Sự kiện văn hóa tuần qua: Bán đấu giá ấn vàng ‘Hoàng đế chi bảo’ thời vua Minh Mạng

23/10/2022 07:00 GMT+7

Nhà đấu giá Millon (Pháp) đưa thông tin sẽ bán đấu giá chiếc ấn vàng Hoàng đế chi bảo niên đại triều vua Minh Mạng vào ngày 31.10 tới với giá khởi điểm từ 2 đến 3 triệu euro.

Ấn Hoàng đế chi bảo là cổ vật có giá trị cao, thu hút sự quan tâm của giới buôn đồ cổ thế giới. Đây là chiếc kim bảo lớn và đẹp nhất của triều Nguyễn, được đúc vào năm thứ 4 đời vua Minh Mạng (1823), chất liệu bằng vàng, nặng 10,78 kg. Ấn được truyền từ đời vua Minh Mạng đến vị vua cuối cùng nhà Nguyễn là Bảo Đại.

Dưới đế của chiếc ấn khắc dòng chữ bốn ký tự bằng chữ Hán: “Hoàng đế chi bảo”, nghĩa là: “Báu vật của Hoàng đế”. Kích thước ấn: chiều cao 10,4 cm, chiều dài: 13,8 cm, chiều rộng: 13,7 cm, cân nặng: 10,78 kg. Nhà Nguyễn là triều đại cuối cùng của chế độ phong kiến ​​Việt Nam. Bắt đầu từ năm 1802 và kết thúc vào năm 1945, bao gồm 13 triều đại liên tiếp.

Ấn Hoàng đế chi bảo bằng vàng nặng 10,78 kg

DROUOT.COM

Ngoài ra, Millon cũng rao bán bát vàng thời vua Khải Định với giá dự đoán 20.000-25.000 euro (484-605 triệu đồng). Bát có đường kính miệng 10,4 cm, cao 7 cm, nặng 456,6 g. Thân bát chạm trổ hình rồng, đáy bát khắc nổi bốn chữ (Khải Định niên tạo) ở chính giữa.

Pháp bán đấu giá ấn ‘Hoàng đế chi bảo’ niên đại triều vua Minh Mạng

Không thu hẹp giếng cổ trong di tích đền thờ Lê Văn Hưu

Ngày 18.10, thông tin từ UBND H.Thiệu Hóa (Thanh Hóa) cho biết, trong hai ngày 17 - 18.10, đơn vị này đã tổ chức lấy ý kiến các tổ chức và nhân dân xã Thiệu Trung (H.Thiệu Hóa) về vụ việc xây dựng giếng, tường rào trong di tích lịch sử quốc gia đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu.

Giếng cổ tại đền thờ Lê Văn Hưu đã bị phá bỏ

MINH HẢI

Việc lấy ý kiến là do trước đó người dân không đồng tình việc UBND H.Thiệu Hóa (chủ đầu tư) phá giếng cổ, xây dựng giếng mới nhỏ hơn trong khu di tích; và xây dựng tường rào kiên cố chia cách chùa Hương Nghiêm với đền thờ.

Theo UBND H.Thiệu Hóa, đơn vị này đã mời cán bộ, lãnh đạo xã Thiệu Trung và các thôn; đoàn thể; đại diện chùa Hương Nghiêm; Ban Chủ nhiệm CLB Lê Văn Hưu; ông Lê Văn Thuấn (cháu đời thứ 14 của nhà sử học Lê Văn Hưu); và nhân dân thôn 3 (xã Thiệu Trung) để xin ý kiến đóng góp đối với việc điều chỉnh các hạng mục giếng và tường rào trong dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lê Văn Hưu.

Kết quả, ý kiến người dân và các đơn vị đều thống nhất điều chỉnh giếng ngọc về diện tích cũ, có đường kính rộng hơn 10 m thay vì 6 m như hồ sơ thiết kế; giếng xây dựng ở vị trí cũ. Riêng về tường rào giữa chùa Hương Nghiêm và đền thờ Lê Văn Hưu còn nhiều ý kiến chưa thống nhất, người dân cho rằng giữa chùa và đền không nên xây tường rào kiên cố bằng gạch, chỉ làm tường rào mềm, trồng bằng cây chè mạn. Còn phương án điều chỉnh của chủ đầu tư là hạ độ cao tường rào xây bằng gạch giữa chùa và đền từ hơn 1 m xuống còn 80 cm. Do đó, nội dung này đang tiếp tục xin ý kiến nhân dân các thôn khác.

Trước đó, khi triển khai dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lê Văn Hưu, UBND H.Thiệu Hóa đã phá bỏ giếng cổ (có đường kính hơn 10 m) theo hồ sơ, thiết kế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để xây dựng giếng mới có đường kính chỉ 6 m. Việc làm này đã không nhận được sự đồng tình của người dân, nên UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo tạm dừng xây dựng, tổ chức lấy ý kiến nhân dân và các cơ quan chức năng.

NSƯT Hà Văn Trọng, đạo diễn phim Số đỏ, qua đời

NSƯT Hà Văn Trọng, đạo diễn và diễn viên của nhiều bộ phim Việt Nam nổi tiếng, đã qua đời sáng 21.10, tại Hà Nội, hưởng thọ 86 tuổi. Theo thông tin từ gia đình, NSƯT Hà Văn Trọng đã ra đi sau thời gian lâm trọng bệnh.

NSƯT Hà Văn Trọng

GIA ĐÌNH CUNG CẤP

NSƯT Hà Văn Trọng sinh năm 1937, tại Lào. Ông theo gia đình trở về Việt Nam khi lên 10 tuổi. Ông tham gia Đoàn kịch Thanh niên thuộc Thành đoàn Hà Nội. Sau này, khi đoàn kịch sáp nhập với Nhà hát Kịch Việt Nam, ông trở thành một trong những diễn viên chính của nhà hát.

Ông đảm nhận vai chính trong nhiều vở kịch như: Lịch sử và nhân chứng, Nila - Cô gái đánh trống trận, Cơ sở trắng, Anh Trỗi…

Bên cạnh sân khấu, NSƯT Hà Văn Trọng ghi dấu ấn trong cả lĩnh vực điện ảnh và truyền hình.

NSƯT Hà Văn Trọng đã cùng với đạo diễn Lộng Chương thực hiện bộ phim Số đỏ, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Nhưng Số đỏ có lẽ là bộ phim “để đời” của ông với vai trò đạo diễn. Bên cạnh đó, ông cũng tham gia đạo diễn phim Kỷ niệm đồi trăng, Đứa con của người hàng xóm…

Khán giả nhớ NSƯT Hà Văn Trọng qua nhiều vai diễn trong những bộ phim điện ảnh như Em bé Hà Nội (cha của cô bé Ngọc Hà), Trừng phạt (đóng cùng NSND Trà Giang), Đường về quê mẹ, Biển lửa, Hoa thiên lý…

Những bộ phim truyền hình ông tham gia có thể kể đến Đất và người, Phía cuối cầu vồng, Cảnh sát hình sự...

Ông từng vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở kịch Lịch sử và nhân chứng của đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang; vai Tổng bí thư Lê Duẩn trong phim truyện nhựa Giải phóng Sài Gòn của đạo diễn Long Vân.

"Ông bầu" Huỳnh Anh Tuấn thành lập Nhà hát Thanh niên

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu IDECAF, cho biết vừa phối hợp với Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM thành lập Nhà hát Thanh niên đặt tại sân khấu của nhà văn hóa này.

Đây là điểm diễn sẽ có đủ các loại hình kịch, nhạc kịch, cải lương, múa rối, đặc biệt hướng tới khán giả trẻ.

Vở Bí mật vườn Lệ Chi dù đã diễn hơn 100 suất nhưng khán giả vẫn muốn xem lại

H.K

Sau nhiều năm định hình Sân khấu IDECAF, ông Huỳnh Anh Tuấn mơ ước một sàn diễn mới với phong cách trẻ trung, năng động, ngắn gọn, sử dụng diễn viên trẻ, đạo diễn trẻ, và hướng tới khán giả trẻ. Nhà hát Thanh niên ra đời với 400 ghế tầng trệt (giá vé bình thường) và 300 ghế trên lầu (vé ưu đãi cho sinh viên, học sinh), không quá nhỏ cũng không quá lớn, tạo không gian ấm cúng, vừa vặn cho một vở diễn.

Dự án mới của nhà hát có 2 vở cải lương và 2 vở nhạc kịch đang chuẩn bị. Trong đó một vở cải lương tạm đặt tên là Quân tử cầm, lấy cảm hứng từ bộ phim Song lang, nhưng xoáy vào 2 nhân vật bà bầu gánh và ông thầy đờn để tạo ra một câu chuyện mới, một chủ đề mới. Bên cạnh đó là vở cải lương chuyển thể từ vở kịch trinh thám hấp dẫn 8 người đàn bà từng rất ăn khách tại IDECAF.

Theo dự kiến, ngày 12.11 sẽ khai trương Nhà hát Thanh niên với tiêu đề kỷ niệm “Ấn tượng 25 năm kịch IDECAF”, nhưng do kịch bản mới chưa tập kịp nên sẽ ra mắt trước các vở: 12 bà mụ, Tiên Nga, Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử, Vua thánh triều Lê. Đây là những vở tiêu biểu của IDECAF từng diễn tại Nhà hát Bến Thành, nay khán giả có thể mua vé dễ dàng hơn. Các suất diễn vẫn chọn tối thứ sáu, bảy và chủ nhật nhưng sẽ mở cửa sớm và kết thúc sớm tiện cho khán giả ở xa, đồng thời tập cho khán giả thói quen đi đúng giờ.

Nón lá "khổng lồ" viết chữ thư pháp ở Bến Ninh Kiều làm du khách mê mẩn

Một nón lá khổng lồ được làm từ 540 chiếc nón có viết thư pháp đang được trưng bày tại Bến Ninh Kiều (TP.Cần Thơ) thu hút rất đông du khách chiêm ngưỡng.

Người lên ý tưởng thực hiện mô hình nón lá khổng lồ này là bà Đào Thị Cẩm Sương (50 tuổi, ngụ Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), một nghệ nhân thư pháp có tiếng ở Cần Thơ.

Nón lá khổng lồ được kết từ 540 chiếc nón lá viết chữ thư pháp

DUY TÂN

Bà Sương cho biết, với mô hình nón lá khổng lồ kết hợp viết chữ thư pháp những câu ca dao, tục ngữ hay, bà mong muốn lan tỏa tình yêu mảnh đất Cần Thơ đến du khách gần xa. Bà đã dành ra 89 ngày để viết thư pháp, kết nối, làm nên tác phẩm độc đáo này.

Nón lá khổng lồ được tạo thành từ 540 chiếc nón bình thường. Nón có đường kính hơn 8 m, chiều dài từ chóp nón đến vành nón khoảng 4 m. Chiều dài từ chóp nón đến mặt đất khoảng 6 m. Tổng cộng có 14 hàng nón, được sắp đặt rất nghệ thuật. Tác phẩm đang được trưng bày tại Bến Ninh Kiều (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ).

Được biết, tác phẩm này sẽ được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục với nội dung “Mô hình nón lá thư pháp lớn nhất Việt Nam”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.