Học bên khung dệt
Nhiều thầy cô giáo ở Trường THPT Quảng Xương 4 (xã Quảng Lợi, H.Quảng Xương, Thanh Hóa) khi nói đến Anh hùng - liệt sĩ Vũ Phi Trừ đều nhắc ngay tên cậu học sinh Vũ Xuân Khoa, và bảo: “Nghị lực và chăm học từ lúc bé”.
Khoa lớn lên khi bố hy sinh ngoài Trường Sa ngày 14.3.1988 lúc quân Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Gạc Ma. Mọi việc dạy dỗ đều một tay mẹ và thêm ông bà dìu dắt. Làng Nga của xã Quảng Khê (H.Quảng Xương) nằm giữa sông Lý và sông Hoàng, quanh năm nước mặn từ cửa Lạch Ghép đổ vào nên vùng này biến thành nước lợ, cố gắng trồng lúa cũng chỉ được 1 vụ còi cọc, nên người dân sống chủ yếu bằng nghề trồng cói, dệt chiếu.
Vũ Xuân Đăng (trái) và Vũ Xuân Khoa (phải) trước bàn thờ ông bà và người cha Vũ Phi Trừ |
Học tiểu học rồi trung học cơ sở, Khoa và anh trai Vũ Xuân Đăng đã thành thạo việc tước đay, chuồi cói để mẹ và bà dập cầu dệt. Lên lớp 9, lớp 10, Khoa đã đảm nhiệm công việc rất nặng nhọc là cắt cói ngoài cánh đồng làng Nga.
Luôn chân luôn tay vậy, nhưng Vũ Xuân Khoa rất chăm học và học rất giỏi. 3 năm học trung học phổ thông, trường cách nhà 10 km, đường đi qua cánh đồng, nhưng Khoa và 1 bạn học trong làng chưa bao giờ nghỉ 1 buổi.
Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2005, Khoa thi vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội nhưng thiếu điểm. Lặn lội ra Hà Nội nhập học trường nguyện vọng 3 là Cao đẳng Công nghiệp (nay là ĐH Công nghiệp Hà Nội) được hơn 1 tháng, thì ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM (nguyện vọng 2) gọi học. Cậu suy nghĩ “miền Nam phát triển mạnh về kinh tế, sẽ học được nhiều điều mới lạ và ra trường cũng dễ có việc hơn”, thế là quyết định rút hồ sơ, vào TP.HCM học. Nghe con trình bày, bà mẹ Nguyễn Thị Tần thở dài gật đầu: “Học xa nhưng ra trường dễ xin việc”. Rồi sau đó, bà Tần cũng xách túi vào TP.Pleiku (Gia Lai) giúp việc em trai và đi làm thuê, nuôi con.
Vừa học vừa đi làm thuê
Cuối tháng 9.2006, Vũ Xuân Khoa nhập học lớp quản lý công nghiệp 0602, thuộc Khoa Kinh tế, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, khi các bạn đã vào học được gần 1 tháng. Năm đầu tiên, Khoa ở ké phòng trọ của một người anh con bác. Năm thứ hai, cậu xin vào ở thuê trong ký túc xá để tiện việc học và đi làm thêm.
Vũ Xuân Khoa, Giám đốc Tân Cảng Đà Nẵng, đã 11 năm phục vụ trong Quân chủng Hải quân và vẫn mong được chính thức đứng trong quân ngũ |
Việc đi làm thêm kiếm sống của Vũ Xuân Khoa thì rất nhiều, nhưng cơ bản và đều đặn nhất là phục vụ bàn ở nhà hàng tiệc cưới Tây Hồ (đường Kha Vạn Cân, TP.Thủ Đức). Ngày thường tập trung vào học chính khóa, học thêm ngoại ngữ; 2 ngày cuối tuần Khoa mặc chiếc áo trắng duy nhất đến nhà hàng, được cho mượn cái nơ và áo gile đồng phục, làm liên tục 2 ca phục vụ từ 8 - 23 giờ. Suốt 15 tiếng bưng bê, rót bia, gắp đá, dọn đồ, rửa bát, lau quét…, cậu nhận được thù lao 100.000 đồng, đủ tiền ăn cơm bụi cho cả tuần.
“Hồi ở quê, tôi rất hay hỏi về sự hy sinh của bố, nhưng mẹ chỉ nói là hy sinh ngoài Trường Sa. Từ năm học thứ hai, tôi lên mạng internet tìm hiểu, mới dần biết về sự kiện 14.3.1988. Biết nhưng cũng giấu trong lòng, bởi hồ sơ mình có ghi, các thầy cô đã đọc đã biết mà không nói gì, mình nói ra lại thành khoe khoang”, Vũ Xuân Khoa thật thà kể và cho biết: “Mấy năm sau, Khoa được VTV đưa ra Trường Sa làm nhân vật trong 1 chương trình truyền hình về biển đảo, các bạn học cùng lớp xem truyền hình mới vỡ lẽ Khoa là con anh hùng”.
Ước mơ suốt 11 năm
Tháng 10.2010, Vũ Xuân Khoa tốt nghiệp chuyên ngành quản lý công nghiệp, Khoa Kinh tế, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Rất muốn đi theo con đường binh nghiệp của bố và anh trai, Khoa gửi bộ hồ sơ xin việc của mình (có kèm lá thư trình bày, xin giúp đỡ của bà Nguyễn Thị Tần) ra Quân chủng Hải quân theo đường bưu điện. Không thấy hồi âm, Khoa lóc cóc đi các nơi tìm việc và tháng 1.2011 lọt qua 3 vòng phỏng vấn - thi tuyển, được nhận vào làm tại Công ty Masan với mức lương khởi điểm là 10 triệu đồng/tháng.
Bà Nguyễn Thị Tần với hòn đá do 2 con trai mang về từ Trường Sa, thay cho lọ tro cốt Anh hùng - liệt sĩ Vũ Phi Trừ |
M.T.H |
Tháng 8.2011, đoàn kịch 2 Nhà hát Tuổi trẻ Hà Nội vào Vùng 4 hải quân biểu diễn phục vụ bộ đội. Bí thư Đoàn của Tập đoàn FPT Đinh Tiến Dũng (giáo sư Cù Trọng Xoay) là tác giả của một số tiểu phẩm, cũng tham gia một số đêm diễn và do đã biết nhau từ trước, nên anh Dũng gọi điện rủ Vũ Xuân Khoa từ TP.HCM bay ra Cam Ranh, vào Vùng 4 hải quân “cho biết nơi bố đã ra đi”.
Trong buổi liên hoan giao lưu với lãnh đạo Vùng 4 hải quân, anh Đinh Tiến Dũng kéo Khoa đến bàn Chuẩn đô đốc Ngô Quang Tiến, Tư lệnh Vùng 4 hải quân (sau này chuyển về làm Giám đốc Học viện Hải quân) giới thiệu: “Đây là con trai của Anh hùng - liệt sĩ Vũ Phi Trừ”. Qua trò chuyện, biết Vũ Xuân Khoa rất muốn phục vụ trong Hải quân và đã gửi hồ sơ xin làm việc trong Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Chuẩn đô đốc Ngô Quang Tiến chắc nịch: “Tôi sẽ báo cáo cụ thể trường hợp của cậu với Quân chủng và đề nghị chuẩn y nguyện vọng”.
Ngày 3.9.2011, Vũ Xuân Khoa được gọi đến văn phòng Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn để phỏng vấn và ngày 6.9.2011 được nhận hồ sơ, ngay lập tức đi làm công việc điều độ ở cảng B Cát Lái (TP.HCM) với mức lương định mức (lương chế độ chính sách, khoảng từ 5 - 7 triệu đồng) và sau đó là các công việc khác.
Hồ sơ của Vũ Xuân Khoa ghi: Năm 2011, được Quân chủng Hải quân gửi vào Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, làm tại trung tâm điều độ; năm 2012, chuyển lên phòng marketing; năm 2013, điều chuyển về trung tâm logistics và được tổng công ty cử đi học tại châu Âu (Hà Lan, Bỉ, Đức) về lĩnh vực logistics và khai thác cảng; năm 2015, được tặng danh hiệu “nhân viên bán hàng xuất sắc nhất Tổng công ty Tân Cảng”; tháng 5.2015, tình nguyện ra TP.Đà Nẵng thành lập Văn phòng trung tâm dịch vụ logistics Tân Cảng (SNPL); năm 2016, được kết nạp Đảng; năm 2017, là phó trưởng đại diện SNPL Văn phòng Đà Nẵng; từ 2019 đến nay là Giám đốc Tân Cảng Đà Nẵng… Đặc biệt, năm 2021, Vũ Xuân Khoa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển toàn bộ thiết bị điện gió từ Quy Nhơn lên Tây nguyên, góp phần mang lại thành công lớn về dịch vụ logistics của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, được chủ đầu tư, đối tác, nhà cung cấp đánh giá cao...
“Giữa năm 2013, tôi và anh trai Vũ Xuân Đăng được theo tàu 631 ra đảo Trường Sa làm nhân vật trong chương trình Biển đảo chúng ta của VTV. Trước khi đi, mẹ tôi dặn mang một kỷ vật gì đó từ Trường Sa về đặt lên bàn thờ, thay cho hộp tro cốt. Ước mơ lớn nhất của tôi là được chính thức đứng trong quân ngũ, để được thường xuyên ra tận vùng biển đảo mà cha tôi và các bác các chú đã hy sinh”, Khoa nói. Ước mơ của con trai người anh hùng - liệt sĩ, suốt 11 năm, vẫn chưa thành…
Ngày 14.3.2018, H.Quảng Xương (Thanh Hóa) đã tổ chức lễ công bố và triển khai thực hiện Nghị quyết số 92 (2017) của HĐND tỉnh Thanh Hóa về việc đặt tên 14 tuyến đường và 1 công trình công cộng. Trong đó, tên Anh hùng - liệt sĩ Vũ Phi Trừ được đặt tên cho 1 tuyến đường ở TT.Quảng Xương.
Bình luận (0)