Chuyện cổ vật hồi hương: Kinh nghiệm thu hồi di sản văn hóa từ các nước

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
08/11/2022 06:43 GMT+7

Trong thời đại toàn cầu hóa, nhiều quốc gia tham gia sâu rộng vào thị trường quốc tế, giao lưu hàng hóa qua biên giới ngày càng nhiều, khiến cho việc giám sát nạn buôn lậu cổ vật rất khó khăn.

Bên cạnh đó, tội phạm liên quan đến di sản văn hóa có xu hướng “nâng tầm” bằng phương thức tổ chức tinh vi với công nghệ tiên tiến hơn.

“Tình cờ chúng tôi phát hiện một vụ trộm cổ vật trong lăng mộ ở đâu đó tại Trung Quốc. Ba ngày sau, di sản văn hóa từ lăng mộ này xuất hiện trong một cuộc đấu giá ở một số nước phương Tây. Tốc độ nhanh như vậy gây ra nhiều khó khăn trong việc chống tội phạm cổ vật”, ông Hoạch Trịnh Tân, giáo sư luật kiêm phó chủ nhiệm khoa Luật quốc tế tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc nhận định, theo trang News.

Nỗ lực ngăn chặn nạn buôn bán cổ vật

Khi đối mặt với những thách thức tương tự, nhiều quốc gia tự tìm ra giải pháp của riêng mình.

Ý thành lập một đơn vị cảnh sát chịu trách nhiệm chống tội phạm liên quan đến di tích văn hóa với tên gọi Đội nghệ thuật Carabinieri. Các nhân viên “cảnh sát nghệ thuật” này được đào tạo chuyên sâu về di sản văn hóa và giám sát các thị trường buôn bán đồ cổ trên khắp nước Ý.

Năm 2007, họ tìm thấy một lô đồ cổ được cho là xuất khẩu bất hợp pháp từ Trung Quốc đến một thị trường địa phương ở Ý. Cảnh sát thông báo cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý và hai nước bắt đầu hợp tác đàm phán. Cuối cùng, vào năm 2019, tổng cộng 796 bộ đồ cổ được trao trả từ Ý về Trung Quốc, đây là đợt hồi hương quốc tế có quy mô lớn nhất đối với các cổ vật Trung Quốc bị thất lạc kể từ năm 1998.

Các cổ vật được thành phố New York trao trả về Ý hồi tháng 9.2022

REUTERS

Ai Cập là một trong những quốc gia chú trọng việc bảo vệ và trả lại các di sản văn hóa. Vào năm 2002, Hội đồng Cổ vật tối cao Ai Cập, cơ quan bảo vệ di sản văn hóa hàng đầu của đất nước, đã thành lập một bộ phận mới chuyên hồi hương các cổ vật bị đánh cắp.

Cũng như Ai Cập và Ý, Trung Quốc mất rất nhiều di sản văn hóa. UNESCO ước tính Trung Quốc có 1,63 triệu cổ vật được phân bổ trong 218 viện bảo tàng ở 47 quốc gia và vô số bộ sưu tập tư nhân.

Đối mặt với nhiệm vụ nặng nề là làm sao hồi hương số cổ vật này, ông Hoạch đề nghị học hỏi kinh nghiệm các nước khác và xây dựng một cơ quan thực thi đặc biệt để tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc cổ vật của Trung Quốc.

Tăng cường giám sát quốc tế

Chiến dịch Pandora tiếp tục kéo dài 4 tháng trên 28 quốc gia đã dẫn đến việc tịch thu hơn 9.000 di sản văn hóa từ tháng 6 đến tháng 9.2021, Interpol thông báo vào tháng 3.2022.

Cảnh sát Ý thu giữ 79 cổ vật vào năm 2021

SMITHSONIAN

Trong giai đoạn thứ sáu và mới nhất của chiến dịch Pandora - các điều tra viên từ tổ chức chống tội phạm quốc tế đã tăng cường kiểm tra nhiều cửa khẩu biên giới, sân bay, nhà đấu giá, bảo tàng và nhà riêng, theo một tuyên bố của Interpol được tạp chí Smithsonian trích dẫn. Nhà chức trách bắt giữ 52 cá nhân liên quan đến số cổ vật bị đánh cắp. Hơn 170 cuộc điều tra bổ sung vẫn đang tiếp tục.

Chiến dịch Pandora lần đầu tiên diễn ra vào năm 2016. Cho đến nay, nhà chức trách tiến hành 407 vụ bắt giữ và thu hồi 147.050 cổ vật bị đánh cắp hoặc buôn bán trái phép, phóng viên Harriet Sherwood đưa tin trên tờ The Guardian.

Theo cây bút Sarah Cascone của trang Artnet News, năm 2021 đã có một nỗ lực chung giữa Interpol, Europol và Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) do nhà chức trách Tây Ban Nha dẫn đầu để tìm kiếm và hồi hương cổ vật trên toàn cầu. Các quan chức cho biết đã thu hồi nhiều bức tượng bị đánh cắp, nhạc cụ, mảnh gốm, tranh vẽ, đồ nội thất và nhiều thứ nữa.

Tháng 3.2022 đã diễn ra việc thu hồi một loạt các đồng tiền vàng có từ thời Đế chế La Mã cổ đại. Các sĩ quan Tây Ban Nha phát hiện ra những đồng xu này tại một nhà đấu giá nổi tiếng ở Madrid, sau đó xác định được địa điểm khảo cổ học mà những đồng xu này bị cướp. Các đồng xu có thể được bán với giá ước tính mỗi đồng khoảng 500.000 USD trên thị trường chợ đen, nhà chức trách nhận định.

Hải quan Pháp cũng thu giữ 4.231 cổ vật

SMITHSONIAN

Nhân viên hải quan Pháp cũng thu giữ 4.231 cổ vật bao gồm chuông, khóa, nhẫn và mảnh gốm bị một cá nhân cướp đoạt khỏi các địa điểm khảo cổ. Nhân viên Cục Hải quan và biên phòng Mỹ đã chặn được một lô hàng có 13 hiện vật cổ của Mexico, một số có niên đại từ thời Aztec (khoảng năm 1300 - 1521), bao gồm một đầu lâu và hai chiếc rìu.

Tháng 5.2021, Interpol ra mắt ứng dụng trên điện thoại thông minh ID-Art cho phép người dùng tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu khổng lồ của hơn 52.000 tác phẩm nghệ thuật bị mất tích và xác định các tác phẩm bị cướp.

Trước đó, vào tháng 5.2020, Interpol thông báo hai chương trình Athena II và Pandora IV đã thu hồi thành công 19.000 cổ vật từ 103 quốc gia.

Tháng 9.2022, chính quyền thành phố New York (Mỹ) trả lại 58 cổ vật bị cướp đoạt cho Ý trị giá 19 triệu USD, theo Reuters. Nhiều món đồ cổ được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (New York) trong nhiều năm, bao gồm bức tượng The Marble Head of Athena, trị giá ước tính 3 triệu USD.

Cây bút Taylor Dafoe của trang Artnet News viết: “Đây là hồi chuông cảnh báo rằng khi tiếp cận cổ vật, người mua nên cẩn thận”. (còn tiếp)

Chuyện cổ vật hồi hương

Ai Cập thu hồi cổ vật bị đánh cắp

Hy Lạp căng thẳng với Anh về thu hồi cổ vật

Tỉ phú trả lại cổ vật cho Trung Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.