“Đất nước mạnh về kinh tế, cổ vật dễ được thu hồi”
Hoàn cầu Thời báo dẫn số liệu thống kê từ Học viện Di tích văn hóa Trung Quốc sau Chiến tranh nha phiến lần 1 (1840) có đến hàng triệu cổ vật bị thất lạc, nằm trong các bộ sưu tập cá nhân ở nhiều nước. Trong những năm gần đây, Trung Quốc thu hồi thành công ngày càng nhiều bảo vật bị mất bằng cách áp dụng nhiều phương pháp.
Một trong 361 bộ di vật văn hóa của Trung Quốc được Mỹ trao trả năm 2019 |
CHINA DAILY |
“Lý do quan trọng nhất khiến nhiều cổ vật hồi hương trong những năm gần đây là do sức mạnh kinh tế của Trung Quốc được nâng cao”, Hoạch Trịnh Tân, giáo sư luật kiêm phó chủ nhiệm khoa Luật quốc tế tại Đại học Khoa học chính trị và Luật Trung Quốc cho biết, theo trang News. “Nếu đất nước mạnh về kinh tế, cổ vật dễ được thu hồi. Nhưng nếu đất nước nghèo khó, các di sản văn hóa sẽ bị phân tán”, ông Hoạch xác nhận.
Vào tháng 3.2019, cơ quan quản lý di tích văn hóa của Trung Quốc nhận thông tin một bộ 8 đồ dùng bằng đồng cổ đang được bán đấu giá ở Nhật Bản được cho là nhập khẩu bất hợp pháp từ Trung Quốc. Chỉ mất 5 tháng để Trung Quốc thu hồi bộ đồ đồng cổ này.
Bộ 8 đồ dùng bằng đồng cổ được Nhật Bản trả về Trung Quốc vào năm 2019 |
XINHUA |
Một điểm nổi bật khác là Trung Quốc đang tích cực ký kết các hiệp định song phương về bảo vệ và trao trả các di vật văn hóa với các nước để mở đường cho việc hồi hương cổ vật.
“Các thỏa thuận song phương thường được nhắm đến mục tiêu đồng thời xác định con đường cụ thể hơn để hợp tác thực thi pháp luật”, ông Hoạch cho biết.
Du khách xem tác phẩm điêu khắc đầu lợn bằng đồng quý hiếm thuộc bộ sưu tập đầu của 12 con giáp từng trang trí tại đài phun nước ở Cung điện Mùa hè, Bắc Kinh |
CHINA PHOTOS |
Đến nay, Trung Quốc đã ký 23 thỏa thuận song phương với các quốc gia bao gồm Ý và Hy Lạp - xuất xứ của nhiều cổ vật và Mỹ, Úc - nơi mua chúng nhiều nhất.
Các phương pháp được sử dụng để thu hồi cổ vật
Một số cách phổ biến để Trung Quốc theo đuổi việc thu hồi các di sản văn hóa đã mất: quyên góp, hợp tác thực thi song phương, khởi kiện xuyên quốc gia, đàm phán ngoại giao và mua lại.
Với tư cách là một trong những siêu cường toàn cầu, Trung Quốc đã quyết đoán trong nỗ lực thu hồi những cổ vật trong thời kỳ mà họ gọi là “thế kỷ xấu hổ” (1850 - 1950). Trong thời kỳ tồi tệ đó, quân đội Anh - Pháp đã cướp phá Cung điện Mùa hè bên ngoài Bắc Kinh vào năm 1860. Việc thu hồi các vật phẩm bị lấy đi trở thành công việc quan trọng của Trung Quốc.
Một phần trong số 796 bộ cổ vật được Ý trả về Trung Quốc vào năm 2019 |
CHINA NEWS service |
Tuy nhiên, việc mua lại cổ vật ngày càng trở nên khó khăn hơn do một số tổ chức bán đấu giá các món đồ cổ theo cách truyền thống, do đó tạo ra các cuộc chiến giá cả trên sàn đấu giá.
Đầu 7 con giáp bằng đồng bị Lực lượng Đồng minh Anh - Pháp cướp phá vào năm 1860 được gia đình tỉ phú Pháp Pinault mua lại từ một nhà sưu tập tư nhân có giá khoảng 18 triệu USD mỗi chiếc, tăng hơn 10.000 lần kể từ cuộc đấu giá đầu tiên vào năm 1987. Năm 2013 gia đình Pinault đã trả lại Trung Quốc đầu 7 con giáp này và được trưng bày tại một cuộc triển lãm ở Bắc Kinh ngày 13.11.2019, theo Reuters.
Đa số cổ vật không xuất hiện ở bảo tàng phương Tây. Thay vào đó, chúng được lưu giữ bởi những người thợ lặn hay được truyền lại, giống như rất nhiều chiến lợi phẩm của chiến tranh, dọc theo các nhánh khác nhau của gia phả dòng họ.
Cứ vài năm, một di vật sẽ bất ngờ xuất hiện trên thị trường nghệ thuật quốc tế, sau đó được “những người bạn” đáng kính của đất nước mua lại. Họ thường là những nhà kinh doanh và sau đó biến cổ vật thành một khoản quyên góp cho đất nước. Trong số những nhân vật nổi tiếng này, có ông trùm sòng bạc - tỉ phú Hà Hồng Sân (Stanley Ho).
7 chiếc đầu thú bằng đồng của Cung điện Mùa hè bị cướp phá vào năm 1860 được trả lại cho Trung Quốc và trưng bày tại một cuộc triển lãm ở Bắc Kinh ngày 13.11.2019 |
vcg |
Những chiếc đầu thỏ và chuột bằng đồng trong Cung điện Mùa hè (Bắc Kinh) bị cướp phá vào năm 1860 đã trở về Trung Quốc thông qua quyên góp. Một lô đồ trang sức bằng vàng lá triều nhà Tần (221 - 206 trước Công nguyên) xuất khẩu bất hợp pháp vào đầu những năm 1990 đã được hồi hương từ Pháp vào năm 2015 thông qua thương lượng ngoại giao. Tổng cộng 361 bộ di vật văn hóa Trung Quốc được FBI phát hiện từ một nhà sưu tập Mỹ được trao trả vào năm 2019 thông qua hợp tác thực thi song phương giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Để theo đuổi các di sản văn hóa bị đánh cắp và buôn lậu trong thời hiện đại, chúng tôi sử dụng pháp lý. Với các cổ vật bị mất cách đây hàng trăm năm, chúng tôi có thể sử dụng những cách linh hoạt hơn, chẳng hạn như thương lượng”, ông Hoạch nói. (còn tiếp)
Chuyện cổ vật hồi hương
Bình luận (0)