Chuyện chưa kể về bầu Đức

Nguyên Hằng
Nguyên Hằng
13/10/2022 11:26 GMT+7

Khí hậu ôn hòa, mưa thường xuyên và đất đai phì nhiêu màu mỡ, cao nguyên Bolaven (huyện Pắc Soòng, Lào) là một trong những nơi sản xuất ra loại cà phê arabica đắt nhất trên thế giới .

Ít ai biết, “vựa nông sản” trù phú nhất nam Lào cũng là nơi bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) đang sở hữu một quỹ đất lớn để phát triển vườn cây ăn trái với hương vị thơm ngon đặc biệt.

Xứ nam Lào cũng là nơi chứng kiến những thăng trầm khốc liệt của Tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu trong nước một thời - Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), chứng kiến nghị lực phi thường và khát vọng nông nghiệp tỉ USD của một doanh nhân Việt.

Bí mật ở Bolaven

Đó là một ngày đầu tháng 8 trời lất phất mưa, từ 7 giờ sáng chúng tôi bắt đầu di chuyển từ Attapeu (nam Lào) tới cao nguyên Bolaven. Đường thoai thoải nên chỉ khi thấy hơi ù tai, mở la bàn ra mới biết mình đang ở độ cao hơn ngàn mét so với mặt nước biển. Mất khoảng gần 3 tiếng đồng hồ thì vào tới “đại bản doanh” của bầu Đức với mênh mông sầu riêng, chuối.

Bầu Đức lái xe dẫn đầu. Ông thuộc từng con đường, từng mảnh vườn nơi mới thu hoạch, đang thu hoạch, sắp thu hoạch; nơi vườn sầu riêng hơn 3 năm tuổi đầy nhựa sống hay cánh đồng chuối cắt vụ đầu tiên. Xe ông lao qua những con đập tràn, nước chảy xiết, dũng mãnh và tự tin. Nghe kể đã có lần vào mùa mưa nước lớn, trong khi tài xế ngập ngừng chưa dám đi thì một lãnh đạo trong Tập đoàn HAGL xung phong dẫn đường. Ai ngờ chiếc xe bị sập ngầm, chết đứng giữa dòng. Tất cả còn đang hốt hoảng chưa biết xử lý ra sao thì bầu Đức đã nhảy lên cầm lái, những người còn lại cũng xúm vào đẩy, đưa chiếc xe ra khỏi chỗ nguy hiểm. Khi kể cho tôi câu chuyện này, tài xế có thâm niên hơn chục năm của tập đoàn nói, đó không phải là lần duy nhất. “Bao nhiêu năm đi theo sếp trong các nông trường, em đã chứng kiến rất nhiều pha nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa, phải đi qua những đập tràn, những đoạn suối nước dâng cao đến 70 - 80 cm, chảy xiết. Người khác chắc chắn sẽ kêu lính đi thử trước, nhưng sếp (bầu Đức) thì đi cái phăm. Ổng làm cái ào là qua. Tài xế bọn em, cũng phải nói thật là không có sếp thì chắc không dám đi vì sợ bị cuốn xuống suối. Nhưng mà sếp đi rồi thì phải theo thôi. Mà không hiểu sao sếp đi thì luôn được, người khác, kể cả bọn em là tài xế chuyên nghiệp, cũng không dám, hoặc đi là có chuyện. Ổng đi dữ lắm, mình theo không được đâu”.

Bầu Đức ký hiệu 1 cây - 1 con: chuối và heo

Chuyến đi lần này, chúng tôi cũng được pha đứng tim khi chiếc Toyota Land Cruiser do bầu Đức cầm lái trượt một bên bánh xuống cái rãnh sâu ven đường bị cỏ che khuất, nghiêng một góc 45 độ. Cả đoàn chết lặng, chưa kịp phản ứng gì thì chiếc xe, sau khoảng 30 giây đứng im lại tiếp tục di chuyển, vẫn với góc nghiêng như sắp lật. Rồi còn hơn cả phim hành động Mỹ, “con ngựa chiến” của bầu Đức bằng một cách nào đó, vọt lại lên mặt đường, tiếp tục dẫn đoàn xuyên qua các cánh đồng trải dài đến vô tận. Người của HAGL tiết lộ với tôi, xe bầu Đức đã có lần bị lật khi đi trong rừng nhưng ông may mắn không bị sao.

Giai thoại về chuyện lái xe của bầu Đức thì rất nhiều vì hơn 1 thập kỷ đầu tư nông nghiệp, không thể đếm nổi ông đã bao nhiêu lần xuyên rừng, vượt rẫy, trèo đèo lội suối thị sát, kiểm tra việc trồng, chăm sóc, theo dõi cây trái lớn lên từng ngày. Thế nên với bầu Đức, những sự cố lớn nhỏ trên đường đã trở nên quen thuộc, ông không mảy may để tâm. Cũng giống bữa đó, xe ông vẫn dẫn đầu, luồn lách qua những con đường nội bộ đan xen như ô bàn cờ, kiểm soát cánh đồng hơn 3.000 héc ta như người nông dân kiểm soát thửa ruộng của mình. Ông dừng lại bên vườn sầu riêng Musaking, giống sầu riêng đắt nhất thế giới, cười sảng khoái: “Tháng 10 năm sau có trái bói, không phải mang từ Gia Lai sang ăn nữa”. Ông đỗ phịch xe trước cửa nhà máy đóng gói được vườn chuối xanh um bao bọc mà tôi chỉ kịp nhận ra khi đã tới sát gần, bảo “Chuối ở đây Nhật bao tiêu toàn bộ, họ thích ăn chuối có độ dẻo và vị ngọt đậm đà. Thế nên có bao nhiêu, họ lấy bấy nhiêu, trồng không kịp cung cấp”. Ông vun vút lao tới một cái hồ nước lớn, leo thoăn thoắt lên bờ đất ướt nhẹp, tự hào nói với tôi: “Đất này là đất quý, đất hiếm”...

Cú sập rãnh khiến 3 người ngồi cùng la hét thất thanh trước đó chưa đầy 1 tiếng đồng hồ đã hoàn toàn biến mất. Tôi hỏi ông “Vì sao gọi là đất quý hiếm” nhưng đầu thì vẫn nghĩ về cú sập hầm mà tôi, chỉ chứng kiến thôi, vẫn chưa kịp hoàn hồn. “Thứ nhất đất ở độ cao 1.000 m2 so với mặt nước biển, khí hậu mát lạnh quanh năm nên cây trái tích lũy lâu hơn, hương vị vì thế cũng ngon hơn, đậm đà hơn. Thứ 2 là trong khu đất có rất nhiều ao, hồ tự nhiên, tới mấy chục cái lận. Các cụ nói, nhất nước nhì phân, nông nghiệp mà không có nước là thua. Thứ 3 là đất liền một mảnh nên trồng trọt, cơ giới hóa, thu hoạch... đều thuận tiện. Ở Việt Nam, 1.000 héc ta thì phải chia thành 5 - 7 điểm. Thế nên có thể khẳng định đất này là không ai có về vị trí, quy mô, khí hậu... hội tụ đầy đủ mọi yếu tố để làm nông nghiệp”, ông giải thích.

Chỉ trong vòng 2 năm, bầu Đức đã phát triển cánh đồng của mình lên hơn 3.000 héc ta từ 500 héc ta trước đó. Dự kiến tháng 10.2023 ông sẽ tiếp tục mở rộng “bờ cõi” để “đất hiếm sinh trái quý”, chuối và sầu riêng với hương vị đặc biệt. Đó là lần đầu tiên bầu Đức tiết lộ về quỹ đất quý hiếm mà ông sở hữu ở Bolaven.

Những vườn cây trái “tỉ đô” của bầu Đức

B.C

Cuộc trường chinh gian khổ hơn một thập kỉ của HAGL

Quần jeans, áo sơ mi bỏ ngoài, 2 tay đút túi quần, giày lấm lem bùn đất..., bầu Đức đứng nói chuyện với các nhà đầu tư trước cửa xưởng đóng gói chuối trong cái mưa lất phất của cao nguyên Bolaven, thỉnh thoảng lại thấy ông khoát tay, cười lớn. Ngoài mái tóc bạc hơn, hình ảnh của bầu Đức không khác gì so với gần 10 năm trước khi đưa chúng tôi qua Lào thăm rừng cao su vào vụ thu hoạch đầu tiên. Cũng quần jeans, áo thun, giày lấm lem, bầu Đức lội xuống tận ruộng mía giới thiệu hệ thống tưới có chiều dài 160.000 km đường ống đi ngầm dưới đất mà ông ví von “bằng 4 vòng trái đất”. Đích thân ông lái xe chở tôi vòng vèo trong những vườn cao su “tính bằng núi”, mía tính bằng km và niềm tin mãnh liệt rằng cao su, cọ dừa, mía đường sẽ đưa HAGL bước sang một trang mới.

Nhưng người tính không bằng trời tính, giá cao su lao dốc không phanh đã biến giấc mơ nông nghiệp lớn của bầu Đức thành gánh nặng nợ nần. Để rồi sau đó là một cuộc trường chinh đầy gian khổ, thậm chí có những lúc tưởng chừng như không thể vượt qua của doanh nhân lừng lẫy một thời Đoàn Nguyên Đức. Tôi vẫn cho là mình may mắn khi thân thiết với ông trong quãng thời gian đó, để được chứng kiến nghị lực phi thường của bầu Đức, chứng kiến bước thăng trầm của Tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam một thời. Và cũng nhờ thế, chuyến đi này tôi chợt nhận ra, đã lâu lắm rồi, bầu Đức mới lại sảng khoái đến thế. Hơn 1 thập niên vật lộn với nợ nần, tôi chưa bao giờ thấy ông than vãn, nuối tiếc, hay kể lể khó khăn. Tôi chỉ cảm nhận điều đó khi đồng hành với ông trong những chuyến đi như điên từ sáng sớm đến tối mịt, những cuộc hành trình xuyên qua rừng già, đêm đen không ngừng nghỉ; nhiều cái tết khi hàng triệu gia đình quây quần bên mâm cơm sum họp thì ở xứ nam Lào nắng cháy, ông bầu nổi tiếng nhất Việt Nam đang hối hả chuyển đổi hàng ngàn héc ta cao su, cọ dầu sang cây ăn trái. Gánh nợ lớn và đà lao dốc không phanh của cao su không cho ông thời gian để cân nhắc, nói gì đến nghỉ ngơi. HAGL cần dòng tiền tồn tại, bầu Đức cần tiền để trả nợ. Đó là lý do nông nghiệp quy mô rất lớn, cơ giới hóa hoàn toàn của bầu Đức cũng trải qua hàng chục năm trồng - chặt, nuôi con này - bỏ con kia, bóc ngắn cắn dài để sinh tồn. Đó còn là cả những khoảng thời gian ông “lặn sâu” không gặp ai, mặc kệ những thị phi bủa vây. Cho đến ngày ông tìm ra “bí kíp” nuôi heo từ chuối thải loại và chốt lại chiến lược một cây - một con hơn 1 năm trước... Những điều tôi nhìn thấy, rất rất ít so với những gì bầu Đức đã trải qua. Những điều tôi có thể kể lại còn nhỏ nhoi hơn.

Bầu Đức vẫn nhoay nhoáy bấm chiếc máy tính cũ mèm lôi ra từ trong túi áo cho các nhà đầu tư thấy bài toán lợi nhuận từ heo ăn chuối trong cái se se lạnh của cao nguyên Bolaven những ngày cuối tháng 7. Chiếc máy tính casio bạc phếch là “vật bất ly thân” của doanh nhân đã từng giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2019. Bất cứ lúc nào cần, ông lại rút ra nhân chia cộng trừ, chìa kết quả cho mọi người coi, đút máy lại vào túi áo và cười sảng khoái. Bầu Đức bảo, làm bất cứ việc gì ông cũng tự tính toán giá thành, giá bán, chi phí, khấu hao... nếu thấy hiệu quả là triển khai hàng loạt. “Nhiều người hỏi tôi sao không thuê chuyên gia giỏi về tham mưu, nhưng đó là sự nghiệp của mình, mình phải tự tính trước đã. Những lúc tính chưa ra đang ngủ bài toán vẫn chập chờn trong đầu, tỉnh dậy thì việc đầu tiên là với ngay cái máy tính để ở đầu giường nhân chia cộng trừ. Ai chê tôi chịu, nhưng kiểu của tôi là thế”, bầu Đức cười lớn. Cũng như ông giải thích cái sự tự lái xe băng rừng, vượt suối thăm vườn: “Làm nông nghiệp mà không biết đường đi, không biết chỗ, không biết nghiệp vụ, nói sao nghe vậy thì chết luôn. Phải nắm hết đường đi lối lại, diễn biến, quy trình... và kiểm tra thường xuyên xem nuôi, trồng có đúng kỹ thuật, chất lượng, tiêu chuẩn hay không. Thế nên tôi đi thăm vườn gần như hằng ngày. Tài xế cũng không thể biết đường bằng tôi”. Rồi ông chỉ tay vào cánh đồng chuối xanh rì trước mắt, tự đắc: “Làm gì có vườn chuối nào như thế này. Làm việc mà không ai làm được mới sướng. Tôi dám tự tin là người ta có tiền cũng không làm được như vậy”.

Bầu Đức và HLV Kiatisak thăm vườn sầu riêng ở Bolaven

B.C

Khát vọng tỉ USD từ nông nghiệp

Cũng chỉ đến lúc này, khi HAGL đã thực sự hồi sinh, tôi mới dám hỏi bầu Đức 10 năm trước sao ông lại liều lĩnh đầu tư cả tỉ USD vào nông nghiệp trong khi đang kiếm ngàn tỉ lợi nhuận từ bất động sản. “Mọi cái liều của doanh nhân đều có tính toán hết”, bầu Đức trả lời. “Vậy anh đã tính như thế nào để đi đến quyết định đó?”. “Tôi cho rằng nông nghiệp là ngành có tỉ suất lợi nhuận/vốn rất lớn. Hồi trước làm bất động sản, HAGL là 1 trong những doanh nghiệp đầu tiên có lời nhiều nhưng tôi chuyển qua nông nghiệp vì đó là thế mạnh của nước mình và vì tôi tin rằng nó lời hơn. Đơn giản thế thôi”. “Nhưng chính nông nghiệp đã nhấn chìm cả HAGL và anh trong nợ nần...?”. “Đúng là tôi bị trật hướng khi đầu tư vào cao su, nhưng đến lúc này quan điểm của tôi vẫn giữ nguyên, thậm chí càng làm lại càng rõ. Ví dụ trước mắt là heo và chuối thì chẳng có bất động sản nào có thể địch lại nổi”, bầu Đức nói không ngại ngần.

Bầu Đức vẫn thế, chẳng lẫn vào đâu. Ông không né tránh nói về sai lầm và càng không ngại nói thẳng những vấn đề có thể gây thị phi, thậm chí bất lợi cho mình. Ông từng tuyên bố sẽ là tỉ phú đô la đầu tiên của Việt Nam khi là người giàu nhất trên sàn chứng khoán năm 2009. Ông chẳng giấu giếm lý do định mua câu lạc bộ Arsenal chỉ vì... nhiều tiền quá không biết làm gì. Kể cả sau những thất bại, ông vẫn chẳng ngần ngại tuyên bố “tôi là số 2 thì không ai là số 1” về ngành công nghiệp chuối tại Việt Nam, Lào, Campuchia; tuyên bố sở hữu vườn sầu riêng lớn nhất thế giới, khẳng định quỹ đất quý hiếm của HAGL ở Boloven “chắc chắn không ai có...”. Và nhìn lại từ trước tới nay ở Việt Nam, làm gì có ai nói nuôi heo trồng chuối lời cao hơn bất động sản? Đi vào chuồng heo, vườn chuối lại “feeling” và ngủ ngon hơn đi đánh golf... Ông cũng nói thẳng không thể làm nhỏ và “ai bảo nông nghiệp không mang lại tỉ USD?”, như một lời thách thức chính bản thân mình.

Chắc chắn sẽ rất nhiều người không tin bởi nông nghiệp không chỉ phụ thuộc vào tài thao lược của các ông chủ, nó còn phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu. Chỉ một cơn bão, cũng có thể cuốn đi hàng triệu USD. Nên thế giới hiện nay đa phần chỉ biết đến các tỉ phú công nghệ nổi tiếng như Bill Gates (Microsoft), Jeff Bezos (Amazon), Larry Page (Alphabet), Elon Musk, Mark Zuckerberg... Thế nhưng, gia tộc làm nông Cargill-MacMillan mới là gia tộc đóng góp cho danh sách những người giàu nhất thế giới nhiều tỉ phú nhất, tới 14 người. Đặc biệt, “vinh hoa phú quý” của các nông dân tỉ phú này kéo dài tới 6 đời, họ đang sở hữu tài sản trị giá gần 50 tỉ USD. Hiện Cargill đang đóng góp 25% vào tổng kim ngạch xuất khẩu ngũ cốc của Mỹ, chiếm đến 22% thị phần trên thị trường thịt heo Mỹ, là nhà sản xuất gia cầm lớn nhất ở Thái Lan. Họ cũng là nhà sản xuất muối Alberger - chuyên dùng trong ngành công nghiệp đồ ăn nhanh và đồ ăn chế biến sẵn - duy nhất ở Mỹ.

Tất nhiên, mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Nhưng tôi chưa thấy ai “tất tay” hàng tỉ USD cho nông nghiệp khi đang bội thu từ bất động sản như bầu Đức. Tôi cũng chưa biết, doanh nghiệp nào có thời điểm nợ lương cả năm mà hàng ngàn cán bộ, nhân viên vẫn chọn ở lại, dù chẳng biết tương lai sẽ như thế nào, như HAGL. Tôi biết nhiều doanh nghiệp rời cuộc chơi vì đầu tư sai lầm nhưng tôi chưa bao giờ chứng kiến sự hồi sinh từ dưới đáy nợ nần của một tập đoàn lớn hàng đầu Việt Nam một thời như HAGL. Thế nên, tôi có niềm tin vào khát vọng tỉ USD từ nông nghiệp, khát vọng làm giàu từ chính thế mạnh của đất nước mà bầu Đức đang thực hiện.

Không có gì là không thể thì tại sao không, bầu Đức?

Trồng chuối nuôi heo thu lợi nhuận mỗi tháng gần 100 tỉ đồng

8 tháng đầu năm, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai đạt doanh thu 2.708 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 781 tỉ đồng. Tập đoàn này vừa ra mắt thương hiệu Bapi HAGL và cửa hàng BapiMart với sản phẩm chủ lực là thịt heo ăn chuối (dạng mát) cùng một số thực phẩm chế biến từ thịt heo Bapi HAGL như thịt nguội, chả lụa, xúc xích với tiêu chí “3 không”: không thuốc kháng sinh, không thuốc tăng trọng, không đạm động vật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.