Theo đó, triển lãm diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật VN tại Hà Nội từ 11 - 15.11 rồi chuyển tới TP.HCM để trưng bày đến 30.11 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Triển lãm sau đó sẽ tiếp tục tổ chức ở các thành phố Weimar, Berlin, Hamburg (Đức). Nữ giám tuyển người Đức Sonja A.Fischer, một bác sĩ tâm thần chuyên trị liệu bằng nghệ thuật, cho biết toàn bộ lợi nhuận từ triển lãm sẽ dành để tài trợ các trang thiết bị cho bệnh viện tại VN.
Thời đại chúng ta đang sống có gần 80 tác phẩm của 40 họa sĩ, đa dạng chất liệu cũng như phong cách, song đều được sáng tác từ khi dịch Covid-19 xuất hiện cho đến nay. Bà Sonja A.Fischer đã liên lạc với các họa sĩ ba miền Bắc - Trung - Nam của VN để tìm các tác phẩm tiêu biểu.
Tác phẩm của họa sĩ Trần Công Dũng |
BTC cung cấp |
Có thể thấy sự linh hoạt trong chất liệu của Nguyễn Thế Hùng, vẻ điềm tĩnh giản lược trong tranh của Tào Linh, hay kỹ thuật và cảm giác hoài cổ trong tác phẩm do Lưu Tuyền sáng tác. Trong triển lãm này, có thể thấy tinh thần đi qua đại dịch của nghệ sĩ là vẽ chậm, sống chậm chứ không lo lắng hay buồn rầu. Những bức tranh còn mang tinh thần lạc quan và đôi lúc là giễu nhại, hóm hỉnh. Trên tinh thần này, có thể thấy nghệ sĩ dựa vào thời sự dịch bệnh để sáng tác, đồng thời dựa vào sáng tác để tìm sức mạnh tinh thần, vượt qua hoàn cảnh khó khăn.
Một số tác giả rất lâu không tham gia triển lãm cũng mang tác phẩm ra mắt công chúng. Trong số này, nhà điêu khắc Đinh Công Đạt trở lại với tác phẩm Quo Vadis gồm 10 bức tượng phủ sơn mài. Lần gần nhất nghệ sĩ Đinh Công Đạt trưng bày tác phẩm tại VN đã cách đây 11 năm. Điều này cũng cho thấy sự cố gắng của bà Sonja A.Fischer trong quá trình lựa chọn và thuyết phục nghệ sĩ tham gia trưng bày.
Bắt đầu sưu tầm tranh Việt từ 2004, bà Sonja A.Fischer đã có một bộ sưu tập tác giả đương đại VN. Bà cũng thành lập KayserTradeGalleries để quảng bá và đưa nghệ thuật Việt tới công chúng châu Âu. Năm 2017, bà đã mở khu lưu trú dành cho nghệ sĩ VN tại Hội An và trở thành thành viên danh dự Hội Mỹ thuật Hội An, Quảng Nam.
Bình luận (0)