1,5 triệu doanh nghiệp đến 2025 là thách thức lớn
Ngày 13.9, Ban chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 09 làm việc với Tỉnh ủy Nam Định về tình hình thực hiện Nghị quyết 09 năm 2011 của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị |
gia hân |
Phát biểu đề dẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh cho biết, tính đến 31.12.2021, Việt Nam đã có gần 860.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 15.300 hợp tác xã phi nông nghiệp và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh.
Tuy nhiên, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt như kỳ vọng.
“Phát triển doanh nghiệp về số lượng chưa đạt mục tiêu đề ra và con số 1,5 triệu doanh nghiệp đến năm 2025 vẫn là thách thức lớn”, Trưởng ban Kinh tế T.Ư nhấn mạnh.
Từ đó, ông Trần Tuấn Anh cho hay việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 09 đặc biệt quan trọng với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam.
Theo ông, kết quả tổng kết là cơ sở quan trọng để Ban Chỉ đạo tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp nhằm xây dựng và phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh mới.
Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cho biết sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 09, số lượng doanh nghiệp của tỉnh hằng năm đều có xu hướng tăng nhanh, chủ yếu ở khu vực ngoài nhà nước.
Tuy nhiên, ông Nghị cho hay số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tại Nam Định vẫn còn khiêm tốn, chỉ khoảng 6.455 doanh nghiệp tính đến 31.12.2021, đứng thứ 8/11 trong vùng Đồng bằng sông Hồng, thứ 26/63 cả nước.
Mật độ doanh nghiệp đang hoạt động tại Nam Định chưa cao, chỉ đạt 3,5 doanh nghiệp/1.000 người, đứng thứ 10/11 trong vùng đồng bằng sông Hồng (chỉ cao hơn Thái Bình), đứng thứ 60/63 cả nước.
Trong khi đó, tỉnh vẫn còn rất nhiều tiềm năng để có thể phát triển doanh nghiệp, nhất là từ khu vực hộ kinh doanh, làng nghề.
Ông Nghị cũng cho biết Nam Định phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 14.500 doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp mạnh, có vị thế, tầm cỡ trong khu vực đồng bằng sông Hồng và toàn quốc.
Về kiến nghị, Chủ tịch tỉnh Nam Định kiến nghị Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ ưu tiên nguồn lực đất đai để tỉnh phát triển công nghiệp, nhất là xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.
Ông Nghị dẫn chứng trước đây còn tỉnh Hà Nam Ninh cũng quy hoạch 1 triệu tấn lúa, sau đó, tách thành 3 tỉnh, Nam Định vẫn 1 triệu tấn, việc đảm bảo an ninh lương thực khiến nguồn lực đất đai cho công nghiệp bị hạn chế.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Nam Định cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng đẩy mạnh phân cấp việc quyết định đầu tư khu công nghiệp cho địa phương để tăng tính chủ động.
“Nam Định có những cách đi riêng”
Nêu ý kiến tại hội thảo, Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư Đỗ Ngọc An cho rằng, từ báo cáo thì thấy Nam Định “hình như chú trọng doanh nghiệp nhiều hơn là doanh nhân”.
Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc phát biểu tại hội nghị |
gia hân |
Ông An đề nghị Nam Định và các đại biểu nên làm rõ: tại sao Nam Định có nhiều lợi thế với 10 khu công nghiệp, 26 cụm công nghiệp, 142 làng nghề, lại từng là trung tâm công nghiệp nhẹ của cả nước nhưng phát triển doanh nghiệp, doanh nhân vẫn chưa tương xứng?
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc thừa nhận việc phát triển doanh nghiệp, doanh nhân của Nam Định chưa xứng với tiềm năng; song khẳng định: “Nam Định có những cách đi riêng”.
Ông Túc khẳng định, Nam Định không muốn thu hút ồ ạt doanh nghiệp đến đầu tư mà muốn thu hút những doanh nghiệp lớn, công nghệ cao, thân thiện môi trường đầu tư vào các khu công nghiệp tại Nam Định, bao gồm cả doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Túc cho hay, có những doanh nghiệp muốn đầu tư 1 tỉ đô la Mỹ để chăn nuôi lợn ở Nam Định, nhưng tỉnh này không thu hút vì có thể ảnh hưởng tới môi trường. “Nam Định đi sau nhưng may là cơ hội chọn lựa bước đi vững chắc”, ông Túc nói.
“Số lượng doanh nghiệp nhiều cũng tốt nhưng doanh nghiệp nhiều mà đóng góp cho sự phát triển của tỉnh ít cũng không phải tốt”, ông Túc nói, và cho hay tỉnh Nam Định có nhiều giải pháp để thu hút đầu tư theo hướng riêng. “Chúng tôi làm quy hoạch thì công khai luôn để doanh nghiệp tham gia”, ông Túc nói.
Bí thư Tỉnh ủy Nam Định cũng cho biết Nam Định đang đầu tư về hạ tầng giao thông, quy hoạch kinh tế - xã hội tới 2030 tầm nhìn 2050 để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư.
Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh nhấn mạnh các báo cáo, phát biểu của lãnh đạo tỉnh Nam Định cho thấy tư tưởng thông suốt cũng như quyết tâm của Nam Định trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút, phát triển doanh nghiệp, doanh nghiệp tại Nam Định.
Ông đề nghị Nam Định có giải pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nhân, doanh nghiệp coi doanh nhân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Tiếp tục nỗ lực tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới.
Trưởng ban Kinh tế T.Ư cũng đề nghị nghiên cứu đề xuất cơ chế hỗ trợ và khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo luật Doanh nghiệp.
“Đây là nhiệm vụ quan trọng giúp tỉnh tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp trong giai đoạn tới, thực hiện mục tiêu đạt 14,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký tính đến năm 2025”, Trưởng ban Kinh tế T.Ư nhấn mạnh.
Bình luận (0)