Chương trình 'Sinh viên với biển đảo Tổ quốc': Khởi nghiệp hướng về biển

03/06/2017 10:34 GMT+7

Trong chương trình “Sinh viên với biển đảo Tổ quốc”, nhiều dự án, mô hình khởi nghiệp từ biển được sinh viên mang ra giới thiệu với mong muốn góp phần phát triển kinh tế và giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương.

Tối 2.6, chương trình “Sinh viên với biển đảo Tổ quốc” chính thức khai mạc tại huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận). Chương trình năm nay có sự tham gia của 37 đơn vị trực thuộc T.Ư Đoàn, T.Ư Hội Sinh viên VN. Các đơn vị đã mang đến những phần quà ý nghĩa với tổng giá trị tiền mặt là 989 triệu đồng. Nhiều hoạt động ý nghĩa của chương trình đã diễn ra như: triển lãm “Ý tưởng sinh viên phát triển kinh tế biển đảo”, khởi công xây dựng cột cờ Tổ quốc, trồng cây xanh trên đảo, tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân...

tin liên quan

Sinh viên với biển đảo quê hương
Ngày 18.3, tại xã Bình Châu (H.Bình Sơn), hơn 200 sinh viên ưu tú đến từ 9 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Quảng Ngãi đã tham gia chương trình Sinh viên với biển đảo quê hương năm 2017 do Hội Sinh viên VN tỉnh Quảng Ngãi tổ chức.  
Mở đầu cho chuỗi sự kiện tại huyện đảo Phú Quý là chương trình triển lãm những ý tưởng phát triển kinh tế và mô hình khoa học hướng về biển đảo. Tại đây có 15 ý tưởng, mô hình đã được trưng bày.
Sáng kiến phục vụ đời sống trên đảo
“Mỗi một người dân sống trên đảo phải đối diện với nhiều khó khăn từ thời tiết cho đến điều kiện sinh hoạt. Chính vì thế, để phát triển được biển đảo quê hương phải đi từ việc cải thiện đời sống cho người dân trên đảo”, Nguyễn Thị Thùy Dương, sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, tâm đắc.
Dương kể, trong một lần đi du lịch ở đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam), trước khi lên đảo mọi người nhắc nhở không được mang theo túi ni lông. Từ đó, Dương bắt đầu trăn trở và tìm hiểu về vấn đề xử lý rác thải trên đảo. Dương nhận thấy đa phần các đảo đều không có máy xử lý và tái chế rác thải, tất cả đều phải vận chuyển vào đất liền để xử lý hoặc vứt trực tiếp xuống biển làm ảnh hưởng đến môi trường biển.
Từ thực tế này, Dương bắt đầu cùng nhóm bạn sáng chế mô hình xử lý và tái chế rác thải nhựa trên đảo.
Nhóm đã nghiên cứu và chế tạo hệ thống gồm 3 chiếc máy. Máy sử dụng công nghệ nhiệt, cơ để tái chế nhựa trong đời sống hằng ngày, tạo ra các sản phẩm như: nhựa vụn, dây cáp, mô hình học tập... Nhóm hướng đến mục đích phục vụ tại nhà cho mỗi hộ dân nên sản phẩm có thiết kế gọn nhẹ và quy trình hoạt động không quá phức tạp.
“Chỉ cần cho chất thải bằng nhựa vào máy xay, máy sẽ xay và nghiền nhỏ nhựa, sau đó cho qua máy kéo sợi để kéo thành những dạng sợi như dây phơi đồ, hoặc nếu người sử dụng muốn thành những dạng khối để phục vụ các nhu cầu khác thì sau khi nhựa đã nghiền và xử lý sẽ cho vào máy nén khuôn”, Dương phân tích quy trình hoạt động của hệ thống.
Với mô hình này, nhóm tin tưởng sẽ giải quyết được triệt để chất thải nhựa trên đảo. Giúp giảm chi phí và công sức vận chuyển chất thải vào đất liền cũng như tạo ra các sản phẩm nhằm phục vụ thiết thực cho đời sống người dân trên đảo.
Cũng nhằm mục đích nâng cao đời sống của người dân trên đảo, nhóm sinh viên đến từ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã nghiên cứu mô hình bóng đèn tuýp LED tích điện. Trước thực tế, dân và quân trên các vùng đảo chưa có lưới điện quốc gia, nhu cầu chiếu sáng là rất cần thiết. Tuýp LED tích điện được thiết kế, sản xuất và đưa vào sử dụng để thay thế bóng đèn tuýp huỳnh quang. Bóng đèn tuýp LED tích điện có ưu điểm đặc biệt duy trì chiếu sáng 4 - 6 giờ tức thời khi mất điện, ứng dụng cho chiếu sáng khu vực lớn, rất phù hợp cho các đảo cắt cấp điện theo giờ. Trong tương lai, đèn LED tích điện còn được ứng dụng cho gia đình, vừa sử dụng cho nhà máy và công sở.

An toàn cho ngư dân
“Đảm bảo được điều kiện đánh bắt cho ngư dân là đảm bảo được ngư trường của VN, giữ vững được chủ quyền biển đảo. Chính vì thế, tụi mình luôn trăn trở về vấn đề an toàn cho ngư dân khi đánh bắt”, Trần Hoàng Lộc, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, chia sẻ.
Xuất phát từ những sự vụ mất tích tàu cá của ngư dân ngày càng nhiều, nhóm của Lộc đã bắt đầu trăn trở về sự an toàn của ngư dân. Từ đó, hệ thống báo hiệu, định vị và hỗ trợ cứu hộ cứu nạn trên biển ra đời. Khi tàu gặp nạn, vị trí tàu sẽ được gửi đến tàu cứu hộ cứu nạn thông qua kênh thông tin sẵn có trên tàu cá. Ít nhất 3 tàu cứu nạn có trang bị trạm cơ sở để tiếp cận vị trí tàu cá gặp nạn. Trong quá trình tiếp cận, trạm cơ sở luôn ở chế độ lắng nghe để tìm kiếm tín hiệu kêu cứu từ thiết bị đeo tay của ngư dân. Ngay khi nhận được tín hiệu từ thiết bị, các trạm cơ sở sẽ tiến hành tính toán liên tục vị trí của ngư dân gặp nạn và nhanh chóng tiếp cận cứu hộ. Mỗi ngư dân sẽ được trang bị một thiết bị đeo tay như chiếc đồng hồ thông thường, khi gặp nạn chỉ cần nhấn nút là tín hiệu sẽ được truyền về nhờ sóng lora, một công nghệ hiện đại nhất hiện nay...
Phát triển kinh tế biển
Từ nhỏ đã thích vẽ về biển đảo, lớn lên ấn tượng với hình ảnh của nhà giàn DK1 vì nhìn chúng trơ trọi giữa biển khơi, Vũ Huy Hoàng, sinh viên Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, đã nghiên cứu và sáng chế mô hình Sắc màu biển cả - một công trình nghiên cứu nhằm cải thiện và phát triển kinh tế từ các rạn san hô trên thềm lục địa của Tổ quốc.
Hoàng cho biết, ở thềm lục địa hiện nay chỉ có một nhà giàn để canh giữ chủ quyền, tuy nhiên tiềm năng kinh tế thì chưa được khai thác hết. Bên cạnh đó, các nguyên nhân như biến đổi khí hậu, các tác động trực tiếp của con người đã khiến các rạn san hô chỉ còn lại một màu trắng trơn, không còn màu “xanh” của biển nữa. Mục tiêu là muốn kiến tạo một công trình có thể giúp khôi phục lại rạn san hô, không chỉ vậy còn là nơi tham quan, nghiên cứu, không gian sinh thái và nghỉ dưỡng, mang lại giá trị kinh tế để tiếp tục đầu tư cho việc khôi phục môi trường sinh thái biển.

tin liên quan

Chuyện của những người yêu lính
Không phải là một ngôi sao ca nhạc đình đám, một diễn viên xinh gái hay “soái ca” trong làng điện ảnh Hàn Quốc, thần tượng của những người trẻ mà chúng tôi tiếp xúc rất bình dị: lính đảo.
Anh Nguyễn Minh Triết, Trưởng ban Thanh niên trường học T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch thường trực T.Ư Hội Sinh viên VN, đánh giá: “Các mô hình mang tính thực tiễn cao và có thể ứng dụng ngay vào đời sống của nhân dân trên các đảo, giúp người dân cải thiện và nâng cao năng suất đánh bắt thủy sản cũng như đảm bảo an toàn cho người dân khi đánh bắt trên biển. Đặc biệt, có những mô hình có tiềm năng phát triển, cải tiến để góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Những mô hình này là minh chứng thể hiện tình cảm, sự quan tâm và đóng góp của sinh viên VN với biển đảo quê hương. Chúng tôi mong rằng, từ đây sẽ khơi dậy, vun đắp khát vọng bảo vệ, xây dựng và phát triển biển đảo của mỗi sinh viên tham dự chương trình, cũng như sinh viên VN ở trong và ngoài nước”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.