'Chúng tôi đuối lắm rồi trong việc đấu tranh chống xâm hại bản quyền'

Nguyên Vân
Nguyên Vân
24/12/2022 07:39 GMT+7

Đó là nỗi niềm được ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản VN, chia sẻ khi phát biểu tại Hội thảo Cơ chế gỡ bỏ nội dung vi phạm quyền tác giả , quyền liên quan trên môi trường số diễn ra hôm qua 23.12 tại TP.HCM.

Theo ông, “ngành xuất bản sắp chết, đuối lắm rồi vì nạn xâm hại này; thậm chí, chúng tôi mất lòng tin vào việc đấu tranh chống nạn xâm hại bản quyền khi tình trạng này ngày càng nặng nề hơn, với hàng trăm trang rao bán sách trên các nền tảng mạng xã hội mà hành vi vi phạm tinh vi, phức tạp”. Ông cho biết: “Cách đây vài ngày, PA03 Hà Nội đã phát hiện một cơ sở in sách giả lên tới 100 tấn. Vậy họ rao bán ở đâu? Chắc chắn không phải ở cửa hàng, mà trên các nền tảng”. Ông cũng đã gửi danh sách cả 100 trang bán sách giả này đến Cục Bản quyền tác giả.

Lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH-TT-DL tại hội thảo

N.V

Trong khi đó, theo ông Đoàn Đức Dương, Giám đốc pháp lý Công ty CP DatViet VAC Group Holdings, một trong những khó khăn khi khai thác nội dung trên môi trường số là nhiều trang, diễn đàn… lợi dụng chính sách, điều khoản riêng của mạng xã hội để núp bóng và thực hiện hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Ở góc độ khác, như chia sẻ của đại diện Công ty TNHH đầu tư công nghệ và dịch vụ Sconnect VN, trên thực tế, nền tảng số dường như không tiến hành chặt chẽ các hoạt động kiểm duyệt và xác thực thông tin, tài liệu được cung cấp bởi bên yêu cầu một cách kỹ lưỡng mà ngay lập tức tiến hành xóa các video bị yêu cầu và thông báo cho bên bị yêu cầu. Như vậy, các sản phẩm trí tuệ - nội dung số dù đã đăng ký bảo hộ hay chưa, khi kinh doanh trên môi trường số - như YouTube vẫn gặp rất nhiều rủi ro liên quan đến việc bị yêu cầu gỡ bỏ.

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, tại VN hiện không có quy định nào về việc chặn các IP vi phạm bản quyền. Ông cho rằng, luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022 đã quy định trường hợp doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thực hiện gỡ bỏ nội dung xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan nhưng phải cần có thêm văn bản hướng dẫn về quy định này, sao cho quy trình gỡ bỏ thông tin đảm bảo quyền lợi của chủ thể quyền được bảo vệ nhanh chóng nhất có thể và chủ thể cung cấp dịch vụ trung gian thực hiện nghĩa vụ tương xứng.

Không chỉ gỡ bỏ nội dung, luật sư Phạm Thanh Thủy, đại diện Công ty TNHH truyền hình số vệ tinh Việt Nam (K+) đề xuất giải pháp chặn truy cập website vi phạm bản quyền. Vì theo bà, việc gỡ bỏ là quá muộn, bởi thời gian diễn ra trận đá bóng 90 phút, nếu sau đó mới gỡ thì không có giá trị nữa…

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL), cho biết “sẽ tiếp tục nghiên cứu cũng như tiếp nhận các nội dung góp ý, có thể gửi bằng văn bản, để chúng tôi hoàn thiện hơn nữa hành lang pháp lý về bản quyền trong môi trường số nói riêng và về quyền tác giả, quyền liên quan nói chung...”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.