Chuỗi bán hàng tự động của sinh viên

13/12/2018 07:56 GMT+7

Sau nhiều năm nghiên cứu và chế tạo, nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chuẩn bị đưa vào vận hành hệ thống các máy bán hàng tự động phục vụ sinh viên.

Hiện tại chuỗi cửa hàng tự động của nhóm gồm 2 máy bán phở, 1 máy bán nước và quán cà phê robot phục vụ.
Bán hàng thời công nghệ
Nguyễn Hữu Tài, Nguyễn Hoàng Tâm, Trần Hồng Sang đã sáng chế máy bán phở tự động, nhưng người dùng có thể lựa chọn nguyên liệu theo nhu cầu và sở thích.
Chiếc máy cũng là đồ án tốt nghiệp của nhóm. Mỗi bạn một lợi thế, người phụ trách điện, người phụ trách lập trình và thành viên còn lại lo phần cơ khí. Sau một năm nghiên cứu, chế tạo, máy bán phở của nhóm đã hoàn thành và giành giải ba tại Giải thưởng sinh viên (SV) nghiên cứu khoa học 2018 do Bộ GD-ĐT tổ chức.
“Máy của nhóm bán tối đa được 120 tô phở/ngày (hết lại tiếp tục bổ sung), hiện tại cấp được 3 loại phở theo yêu cầu của người mua, có hệ thống điều khiển thông minh, tách riêng các nguyên liệu, có giao diện tương tác với khách hàng và chương trình quản lý. Máy còn nhận biết được lỗi phát sinh trong quá trình vận hành như cơ cấu không hoạt động, động cơ mất kết nối hay hết nguyên liệu… và báo về hệ thống. Điều đặc biệt là máy có thể giao tiếp và tương tác với khách hàng”, Tài chỉ ra những điểm cộng của máy.
Máy gồm hai phần nóng và lạnh, bên nóng gồm một bình nước lèo và bình nước trụng, buồng lạnh sẽ trữ bánh phở, bò viên, thịt và hành ngò các loại; 120 khay chứa bánh phở tương đương với 120 tô, nếu hết thì thay.
Với máy bán phở này, khách hàng chỉ cần lựa chọn loại phở muốn dùng, có thể lựa chọn thêm quẩy hoặc hành và bước cuối cùng là thanh toán tiền.
“Sau 1 phút cho tất cả các thao tác là đã có bát phở nóng, thơm ngon để dùng. Để luôn giữ được an toàn thực phẩm, nhóm tác giả dùng chất liệu là inox (thép không gỉ), ngăn nóng luôn ở nhiệt độ 70 - 80 độ C, ngăn lạnh cũng luôn lạnh để giữ thực phẩm tươi ngon trong vòng 1 ngày. Máy sẽ được vệ sinh mỗi ngày để đảm bảo an toàn vệ sinh”.
Nhóm đang dự định tiếp tục phát triển để tích hợp công nghệ nhận diện mặt người, giúp máy có thể đoán được sở thích, khẩu vị dựa vào độ tuổi, giới tính và bắt đầu tư vấn, từ đó tạo môi trường giao tiếp thân thiện với khách hàng như một người bán thật sự.
Không gian mô hình cà phê robot phục vụ của nhóm
Môi trường để sinh viên cùng trải nghiệm
Nằm trong chuỗi bán hàng tự động này còn có không gian quán cà phê robot phục vụ. Và tất cả dự án chuỗi bán hàng tự động này được phát triển bởi nhóm SV của phòng thí nghiệm Open Lap thuộc khoa cơ khí chế tạo máy của trường.
Khi bước vào quán, robot order sẽ chào và mời khách vào bàn, màn hình trên robot là thực đơn thức uống để khách lựa chọn. Khi khách chọn thức uống xong, robot order sẽ quay về vị trí cũ và robot phục vụ sẽ mang thức uống đến cho khách.
“Những robot này có thể tự nhận diện khi khách vào, tương tác, nói chuyện với khách bằng những câu hỏi giao tiếp thông thường. Nếu câu nào khách nói mà robot chưa hiểu, robot sẽ hỏi ngược lại khách là có muốn dạy cho nó không? Nếu khách hàng nhấn nút OK, trên robot sẽ hiện lên cái bảng và khách có thể dạy bằng ngôn ngữ. Ví dụ với câu hỏi đó thì robot sẽ phải trả lời như thế nào, khách dạy cho robot hiểu và robot sẽ lưu lại cho những lần tương tự khác”, Tài phân tích.
Tài mong muốn khi không gian chuỗi bán hàng tự động chính thức đi vào hoạt động sẽ trở thành điểm đến lý tưởng cho SV, cùng nhau trải nghiệm và nghiên cứu. “Thường kiến thức học được trên giảng đường sẽ không áp dụng được nhiều vào thực tiễn, nhưng khi làm một đề tài nghiên cứu, sẽ thấy được những vấn đề phát sinh và mình học từ những vấn đề thực tiễn đó”, Tài chia sẻ.
Theo PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, người trực tiếp hướng dẫn các đề tài nghiên cứu, chế tạo của SV, thì thầy và trò mong muốn tạo không gian bán hàng không sử dụng người. Tuy nhiên, theo thầy Thịnh phải làm từng bước, vì phải cần nền tảng rất vững về khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng tốt. Hiện nay, các máy vẫn sử dụng tiền mặt, nhưng thời gian tới sẽ thanh toán bằng thẻ hoặc qua các mã thanh toán điện tử. Và tiếp tục nghiên cứu để tô, ly sử dụng có thể bằng mo cau, lá chuối hay ống hút thủy tinh… nhằm tạo hệ sinh thái vừa tiện nghi, đáp ứng được cuộc cách mạng 4.0 nhưng cũng thân thiện với môi trường.
“Hiện tại tụi mình ghép nối các máy bán hàng tự động với nhau để tạo thành chuỗi, và đây đều là đề tài nghiên cứu của SV trong Open Lap. Đây sẽ là không gian trải nghiệm hữu ích, SV trải nghiệm không gian này để từ đó áp dụng những công nghệ mới vào trong nghiên cứu, chế tạo. Trong tương lai, hy vọng từ nền tảng này SV sẽ có thể khởi nghiệp và tạo được những thương hiệu của riêng mình”, thầy Thịnh gửi gắm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.