăng dây, treo biển đỏ những nhà có F0. Tôi còn nhớ bác bí thư khu phố đứng trên lầu nhà bác nhìn xuống buột miệng: “Sao xóm mình nhiều nhà bị thế?”… Bây giờ cách nghĩ về dịch, cách phòng chống dịch đã khác trước và dịch bệnh đã giảm rất nhiều. Nhưng hình như đã bắt đầu thấy sự chủ quan trước dịch. Chỉ mong mọi người đừng coi thường dịch bệnh, cả Covid-19, cả sốt xuất huyết nữa”, bạn đọc (BĐ) Dung Anh Nguyen chia sẻ.

Cùng quan điểm, BĐ Minh Nguyen Le kể: “Tôi thấy bây giờ người ta có sợ con Covid-19 nữa đâu. Hồi mũi 1, mũi 2 thì tranh nhau chích vắc xin, có người phải nhờ “ông ngoại” mới chích sớm được rồi khoe tùm lum. Giờ mũi 3, mũi 4 cứ ra y tế phường là chích liền, chẳng cần giấy tờ gì, chỉ cần mở cái app PC-Covid là được, mà nhiều người chẳng thèm ra chích. Chủ quan quá...”. BĐ Khá cũng cho biết: “Tôi thấy nhiều người chủ quan quá, ở công viên chẳng thèm đeo khẩu trang”.

Việt Nam phát hiện thêm biến thể phụ Covid-19 có khả năng lẩn tránh miễn dịch

Không để dịch bệnh bùng phát trở lại

Chắc chắn rằng đây là mong muốn của rất nhiều người. Nhưng ước muốn này phải đi kèm hành động cụ thể thì mới thành hiện thực được. BĐ Van Man cho biết: “Đọc báo thấy nói nhiều nơi còn tồn vắc xin, tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 mũi 3, mũi 4 còn thấp mà thấy buồn. Cho đến bây giờ vắc xin vẫn là một trong những cách phòng chống Covid-19 thiết thực và hiệu quả nhất, vậy mà nhiều người

thờ ơ quá. Muốn dịch bệnh không bùng trở lại, cái chính vẫn là ý thức phòng bệnh của mọi người. Theo tôi, mọi người phải chung tay để phòng chống dịch, không để dịch bệnh bùng phát trở lại”.

BĐ Thanh Binh kể: “Hôm rồi đọc báo thấy y tế phường có chích mũi 3, mũi 4 không cần phải lấy “phiếu”, thế là tôi ra ngay. Hơi bất ngờ là vắng lắm, lúc tôi đến chỉ có mấy người. Chích cho yên tâm, vì mình có tuổi, lại có bệnh nền. Tôi về nói với mấy người trong xóm, nhưng họ thắc mắc: “Sao không thấy tổ trưởng nói gì hết?”.

“Tôi đề nghị nên có người xử phạt những ai không đeo khẩu trang nơi công cộng. Nhiều người cho rằng “dịch đã hết, không cần phải đeo khẩu trang” là không đúng. Thử nghĩ xem, con BA.4, BA.5 nó lây lan nhanh lắm. Bạn vào thang máy, không đeo khẩu trang, thử ho vài tiếng xem người ta nói gì? Đừng để người ta “sợ” mình chứ?”, BĐ Linh Linh ý kiến.

* Xin các bác sĩ, các báo hãy thông tin nhiều hơn và đầy đủ những thông tin mới liên quan đến bệnh hoại tử xương hàm. Đặc biệt là các bác sĩ hãy cho chúng tôi những lời khuyên phòng bệnh.

Trọng Minh Vũ

* Đừng chủ quan mọi người ơi, hãy tuân theo các hướng dẫn của ngành y tế để bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng.

Hùng Ba

* Ai thế nào không biết chứ tôi đã ra phường chích mũi 4 rồi. Về nhà có mệt mỏi, chóng mặt đôi chút… rồi cũng hết nhanh thôi. Tôi cứ nghĩ: Mình lớn tuổi rồi, không giúp được gì cho ai, thì cũng phải biết lo cho mình, để người khác không phải bận tâm về mình. Vậy thôi!

Hải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.