"Râu ông nọ cắm cằm bà kia"
Tính năng khởi tạo chat nhóm trên mạng xã hội khá phổ biến. Ở bất kỳ nền tảng nào cũng có thể lập nên những nhóm chat để người dùng liên lạc cùng nhau. Và từ đây, những câu chuyện "cười ra nước mắt" xuất hiện.
Chị Lê Thị Hồng Lin (32 tuổi), nhân viên kế toán tại Công ty TNHH Xây dựng nhà đẹp, TP.Thủ Đức (TP.HCM), cho biết đang là thành viên của gần… 100 nhóm chat. Từ các nhóm chat trên WhatsApp, Viber cho đến Messenger, Telegram… và nhiều nhất là trên Zalo.
Chị Lin cho biết cứ mỗi dự án công trình bắt đầu thực hiện là sẽ có thêm một nhóm chat để làm việc. Nhờ những nhóm chat này, các thành viên kết nối dễ dàng hơn, tiến độ giải quyết công việc nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên như chị Lin kể, đôi lúc gặp tình cảnh "râu ông nọ cắm cằm bà kia". Chị Lin giải thích: "Nhiều khi những thảo luận xuất hiện liên tục, các nhóm chat "nhảy" liên hồi trên màn hình laptop, điện thoại làm tôi lẫn lộn. Chẳng hạn đang bàn về chuyện vật tư của một dự án ở tỉnh Bình Dương thì có thành viên nhóm chat của dự án ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhắn tin. Để rồi có không ít lần tôi nhầm lẫn trong chuyện xử lý công việc".
Câu chuyện của chị Lin không hề ngoại lệ. Ngược lại, còn khá phổ biến hiện nay. Từ những người trẻ đã đi làm, hoặc sinh viên đang đi học… đều trải qua những tình huống hài hước liên quan nhóm chat.
Dương Đông Phong (26 tuổi), làm việc ở Công ty công nghệ quảng cáo Nguyễn Trường, Q.Gò Vấp (TP.HCM), cho biết chẳng nhớ con số chính xác là hiện tại đang làm thành viên của bao nhiêu nhóm chat. "Từ những nhóm chat với bạn học cũ, đồng nghiệp cũ cho đến đồng nghiệp hiện tại… Chính sự kết nối này giúp mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp trở nên bền chặt hơn, cũng như phục vụ công việc tốt hơn", Phong nói và cho hay: "Cũng vì tham gia nhiều nhóm chat nên điện thoại lúc nào cũng thông báo tin nhắn liên hồi".
Phong kể chuyện vui: "Tôi có những nhóm chat với bạn học cũ ở Trường THCS Nguyễn Văn Tố, Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10, TP.HCM) và Trường ĐH Văn Lang. Và có những người thành viên xuất hiện trong cả 3 nhóm chat ấy. Khi tin nhắn đến, thấy tên bạn bè quen thuộc, vì không để ý tên nhóm chat, nên dẫn đến sự cố nhắn tin nhầm, bàn chuyện không hề liên quan đến nhóm chat phải vội vàng thu hồi".
"Tương tự, khi đi làm, vì tin nhắn "nhảy" loạn xạ, nên đôi lúc định nhắn cho nhóm này lại nhắn cho nhóm kia. Như có lúc nhóm chat công ty lấy biểu quyết về vấn đề nội bộ, tôi định nhắn "đồng ý", thì lại gửi nhầm tin nhắn ấy vào nhóm chat của hội bạn cũ đang thảo luận việc đi chơi dịp cuối tuần, dù rằng tôi muốn từ chối. Thế là phải tốn thời gian giải thích. Những câu chuyện như thế diễn ra rất nhiều lần", Phong kể thêm.
Hãy phân loại các nhóm chat theo cấp độ ưu tiên
Nguyễn Hoài Trung, học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Q.Tân Bình (TP.HCM), cũng kể: "Em đang tham gia khoảng 60 nhóm chat như: học đàn guitar, chơi thể thao, bạn học cũ, lớp đang học, dự án cộng đồng, các câu lạc bộ, hội người hâm mộ nghệ sĩ… Vì những thảo luận trong các nhóm xuất hiện liên tục nên chuyện lẫn lộn tin nhắn diễn ra như cơm bữa".
Trung nhớ lại chuyện bi hài xảy ra cách đây không lâu: "Có lần khen một thành viên trong nhóm bạn cũ ngày càng xinh thì lại gửi nhầm vào nhóm chat với giáo viên. Cũng có lúc xác nhận đề thi vật lý dễ nhưng lại nhắn tin vào nhóm ôn thi môn toán với những câu hóc búa…".
Chị Phan Thị Xuân Trúc (34 tuổi), ngụ ở đường Đông Hưng Thuận 10B, Q.12 (TP.HCM), kể chuyện bi hài với những nhóm chat dành cho phụ huynh. Chị có 1 con gái đang học mầm non Úc Châu, 1 con trai đang học ở Trường tiểu học Nguyễn Trãi, con trai lớn học ở Trường THPT Việt Âu. Theo đó, chị có 3 nhóm chat với phụ huynh và học sinh của con.
"Những nhóm chat ấy giúp tăng kết nối hơn giữa nhà trường với gia đình. Nhưng cũng có đôi lúc tôi bị "nhầm nhóm nọ với nhóm kia". Như có lần nhận thông báo đi họp phụ huynh cho con học tiểu học thì tôi đến trường THPT. Hay có khi phải dẫn con gái tham gia tập văn nghệ ở bậc học mầm non thì tôi lại dẫn con trai đến trường tiểu học…", chị Trúc kể.
Anh Võ Cao Kỳ Anh (30 tuổi), làm việc tại Công ty TNHH chế biến thực phẩm gia vị Bảo Long, Khu công nghiệp Tân Tạo (TP.HCM), cho hay vì đặc thù công việc nên cùng lúc trao đổi trên ứng dụng nhắn tin của nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau.
"Lợi thì có lợi. Vì những trao đổi trong nhóm chat với các thành viên chung mục đích sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn. Nhưng đúng là ở đời, cái gì nhiều quá cũng đều không tốt. Những lúc đang bận bịu mà thấy tin nhắn ở các nhóm chat xuất hiện liên tiếp thì cũng... dễ cáu", anh Kỳ Anh nói.
Theo chuyên gia kỹ năng sống Huỳnh Ánh My, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, những câu chuyện trên phổ biến trong thời "nhóm chat lên ngôi" như hiện nay. Những nhóm chat xuất hiện với nhiều tiện dụng nhằm mục đích hỗ trợ cho mọi người tốt hơn về học tập, công việc, cuộc sống… Những nhóm chat không hề có lỗi trong việc làm xáo trộn cuộc sống của mọi người nếu như có cách sử dụng hợp lý.
Cách sử dụng hợp lý theo chị My, đó là hãy phân loại ưu tiên các nhóm chat theo cấp độ: đặc biệt quan trọng, quan trọng, không quá quan trọng. Dành sự quan tâm đến nhóm chat ở cấp độ ưu tiên. Những nhóm chat không quá quan trọng có thể kiểm tra tin nhắn khi có thời gian rảnh hoặc chỉ khi được nhắc đến.
"Để tránh bị xao nhãng bởi những luồng tin nhắn liên tục có thể chọn chế độ ẩn hoặc im lặng. Mỗi thành viên cũng nên tuân thủ quy tắc chỉ đề cập đến chuyện chung khi chat nhóm, thay vì "nói chuyện phiếm" hoặc tán gẫu chuyện cá nhân riêng tư. Có thể rời nhóm khi cảm thấy không còn cần thiết. Hạn chế nhắn tin trong nhóm vào giờ khuya nếu không có chuyện quan trọng, cấp bách. Dừng lại khoảng vài giây để xem liệu tin sắp sửa nhắn có đúng nhóm cần gửi hay không nhằm tránh trường hợp nhầm lẫn…", chị My chia sẻ thêm.
Bình luận (0)