Đà Lạt trên trang văn là chủ đề cuộc tọa đàm diễn ra lúc 14 giờ ngày 30.9, đồng thời ra mắt tác phẩm mới của Nguyễn Vĩnh Nguyên tại Hội trường Thư viện Lâm Đồng. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng Festival Hoa Đà Lạt 2022, hướng đến kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển.
Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên và tác phẩm mới nhất của anh |
nvcc |
Tại cuộc tọa đàm, Nguyễn Vĩnh Nguyên tiết lộ cơ duyên đã khiến Đà Lạt trở thành một đề tài bền bỉ trong trang viết của anh - một chàng trai quê Khánh Hòa, vì sao anh luôn có tâm thế “lữ khách” đối với Đà Lạt, quá trình ra đời bộ ba sách du khảo - biên khảo công phu Đà Lạt - một thời hương xa, Đà Lạt - bên dưới sương mù và Đà Lạt - những cuộc gặp gỡ, trò chuyện về những sáng tác của anh mà ở đó Đà Lạt luôn hiện diện...
9 giờ ngày 1.10, tại studio Phố Bên Đồi, Nguyễn Vĩnh Nguyên tiếp tục chia sẻ Hành trình viết về Đà Lạt và về cuốn tiểu thuyết mới nhất của anh mang tên Thành phố những lục địa bay (Phương Nam Book ấn hành). Anh cho biết, khi nhìn Đà Lạt trong buổi sáng sương mù, từ trên cao, anh có cảm giác thành phố đang biến hình, như một bức họa liên tục thay đổi. “Tháp chuông nhà thờ cổ kính, tháp Grand Lycée Yersin trầm mặc, những tán thông trăm tuổi, những sườn đồi mờ ảo, những con đường hoang vu, những vực sâu thăm thẳm, những góc phố quạnh hiu... từng phân mảnh của cảnh vật được phát lộ rồi bị xóa dấu chóng vánh. Rồi mặt trời lên, xua đi lớp lớp khói sương mơ huyền, trình hiện một mặt hồ tịch lặng. Phong thổ tự nhiên đã tạo nên một cảnh vực có cấu trúc chuyển hóa không ngừng, nơi đỉnh cao lẫn vực sâu ngẫu nhiên xuất hiện rồi biến mất chóng vánh trong một khí lực bí ẩn” (trích từ “Ghi chú ngắn” của tác giả trong tập sách). Và chính “trật tự” chuyển động của sương khói - về mặt thị giác - đã gợi ý cho cho anh một “trò chơi văn chương”.
Công bố ghi âm giọng nói của nữ sĩ Xuân Quỳnh
Một đoạn ghi âm giọng nói của nữ sĩ Xuân Quỳnh được công bố trong đêm thơ nhạc kịch Hoa cúc xanh ngày 5 - 6.10 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
NSND Nguyễn Thước vẫn nhớ như in cuộc điện thoại của nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp gọi mình vào một buổi tối Hà Nội. “Điệp gọi tôi trong trạng thái hớt hải và nói em vừa gửi cho anh một file tiếng. Anh nghe xem có đúng giọng chị Quỳnh không. Tôi nghe đoạn ghi âm và nói với Điệp đúng là giọng chị Xuân Quỳnh đấy. Có lẽ là Điệp đã lục kho ghi âm nào đó và tìm thấy tư liệu này. Cũng có lẽ Điệp đã vớ được một vật báu hiếm có”, vị đạo diễn phim tài liệu chia sẻ tại họp báo về đêm thơ nhạc kịch Hoa cúc xanh (5 - 6.10 tại Nhà hát lớn Hà Nội).
Vợ chồng nữ sĩ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ |
t.l |
Ông Nguyễn Thước cũng cho biết tư liệu hình về cố nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, cố nhà thơ Xuân Quỳnh vô cùng hiếm hoi, gần như không có.
“Năm 2008, gia đình mời tôi làm phim nhân 20 năm ngày mất của anh chị và cháu. Quả thật tôi cũng không trả lời được câu hỏi cho chính tôi. Người ta tư liệu về các vở kịch của anh, nhưng không có một giây tư liệu nào ghi lại anh chị đã sống và làm việc như thế nào. Có lẽ do họ mất đi đột ngột quá chăng. Tôi làm phim về họ với rất rất ít ảnh. Di cảo của anh chị cũng không nhiều. Tôi làm và phải cố làm thế nào để tái hiện được đời sống đó”, ông Nguyễn Thước nói.
Nếu như Hoa cúc xanh có một đoạn phim với giọng của nữ sĩ Xuân Quỳnh thì trên sân khấu căn phòng nhỏ của bà cũng được tái hiện. Nghệ sĩ Hà Nguyên Long, người thiết kế mỹ thuật của đêm thơ nhạc kịch, cho biết căn phòng của bà sẽ được tái hiện lại với tỷ lệ 1:1 trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội.
Đêm thơ nhạc kịch Hoa cúc xanh không thể thiếu thơ. NSƯT Đỗ Kỷ, một nghệ sĩ đọc thơ trong chương trình, cho biết vợ chồng ông đã đồng hành với chương trình đọc thơ Se sẽ chứ của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh từ số đầu tiên. Đó là chương trình được tổ chức trong một không gian trong ngõ nhỏ.
Nhà văn - nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký đã qua đời
2 giờ 05 ngày 28.9, nhà văn - nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký đã qua đời, hưởng thọ 75 tuổi. “Người thầy đầu tiên của VN dùng chân để viết” đã để lại cho thế gian biểu tượng về nghị lực phi thường cùng một cuộc đời đáng ngưỡng mộ.
Ông Nguyễn Ngọc Ký sinh ngày 28.6.1947 tại xã Hải Thanh, H.Hải Hậu, Nam Định. Năm lên 4 tuổi, ông bị sốt bại liệt, dẫn đến bị liệt cả hai tay. Dù vậy, bằng nghị lực phi thường , ông đã vượt lên số phận và lập nên nhiều kỳ tích.
Thầy Nguyễn Ngọc Ký cặm cụi dùng chân giở lại từng trang sáng tác của mình |
t.l |
Từ năm 1994, ông Ký cùng gia đình chuyển vào sống và dạy học tại TP.HCM. Hồi ông còn ở P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM, người viết có nhiều dịp được đến nhà thăm ông, được nghe ông chia sẻ về chuyện đời và các công việc tâm huyết.
Ông Ký từng kể về mối lương duyên đặc biệt của ông với hai chị em ruột Vũ Thị Nhiễu và Vũ Thị Đậu. Vượt qua nhiều thử thách ban đầu, ông và bà Nhiễu cưới nhau rồi có được 3 mặt con (2 con gái lần lượt sinh năm 1971 và 1973, con trai sinh năm 1977). Năm 2001, bà Nhiễu mất vì bệnh. Theo di nguyện của bà Nhiễu, ông Ký đã nối duyên cùng em ruột bà Nhiễu là bà Vũ Thị Đậu, từ năm 2002 cho đến nay. Được biết, hầu hết các con của ông Ký đều nối nghiệp ông làm nghề giáo...
Giữa năm 2021, trước khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội tại TP.HCM, các con đồng ý để ông Ký về quê Hải Hậu, Nam Định thăm họ hàng đồng thời để tránh dịch. Không may sau đó, ông Ký bị nhiễm Covid-19 và bị tràn dịch màng phổi, được đưa vào TP.HCM điều trị. Mấy tháng qua, sức khỏe của ông có phần khả quan. Nhưng từ nửa tháng nay, ông Ký có biểu hiện suy kiệt. Từ ngày 19.9, ông Ký được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức). Tuy được cứu chữa tận tình nhưng ông không qua khỏi, do ông đã chạy thận nhân tạo suốt mười mấy năm nay (3 lần/tuần), căn bệnh suy thận đã đến giai đoạn không đáp ứng điều trị.
Đặc biệt, với việc sáng tác, ông Ký tự nhận đây cũng là một sự nghiệp gian khổ. Ông từng cho biết bắt đầu từ năm học lớp 8 cho đến hết lớp 10, ông đã viết hàng trăm bài thơ, bài văn nhưng không có báo nào đăng. Mãi đến khi bước vào đại học năm thứ nhất, bài thơ đầu tiên của ông là Núi bắt phi công mới được đăng. Được đà tiến tới, ông bắt đầu đặt bút viết quyển tự truyện đầu tiên mang tên Những năm tháng không quên (sau này đổi tên thành Tôi đi học). Ông hồi tưởng: “Những năm tháng học đại học vừa học vừa viết tự truyện cũng cực kỳ gian khổ. Giấy không có, mực không có, đêm hôm dùng đèn tiết kiệm, có đêm thức trên ghế đá đến 4 giờ sáng để viết. Có khi viết được 10 - 15 trang, hôm sau đọc lại không bằng lòng, phải xé hết đi viết lại. Viết bí mật thôi, buổi trưa bạn bè ngủ hết mới lặng lẽ ra một góc mà viết.
Hơn 10 năm qua, ông Ký cặm cụi gõ máy vi tính bằng đôi chân để lần lượt hoàn tất hai cuốn tự truyện là Tôi học đại học (xuất bản tháng 9.2013) và Tâm huyết trao đời (xuất bản vào tháng 7.2017). Người viết may mắn được ông tin tưởng gửi bản thảo đọc trước và được ông cho đăng hai ý kiến nhận xét nho nhỏ trong hai cuốn tự truyện này.
Tro tàn rực rỡ tranh giải chính tại LHP Quốc tế Tokyo
Tro tàn rực rỡ (tên tiếng Anh: Glorious ashes, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, diễn viên: Lê Công Hoàng, Phương Anh Đào, Ngô Quang Tuấn, Hạnh Thúy...) là phim Việt đầu tiên tranh tài ở hạng mục chính Competition của Tokyo International Film Festival - TIFF (LHP Quốc tế Tokyo 2022), diễn ra từ ngày 24.10 - 3.11 tại Nhật Bản.
Cảnh trong phim Tro tàn rực rỡ |
đpcc |
Phim được chuyển thể dựa theo hai truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là Tro tàn rực rỡ và Củi mục trôi về, nội dung xoay quanh hai gia đình ở làng quê Cà Mau khi có đám cháy bất ngờ xảy ra, dẫn đến nhiều ẩn ức và dằn vặt tâm lý thông qua nội tâm của 3 người đàn bà - cách họ yêu và giữ người đàn ông của mình.
Ban tổ chức LHP Quốc tế Tokyo cho biết hạng mục Competition có 15 đề cử (gồm các phim truyện được hoàn thành sau tháng 1.2022) được chọn từ 1.695 tác phẩm của 107 quốc gia và vùng lãnh thổ; và Tro tàn rực rỡ sẽ cạnh tranh với các phim nổi bật khác như 1976, Ashkal, The beasts, By the window, Egoist...
Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc và đạo diễn Bùi Thạc Chuyên từng đưa dự án Tro tàn rực rỡ khi chưa thành phim đi gọi vốn để có kinh phí làm phim ở LHP Quốc tế Cannes, giải điện ảnh ở Singapore..., và từng đoạt giải Busan Award của chương trình Asian Project Market - thuộc khuôn khổ LHP Busan (Hàn Quốc) với tiền thưởng 15.000 USD (khoảng 340 triệu đồng).
Trước Tro tàn rực rỡ, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên từng làm 3 phim truyện nhựa chiếu rạp tạo được dấu ấn riêng là Sống trong sợ hãi, Chơi vơi, Lời nguyền huyết ngải.
Chuông Vàng ngân vang
Đêm 25.9 tại Đài truyền hình TPHCM, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi Chuông Vàng vọng cổ đã chọn được giải nhất là thí sinh Dương Thị Diễm (nhận giải thưởng 100 triệu đồng), giải nhì Nguyễn Thị Ngọc Trinh (50 triệu) và giải ba Cao Thị Hồng Nhi (30 triệu).
Ba thí sinh này đều có sắc vóc đẹp, đều có thể phát triển thành những cô đào thương. Tuy nhiên, nếu tiêu chí quan trọng nhất của Chuông Vàng vọng cổ là phải tìm cho ra những giọng ca độc, lạ, thì ba thí sinh này vẫn chưa đạt được. Ba giọng ca vẫn còn nằm trong vòng an toàn, chưa tạo ấn tượng mạnh với người nghe.
Từ trái sang: Cao Thị Hồng Nhi (giải 3), Dương Thị Diễm (giải 1), Nguyễn Thị Ngọc Trinh (giải 2) cuộc thi Chuông Vàng vọng cổ 2022 |
h.k |
Dương Thị Diễm trong vai công chúa An Tư (trích đoạn Công chúa An Tư) đã diễn tương đối khá nhưng giọng ca bị rè mấy câu, đến bài ca cổ bốc thăm cũng còn bị khàn tiếng vài chỗ. Nguyễn Thị Ngọc Trinh diễn tốt trong vai Hơ Nhi (trích đoạn Y Ban và nàng tiên) nhưng bài ca cổ bốc thăm lại bị rớt nhịp. Cao Thị Hồng Nhi gây ấn tượng rất mạnh ở vòng chung kết 3 với vai cô Tư tiểu thư nhà giàu, sinh động với chất lẳng mùi, nhưng vai nữ tướng Bùi Thị Xuân (trích đoạn Nữ tướng cờ đào) ở vòng chung kết xếp hạng lại có vẻ quá sức với cô. Giọng gió của cô phải gồng nên bị thất thế. Tuy nhiên bài ca cổ bốc thăm thì Hồng Nhi thật xuất sắc khi dũng cảm phá cách, khán giả vỗ tay vang dậy. Trích đoạn được nhân hệ số 2 nên Hồng Nhi vẫn thua điểm các bạn.
Ngoài giải thưởng chính, Ngọc Trinh còn nhận được giải Báo chí (20 triệu) và giải Thí sinh được yêu thích nhất (10 triệu) do khán giả bình chọn.
Bình luận (0)