Cũng theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, số ca mắc Covid-19 nhập viện trong ngày 20.7 tại TP là 11 ca, nâng tổng số ca đang điều trị lên 51 ca. Trong đó có 15 ca cần hỗ trợ hô hấp, 2 ca thở máy xâm lấn. Đặc biệt, đợt này có 1 trẻ em và 1 phụ nữ mang thai mắc Covid-19 nhập viện. Hiện TP đang cách ly tại nhà 556 ca.
Việt Nam phát hiện thêm biến thể phụ Covid-19 có khả năng lẩn tránh miễn dịch |
Tiêm vắc xin Covid-19 mũi 3, 4 tại Trung tâm y tế Q.3 (TP.HCM) |
ĐỘC LẬP |
Xuất hiện nhiều biến thể
Như vậy, kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra, TP.HCM có 612.191 ca mắc và 20.488 ca tử vong. Tuy nhiên, kể từ ngày 8.4 đến nay, TP.HCM không có ca tử vong. Liên quan đến tiêm vắc xin Covid-19, tính đến hết ngày 20.7 TP đã tiêm được 22,3 triệu liều vắc xin. Trong đó có hơn 8,5 triệu mũi 1, gần 7,6 triệu mũi 2, 685.863 mũi bổ sung, hơn 4,5 triệu mũi nhắc lại lần 1 và hơn 1 triệu mũi nhắc lại lần 2.
Tại cuộc kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh ở Q.Bình Tân mới đây (19.7), Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết TP đã trải qua chặng đường cam go phòng chống dịch, đến nay TP đã kiểm soát Covid-19. Nhưng hiện nay biến thể Covid-19 ngày càng phức tạp, khó lường và chưa biết diễn biến tới đâu, nhiều nước có số ca nhiễm tăng. Trong khi đó, TP cũng đã có những ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ BA.5. Như vậy mầm bệnh đã có trong cộng đồng, cần phải vừa kiểm soát dịch Covid-19, vừa tăng cường tiêm vắc xin Covid-19 với tỷ lệ càng cao càng tốt.
Lưu tâm hàng đầu vẫn là dịch sốt xuất huyết
Tại buổi họp báo chiều qua (21.7), Phó giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm cho biết ngoài dịch Covid-19 và sốt xuất huyết thì TP.HCM đang theo dõi các dịch bệnh khác như: tay chân miệng, cúm A, viêm màng não, thủy đậu, bạch cầu, ho gà… “Đến giờ phút này, lưu tâm hàng đầu vẫn là dịch sốt xuất huyết bởi sự xuất hiện sớm của dịch này cũng như mức độ lây lan. Số ca mắc đã gấp 2,6 lần và số ca nặng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái, hiện đã có 12 ca tử vong”, ông Tâm nói.
Sỹ Đông
Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh tuyệt đối không được chủ quan, vì dịch Covid-19 hoàn toàn có thể trở lại nếu như không có những chuẩn bị tốt, không tiêm vắc xin đáp ứng, không có những kế hoạch phòng chống chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả. “Chúng ta đã có bài học, nếu như đợt 1, 2, 3 dịch Covid-19 đến chúng ta khoanh vùng dập dịch, nhưng đợt 4 TP trở tay không kịp. Hiện nay nhiều người dân có cảm giác như dịch đã xong, có người nói chỉ cần tiêm mũi thứ 2. Nhưng dịch không phải đơn giản, phải truyền thông cho người dân hiểu rõ”, ông Nguyễn Văn Nên nói.
Ngày 21.7: Cả nước 1.292 ca Covid-19, 4.999 ca khỏi |
Trong khi đó, hôm qua (21.7), tại hội nghị khoa học kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị Covid-19 do Bệnh viện (BV) Quân y 175 tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết dịch Covid-19 là một tiền lệ chưa từng có, ngay cả thế giới vẫn coi đây là đại dịch.
Hiện nay xuất hiện thêm nhiều biến chủng đáng quan ngại như: biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.75. Do đó, cần phải trong tâm thế chủ động mọi điều kiện không để TP.HCM tái dịch bệnh lần 2, đó chính là mệnh lệnh. Theo Thứ trưởng Sơn, tính mạng và sức khỏe người dân là trên hết, cần củng cố niềm tin, hệ thống lý thuyết và thực tiễn trong công tác điều trị Covid-19.
Tình trạng kháng thuốc ở bệnh nhân Covid-19 rất cao
Cũng tại hội nghị khoa học nêu trên, theo báo cáo của BV Quân y 175, từ tháng 7.2021 - 6.2022, BV đã cấy tìm vi khuẩn, vi nấm trên 3.407 mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân (BN) Covid-19. Kết quả cho thấy tỷ lệ mẫu bệnh phẩm dương tính với vi khuẩn, vi nấm chiếm 34,7%. Tác nhân gây bệnh chủ yếu là nhóm vi khuẩn Gram âm chiếm 76% và 14% là nhóm vi khuẩn Gram dương, và 10% nhiễm nấm.
Trong các chủng phân lập được thì vi khuẩn Acinetobacter chiếm tỷ lệ cao nhất 30,3%, Klebsiella chiếm 19,1%, Burkholderia chiếm 12,4%, Candida sp chiếm 10%, Staphylococcus chiếm 7,6%...
Thêm biến thể phụ của Omicron có khả năng né miễn dịch
Chiều 21.7, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2022.
Tại hội nghị, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho hay, 6 tháng đầu năm, các tỉnh miền Bắc ghi nhận gần 7 triệu ca mắc Covid-19, chiếm 95% tổng số ca mắc toàn bộ đợt dịch từ đầu năm đến nay. Các ca mắc chủ yếu ở cộng đồng, đỉnh dịch rơi vào tháng 3 với 5 triệu ca mắc, sau đó giảm dần. Đến nay, mỗi tháng ghi nhận khoảng gần 20.000 ca. 2 - 3 tuần gần đây có tăng nhẹ. Về kết quả giải trình tự gien, trong số hơn 360 mẫu được giám sát trong các tháng qua đã phát hiện chủ yếu là chủng Omicron. Từ tháng 6, khu vực miền Bắc phát hiện thêm biến thể phụ BA.5 tại Hà Nội và sau đó là tại Cao Bằng, Thái Bình, Nghệ An, Hải Dương.
Về diễn biến dịch tại phía nam, đại diện Viện Pasteur TP.HCM cho biết số ca mắc Covid-19 tại các tỉnh phía nam giảm dần trong thời gian vừa qua và thấp nhất vào tuần 24 - 26, sau đó có sự gia tăng nhẹ từ tuần 27 đến nay. Kết quả giải trình tự gien cho thấy sự lưu hành của vi rút gây dịch Covid-19 có biến động. Những tuần trước biến thể phụ BA.2 chiếm chủ yếu tại khu vực phía nam. Tuy nhiên, khoảng 3 - 4 tuần gần đây lại xuất hiện ổ dịch của chủng Delta làm tăng số ca mắc. Trong tuần gần đây nhất, trong số hơn 30 mẫu được giải trình tự gien thì biến thể phụ BA.2 chiếm khoảng 30%, còn lại là BA.4, BA.5. Đồng thời giải trình tự gien cũng phát hiện thêm biến thể phụ BA.2.12.1. Biến thể BA.2.12.1 cũng có khả năng lẩn tránh miễn dịch nhưng ít hơn BA.4, BA.5.
Theo các chuyên gia, hiện nay biến thể phụ BA.4, BA.5 đang dần chiếm tỷ trọng cao cùng với biến thể phụ BA.2. Theo y văn thế giới, BA.4, BA.5 đều có khả năng lẩn tránh miễn dịch. Việc tăng tỷ lệ nhiễm BA.2.12.1, BA.4 và BA.5 cảnh báo về xu hướng gia tăng ca mắc mới. Ở một số quốc gia, sự gia tăng ca bệnh cũng dẫn đến sự gia tăng số ca nhập viện, nhập ICU và tử vong. BA.4 và BA.5 có khả năng lẩn tránh miễn dịch tốt hơn so với biến thể gốc của Omicron, có khả năng kháng với kháng thể vắc xin cao gấp 3 - 4 lần so với các biến thể cũ của Omicron. Còn BA.2.12.1 tăng 1,8 lần khả năng kháng với kháng thể tạo ra từ vắc xin so với BA.2.
Các chuyên gia dịch tễ cho rằng nếu các tỉnh, thành không làm tốt các biện pháp phòng, chống dịch (đẩy nhanh tiêm vắc xin Covid-19 mũi bổ sung, đeo khẩu trang…), dự báo ca mắc sẽ gia tăng, cùng với dịch sốt xuất huyết thì có nguy cơ “dịch chồng dịch”. Các địa phương cũng cần thận trọng khi thấy dịch giảm, có thể do chưa nhập liệu đầy đủ nên chưa cập nhật được đầy đủ số liệu.
Liên Châu
Theo BV Quân y 175, tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh ở BN Covid-19 rất cao. Tỷ lệ vi khuẩn Acinetobacter kháng nhóm Carbapenem (nhóm kháng sinh phổ rộng, gồm 4 kháng sinh: imipenem, meropenem, ertapenem và doripenem, thường được dùng để điều trị nhiễm trùng nặng và đa đề kháng) là 60% và chỉ còn nhạy 82% với Colistin, 54% còn nhạy với Minocyclin. Trong khi đó, các chủng này kháng với nhóm Cephalosporin thế hệ 2, 3, 4 và nhóm Aminoglycoside với tỷ lệ trên 90%.
Đối với vi khuẩn Klebsiella, có tới 70% số chủng phân lập được kháng Carbapenem, số kháng sinh còn nhạy để lựa chọn cho các chủng này rất ít, chỉ còn nhóm Aminoglycoside và Colistin, đại đa số các kháng sinh đều kháng với tỷ lệ cao trên 50%.
Ngoài ra, đại đa số các mẫu phân lập trên BN Covid-19 trong thời gian điều trị có tỷ lệ kháng thuốc khá cao (59%). Trong đó, tỷ lệ vi khuẩn đa kháng chiếm 33%, kháng mở rộng chiếm 52%, toàn kháng là 15%.
Cũng theo BV Quân y 175, siêu nhiễm trùng gặp tỷ lệ cao là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tử vong ở BN Covid-19. Căn nguyên siêu nhiễm trùng đa dạng bao gồm cả vi khuẩn và vi nấm. Bên cạnh đó, vi khuẩn đa kháng, kháng mở rộng và toàn kháng ngày càng gia tăng, cũng là các mối nguy cơ trong điều trị các bệnh nhiễm trùng. Các xét nghiệm vi sinh đã chứng minh được tầm quan trọng trong việc hỗ trợ cho chẩn đoán và điều trị hiệu quả BN Covid-19. Do đó, việc giám sát căn nguyên vi sinh gây bệnh và xu hướng đề kháng kháng sinh của các căn nguyên gây bệnh này là rất cần thiết, giúp thiết lập kịp thời được các phác đồ điều trị.
Bình luận (0)