Bộ tem được phát hành nhân kỷ niệm 100 năm sinh Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (1922 - 2022) và kỷ niệm 35 năm thành lập Làng trẻ em SOS Việt Nam (1987 - 2022).
Bộ tem được thiết kế tràn lề theo phương pháp đồ họa, miêu tả hình ảnh người chiến sĩ cách mạng Hoàng Thế Thiện với những dấu ấn đáng nhớ trong hơn 55 năm hoạt động cách mạng của ông, giới thiệu đến công chúng tấm gương sáng đẹp của một chiến sĩ cách mạng tiêu biểu.
Với hai tông màu chủ đạo tươi sáng mang tính biểu đạt cao (xanh lá cây của sắc áo bộ đội Cụ Hồ, của những cánh rừng đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ; xanh da trời sáng trong của hòa bình, tương lai và tuổi trẻ), nền của tem thể hiện hình ảnh tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại, cùng hình ảnh Làng trẻ em SOS VN. Hình ảnh kết nối giữa quá khứ và tương lai là cành hoa phượng - loài hoa biểu trưng của TP.Hải Phòng quê hương ông.
Bộ tem Chiến sĩ cách mạng Hoàng Thế Thiện gồm 1 mẫu giá 4.000 đồng, do họa sĩ Vương Ánh Nguyệt thiết kế |
BỘ TT-TT |
Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (tên khai sinh Lưu Văn Thi) sinh ngày 20.10.1922 tại Hải Phòng, tham gia cách mạng từ năm 1940. Ông được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng nhất; 2 Huân chương Quân công hạng nhất; Huy hiệu 50 tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác. Ông là chủ tịch danh dự đầu tiên của Làng trẻ em SOS VN. Ông cũng là vị tướng đã vượt Đường Hồ Chí Minh trên biển để tham gia mở Đường Hồ Chí Minh trên bộ, tham gia chỉ huy một trong năm cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Nhiều thành phố lớn: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và một số địa phương đã có những tuyến đường mang tên ông.
Làn Sóng Xanh 25 năm đi cùng nhạc Việt
Kỷ niệm 25 năm đi cùng nhạc Việt, ban tổ chức giải thưởng Làn Sóng Xanh công bố chuỗi hoạt động lớn nhất từ trước đến nay, với 1 album, 1 concert và 1 phim tài liệu.
Theo ban tổ chức (Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM), hoạt động đầu tiên cho dịp kỷ niệm 25 năm Làn Sóng Xanh là ra mắt 90sHITS00sVIBES. Đây là tập hợp 11 bài hát đình đám từ hơn 20 năm qua, được thể hiện bởi các nghệ sĩ đương đại được đề cử/đoạt giải Làn Sóng Xanh, như: Tóc Tiên, Bích Phương, Isaac, Miu Lê, Văn Mai Hương, Hoà Minzy, Đức Phúc, Erik, Trọng Hiếu, Amee, Hoàng Dũng, Ali Hoàng Dương, JSol, Wren Evans, Juky San, Hoàng Duyên, GreyD và khách mời Thu Phương.
Album 90sHITS00sVIBES kỷ niệm 25 năm Làn Sóng Xanh |
BTC |
Album 90sHITS00sVIBES còn có sự góp mặt của các nhà sản xuất tài năng như như Lê Thanh Tâm, Nguyễn Hải Phong, Tiên Cookie, DuongK, Khắc Hưng, TDK, Only C, Châu Đăng Khoa, Hứa Kim Tuyền, DTAP. Đây cũng đều là các nhà sản xuất âm nhạc được đề cử/đoạt giải ở hạng mục Hoà âm phối khí của Làn Sóng Xanh. Mỗi nhà sản xuất sẽ kết hợp cùng 1 ca sĩ hoặc 1 team ca sĩ lựa chọn một màu sắc âm nhạc riêng, cùng nhau làm việc nhằm tạo ra những tác phẩm độc đáo, mới mẻ, không ngoài mong muốn mang đến - nhắc nhớ người yêu nhạc cảm nhận sâu sắc hơn vì sao những ca khúc này vẫn ở trong lòng công chúng sau hơn 20 năm.
Với những ý nghĩa đó, sản phẩm đầu tiên của Làn Sóng Xanh 25 năm - 90sHITS00sVIBES có thể xem là album thể hiện trọn vẹn tinh thần, màu sắc của Làn Sóng Xanh nhất. 11 bài hát - 11 tập của album 90sHITS00sVIBES sẽ được phát hành cả phiên bản audio lẫn video (dưới sự hợp tác giữa VOH, Forest Studio và YP Entertainment). Tập đầu tiên của 90sHITS00sVIBES ra mắt trên các nền tảng âm nhạc trong nước và quốc tế, đặc biệt là tại kênh Youtube Làn Sóng Xanh vào lúc 20 giờ ngày 28.10.
Viết Tư tưởng Hồ Chí Minh bằng thư pháp Hàn Quốc
Nghệ nhân thư pháp Hàn Quốc, ông Byeongguk Choi, mặc trang phục truyền thống trong buổi gặp mặt báo chí trước kỳ thi viết Tư tưởng Hồ Chí Minh bằng thư pháp Hàn Quốc. Ông sẽ là một trong những giám khảo của cuộc thi diễn ra ngày 27.10 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
TS Seung - Yong Uhm, Viện trưởng Viện Nguồn lực văn hóa Hàn Quốc, cho biết cuộc thi viết thư pháp này chính là hợp tác giữa Viện của ông và Hội Di sản văn hóa VN nhân kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước VN - Hàn Quốc. Trong hoạt động này, có hai di sản cũng là niềm tự hào của hai nước. Một là chữ Hangul, được Sejong Đại đế sáng tạo ra. Một di sản khác là Tư tưởng Hồ Chí Minh.
TS Lê Thị Minh Lý (áo dài) và hai nghệ nhân Hàn Quốc đứng bên phải chụp ảnh lưu niệm tại Văn Miếu Quốc Tử Giám |
THU HỒNG |
Có 100 sinh viên Việt học tiếng Hàn sẽ tham gia cuộc thi viết những danh ngôn của Hồ Chủ tịch bằng tiếng Hàn vào 27.10 tới. 15 tác phẩm thư pháp sẽ được lựa chọn trao giải và chuyển thể thành những tác phẩm thư pháp trên gỗ, khắc các dòng thư pháp trên gỗ. Những tác phẩm thư pháp trên giấy và gỗ này sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật VN từ ngày 28 - 30.11.
Họ sẽ chọn một trong 15 danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh để viết. Những đại sứ văn hóa từ Hàn Quốc cũng đã chuẩn bị đầy đủ Văn phòng Tứ bảo (vật dụng để viết thư pháp) để các thí sinh có thể viết đúng theo cách người Hàn Quốc viết thư pháp. Các thí sinh cũng sẽ được những nghệ nhân hướng dẫn mài mực, viết trên giấy cổ truyền Hàn Quốc bằng bút lông kiểu Hàn… Họ còn được hướng dẫn thiền để có thể tập trung trước khi làm bài thi. Sau khi viết, thí sinh thuyết trình về câu danh ngôn mình chọn thể hiện.
Tưng bừng lễ hội Katê bên tháp Chăm cổ Po Sah Inư
Sáng 25.10, lễ hội văn hóa Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bà La Môn được tổ chức tưng bừng bên tháp Po Sah Inư, thuộc P.Phú Hài, TP.Phan Thiết (Bình Thuận).
Lễ hội văn hóa Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bà La Môn là lễ hội truyền thống, được phục dựng bên tháp Chăm cổ Po Sah Inư từ nhiều năm nay ở Bình Thuận.
Rước y thần lên tháp Chăm Po Sah Inư ở Phú Hài, TP.Phan Thiết sáng ngày 25.10 |
QUẾ HÀ |
Lễ hội được đồng bào Chăm theo đạo Bà La Môn ở H.Hàm Thuận Bắc chủ trì việc cúng lễ và cả phần khai hội hằng năm.
Tham dự lễ hội Katê bên tháp Po Sah Inư năm nay còn có đông đảo đồng bào Chăm các huyện từ Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Tân và Tánh Linh về dự. Ngoài ra, còn có đông đảo khách du lịch ở các resort ven biển Mũi Né được các công ty lữ hành đưa đến lễ hội để tham quan.
Khai mạc lễ hội, lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, lễ hội KaTê truyền thống của đồng bào Chăm theo đạo Bà La Môn đã được Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Sau phần khai mạc là phần biểu diễn của các thiếu nữ người Chăm trước khi rước Y thần từ chân tháp đưa lên cửa tháp.
Trong trang phục truyền thống, các thiếu nữ Chăm ở thị trấn Ma Lâm, xã Hàm Trí (thuộc H.Hàm Thuận Bắc) dịu dàng, uyển chuyển với điệu múa quạt truyền thống, rộn ràng trong tiếng trống Ghi-năng và tiếng kèn Saranai.
Lễ hội Katê của người Chăm là dịp để đồng bào tưởng nhớ tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Lễ hội Katê tổ chức bên tháp Pôshanư là một trong những lễ hội văn hóa được Bình Thuận đưa vào danh sách các sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương để thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan.
Phim Tro tàn rực rỡ từ truyện Nguyễn Ngọc Tư được chào đón tại LHP quốc tế Tokyo
Tối 24.10, đoàn phim Tro tàn rực rỡ cùng rạng ngời khi bước đi trên thảm đỏ khai mạc LHP quốc tế Tokyo lần thứ 35. Đây là một trong những tác phẩm có ekip góp mặt đông đảo nhất tại sự kiện điện ảnh năm nay. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cùng nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc và hai giám đốc sản xuất Cao Trung Hiếu, Andy Võ cùng dàn diễn viên Bảo Ngọc Doling, Lê Công Hoàng, Phương Anh Đào, Quang Tuấn được chào đón trên thảm đỏ khai mạc.
Bộ phim đánh dấu sự trở lại của đạo diễn tên tuổi với nghệ thuật thứ 7 sau 10 năm, kể từ phim kinh dị Lời nguyền huyết ngải. Tác phẩm cũng làm giàu danh sách phim gắn liền tên tuổi nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, tiếp nối các phim Quả tim máu, Cha và con và…, Người bất tử…
Ra đời năm 1985, LHP quốc tế Tokyo được đánh giá là một trong các LHP uy tín và có tính cạnh tranh nhất tại châu Á, bên cạnh LHP quốc tế Busan và LHP quốc tế Thượng Hải. Từ 1985 đến 1991, sự kiện diễn ra hai năm một lần. Về sau, LHP được tổ chức thường niên.
Từ trái qua: diễn viên Lê Công Hoàng, Bảo Ngọc Doling, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Tú Oanh, Phương Anh Đào, Ngô Quang Tuấn, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc |
ĐPCC |
Tro tàn rực rỡ là bộ phim đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Việt được chọn vào đề cử hạng mục chính thức (Main Section) tại LHP quốc tế Tokyo. Đại diện Việt Nam sẽ tranh giải với 14 tác phẩm khác đến từ các quốc gia Nhật Bản, Chile, Kazakhstan, Macedonia, Iran, Lebanon…
Tro tàn rực rỡ được sắp xếp công chiếu trong khuôn khổ LHP ngay sau đêm khai mạc. Đây cũng là buổi ra mắt toàn cầu đầu tiên của tác phẩm. Nói về điều này, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc kỳ vọng buổi chiếu mở màn mang lại điềm lành cho bộ phim.
Khép lại buổi chiếu, Tro tàn rực rỡ nhận được tràng vỗ tay kéo dài của giới chuyên môn, giới truyền thông quốc tế và khán giả tại Tokyo. Nhiều người dành cho phim lời khen, đặt câu hỏi trong buổi giao lưu với ê-kíp. Khi được hỏi về lý do thực hiện bộ phim, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ: “Tôi rất thích truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư - một nữ nhà văn của đất Cà Mau, mảnh đất cực Nam của Việt Nam. Trong truyện của Tư có những người phụ nữ với những tình yêu rất đặc biệt, thứ tình yêu không gì làm dừng lại được. Tôi nghĩ tình yêu là chủ đề không bao giờ cũ, nhất là tình yêu của những người phụ nữ”.
Nối tiếp Cánh đồng bất tận (năm 2010) và phim ngắn Biến mất ở thư viên, thế giới văn học của Nguyễn Ngọc Tư một lần nữa từ sách bước lên màn ảnh, qua Tro tàn rực rỡ. Phim dựa theo hai truyện ngắn Củi mục trôi về và Tro tàn rực rỡ.
Câu chuyện phim diễn ra ở miền Tây sông nước, khắc họa tình yêu và nỗi đau của ba người đàn bà với người đàn ông của họ. Đúng như tựa đề phim, ngọn lửa và tro tàn xuất hiện xuyên suốt như một ẩn dụ cho cái tình và khát khao được “nhìn thấy” của những người đàn bà trong phim.
Sau khi tranh giải tại LHP quốc tế Tokyo, Tro tàn rực rỡ sẽ sớm đến với khán giả trong nước.
Bình luận (0)