Hình ảnh và câu chuyện được anh chia sẻ lên trang mạng xã hội cá nhân mới đây kèm theo sự thích thú và phấn khích khi vô tình ghi lại khoảnh khắc đẹp, kỳ thú của tự nhiên trên bầu trời nước Mỹ. Đó là gì?
"Đã quá!"
Theo lời kể anh Don Nguyen, giữa tháng 12 mới đây khi đang chở con gái Ori đi học về ở TP.Buford, khoảng 15 giờ 20 phút khi sắp bước vào nhà thì con gái chỉ tay lên trời nói: "Đẹp quá!".
Sau đó, anh lấy điện thoại chụp một vài bức ảnh trên bầu trời. Sau khi vào nhà xem kĩ lại thì anh mới phát hiện ra cả gia đình đã quan sát được gần 5 hiện tượng quang học của mặt trời cùng lúc. "Đã quá!", anh cảm thán.
Anh Don Nguyen cho biết bức ảnh đã được nhà khí tượng Glenn Burns ở TP.Atlanta chia sẻ lại. Theo chủ nhân những bức ảnh, 5 hiện tượng trong bức ảnh nói trên là:
1. Tán mặt trời 22° (Sun halo): Quầng hào quang rộng 22° quanh mặt trời.
2. Mặt trời giả (Sundogs hay Parhelia): 2 đốm sáng 7 sắc nằm 2 bên mặt trời.
3. Vòng cung tròn thiên đỉnh hay "cầu vồng ngược" (Circumzenithal Arc): Cũng là cầu vồng nhưng lộn ngược và cao hơn mặt trời trong bức ảnh.
4. Vòng tròn mặt trời ảo (Parhelic Circle): Vòng sáng này nối mặt trời, 2 mặt trời giả và chạy một vòng quanh bầu trời song song với đường chân trời. Nếu nhìn kĩ chỗ "mặt trời giả" bạn sẽ thấy vệt sáng rõ của vòng sáng này.
5. Hiện tượng mặt trời phản xạ (Antisolar parhelia): Đốm sáng ở hướng gần như đối diện với mặt trời, nằm trên vòng tròn Parhelic, rất sáng, nhìn lạ mắt và huyền ảo như có ai rọi đèn siêu sáng lên trời giữa ban ngày.
"Thời tiết hôm đó khá lạnh! Nói chung là cả nhà đã được một buổi tiệc hiện tượng mặt trời mãn nhãn!", anh Don Nguyen bày tỏ.
Vì sao có hiện tượng trên?
Chia sẻ với Thanh Niên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cựu chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC) cho biết các hiện tượng được anh Don Nguyen chia sẻ trong ảnh là chính xác.
Theo đó, hiện tượng này chủ yếu do phản xạ và khúc xạ ánh sáng qua những tinh thể băng trong bầu khí quyển bằng nhiều cách và nhiều góc độ khác nhau tạo thành. Trong đó, hiện tượng phản xạ đóng vai trò chủ yếu, khúc xạ chỉ một phần nhỏ.
Chẳng hạn khi xảy ra hiện tượng Sun halo (tán mặt trời), người ta có thể quan sát thấy một vòng tròn sáng nhiều màu bao xung quanh mặt trời và đây là hiện tượng ít khi xảy ra.
Chuyên gia cho biết hiện tượng này xảy ra khi ánh sáng từ mặt trời khúc xạ qua lớp tinh thể băng trong đám mây Ti tầng Cirrostratus (Cs), thường có góc khúc xạ là 22°. Thường khi mây Ti tầng Cs xuất hiện sẽ là dấu hiệu cho thấy rằng một front ấm (hot front) đang chuẩn bị đến gần và kèm theo đó là một khu vực áp suất thấp đang di chuyển tới. Front là mặt ngăn cách 2 khối khí khác biệt nhau về nhiệt độ và hướng gió. Đây là thuật ngữ được dùng nhiều trong địa lý và thiên văn học.
“Luồng không khí nóng sẽ đi vào khu vực lạnh và khô hơn, hay front lạnh (cold front). Theo quá trình này, dòng khí nóng sẽ di chuyển từ từ lên phía trên khối không khí lạnh. Quá trình này có thể sẽ tạo các đám mây và quá trình ngưng tụ hạt nước trong đám mây sẽ diễn ra liên tục dọc theo đường biên của frông ấm.
Lượng nước ngưng tụ được phụ thuộc vào độ ẩm của khối không khí trước bề mặt của frông này. Ngoài ra, theo sau một front ấm là một khu vực ấm mà các khối không khí trong đó thường là ấm và ẩm, đây là nơi mà các cơn bão mạnh có thể hình thành”, chuyên gia lý giải thêm.
Trong 48 tiếng đồng hồ từ khi hiện tượng này xuất hiện, nhiều khả năng sẽ có mưa giông hoặc trời sẽ nhiều mây hơn, vòng sáng càng rực rỡ thì khả năng có mưa càng cao. Tuy nhiên, không phải lúc nào nó cũng xuất hiện khi xảy ra hiện tượng tán mặt trời này.
Trong khi đó, theo các tài liệu mặt trời giả là một hiện tượng quang học khí quyển, gồm đốm sáng ở một hoặc cả hai bên của mặt trời. 2 mặt trời giả thường nằm ở 2 bên mặt trời trong vòng hào quang 22°.
Mặt trời giả là một loại hào quang được tạo ra do sự khúc xạ ánh sáng mặt trời bởi các tinh thể băng trong khí quyển. Chúng có thể được nhìn thấy ở bất cứ đâu trên thế giới tại bất kỳ thời điểm nào trong năm, nhưng chúng không luôn luôn rõ ràng hoặc chói sáng. Mặt trời giả dễ thấy nhất khi ở gần đường chân trời.
Bình luận (0)