(TNO) Câu chuyện bắt đầu khi bạn của tôi nhìn thấy thông tin về Châu trên facebook. Anh thực sự rất quan tâm đến việc Châu đang tìm kiếm người thân ở Việt Nam. Câu chuyện của Châu Dương với khát khao tìm lại người thân đã thực sự kết nối chúng tôi cùng rất nhiều người khác nữa...
>> Những đứa trẻ "babylift" trở về đất mẹ
>> Babylift - Ngày trở về
|
Dòng tin khắc khoải
Cùng với sự giúp đỡ của những người bạn Việt Nam khác, Châu đã giới thiệu về mình trên trang facebook mang tên Châu Dương như sau: “Tôi tên là Dương Thị Bửu Châu, sinh ngày 26.6.1974 ở Thạnh Mỹ Tây, Gò Vấp, Gia Định (cũ) bây giờ là một phường ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, Việt Nam. Tôi đã từng sống ở trại trẻ mồ côi Hội Dục Anh (bây giờ là trụ sở của Hội người mù TP.HCM, địa chỉ 185 Cống Quỳnh, quận 1) một thời gian trước khi tôi được cha mẹ nuôi đưa về Thụy Sĩ vào tháng 4 năm 1975.
Tôi không hề biết ai đã tìm thấy tôi và mang tôi vào trại trẻ mồ côi, và vào lúc nào. Chính vì vậy, ngay cả tên, ngày tháng năm sinh và nơi sinh cũng không hề chắc chắn 100% là chính xác. Người ta chỉ kể lại rằng những thông tin trên được dán trên người tôi khi tôi được ai đó tìm thấy và đưa vào trại trẻ mồ côi.
Trong quá trình tìm kiếm bà con huyết thống của mình, tôi cũng cầu mong rằng những người trên trong hình có thể sẽ được nhận dạng. Chẳng hạn người phụ nữ trong hình bế tôi trên tay, hoặc là những người khác chụp chung hình với tôi trên các tấm hình khác. Các bạn hãy làm ơn giúp tôi bằng cách bấm vào “Like/Thích“ để thông tin này được tuyên truyền rộng rãi và được nhiều người chú ý. Với cách này tôi hy vọng thông tin về cuộc tìm kiếm huyết thống của tôi sẽ được lan truyền mọi nơi trên thế giới với hy vọng rằng ai đó sẽ có thể biết bất kỳ điều gì về nguồn gốc của tôi. Chân thành cám ơn sự ủng hộ của các bạn”.
Thông tin này sau đó đã được Châu gửi đăng trên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), trên Fanpage của báo Thanh Niên (bằng tiếng Việt), trang Pinterest (bằng tiếng Anh). Cô cũng bày tỏ trên “facebook Châu Dương” ý định về Sài Gòn để bắt đầu hành trình tìm kiếm người thân của mình.
Câu chuyện ngày trở về
Chúng tôi gặp gia đình Châu ở Sài Gòn vào một buổi tối mưa dầm giữa tháng 8.2014. Châu bảo cô có 4 tuần ở Sài Gòn để tìm kiếm người thân. Đi cùng Châu là chồng (anh Marc Haakert) và con gái 7 tuổi (cô bé Anastasia, tên thường gọi Ana). Hiện nay gia đình nhỏ của cô sống ở Đức (quê của anh Marc Haakert), còn ông bà Jurg Braun và Valery Ruth Braun, cha mẹ nuôi của Châu, vẫn sống ở Thụy Sĩ.
Châu có dáng người cao và cân đối, ăn mặc giản dị, đeo kính cận và tóc cắt ngắn. Vốn đang làm việc trong ngành tài chính, Châu có vẻ rất điềm đạm. Chồng và con gái của Châu rất ủng hộ chuyến đi này của cô. Cô bé Ana trông thật hồn nhiên và thông minh, cô bé nhanh như con sóc, luôn líu lo mọi chuyện với mẹ về những thứ cô bé nhìn thấy trên đường phố Sài Gòn.
Và điều kỳ diệu là khi đến Sài Gòn, nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, Châu đã thuê được căn hộ nhỏ đối diện với trụ sở của Hội Dục Anh cũ, nằm trên đường Cống Quỳnh, quận 1. Cô muốn nhìn thấy nhịp sống hằng ngày trôi qua trên con đường nơi cô từng sống trong năm đầu tiên của cuộc đời.
Do rời khỏi Việt Nam khi mới 9 - 10 tháng tuổi, Châu không nói được tiếng Việt, nhưng may mắn cô đã quen với nhiều người bạn Việt Nam đang sống ở nước ngoài hoặc biết tiếng Anh, họ sẵn lòng giúp đỡ Châu. Châu đã đưa tôi xem lá thư của một chị bạn thân người Việt Nam đang sống ở Đức tên Tiêu Thu Thanh. Chị Thanh đã viết bằng tiếng Việt thông tin về Châu như sau: “Bạn thân là Dương Thị Bửu Châu, sanh 26.6.1974 tại Thạnh Mỹ Tây, Gò Vấp, Gia Định, Việt Nam, là cô nhi từng sống ở cô nhi viện Dục Anh, nay là 185 Cống Quỳnh, Việt Nam. Ngày 14.11.1974, cô Châu được vợ chồng ông bà Jurg Braun và Valery Ruth Braun quốc tịch Thụy Sĩ nhận làm con nuôi. Ngày 14.2.1975 cô Châu có giấy khai sanh mới mang tên Sandra Dominique Braun".
Trong ánh đèn vàng của một quán cà phê Trung Nguyên trên đường Phạm Ngũ Lão, mà Marc chồng Châu gọi là "Starbucks Việt Nam", tôi nhìn thấy vẻ mặt Châu thật an nhiên, bình thản. Châu trông trẻ hơn so với hình ảnh trong facebook Châu Dương. Cô chăm sóc Ana như một người bạn thân và bảo với chúng tôi: Ana là con gái nuôi, giống như Châu là con gái nuôi của cha mẹ. Nhưng khác với Châu, Ana biết cha mẹ ruột của mình và chúng tôi có thể gặp họ.
Thật ngạc nhiên! Khi tôi hỏi: Chừng nào Châu muốn có đứa con do chính mình sinh ra? Châu đã trả lời ngay: Châu không muốn, vì Châu và chồng đều nghĩ một đứa con nuôi là đủ. Vì cha mẹ nuôi đã tạo điều kiện rất tốt cho Châu, Châu muốn mình cũng tạo điều kiện tốt cho Ana giống như họ.
Có vẻ như bằng cách này, Châu muốn trả ơn cha mẹ nuôi của mình. Cô luôn nhắc đến cha mẹ nuôi với lòng kính trọng, vì họ đã yêu thương và chăm sóc cô chả khác gì con ruột.
Vẫn chưa tìm thấy...
Cho đến khi tôi viết những dòng cuối cùng của bài viết này, Châu đã cùng anh Lê Công Toại tìm đến gia đinh của người phụ nữ đã bế cô trong ảnh. Châu vẫn chưa tìm thấy thông tin gì vì người phụ nữ bế cô trong ảnh đã mất. Mẹ của Toại nay đã lớn tuổi và vì lúc đó bà làm công việc chuyên môn là y tá nên cũng không nhớ Hội Dục Anh đã đón nhận Châu trong hoàn cảnh nào.
Toại cũng giúp cô đi đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh viện duy nhất trong vùng Thạnh Mỹ Tây, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định ngày đó, để xin lục hồ sơ sanh em bé vào tháng 5 - 6.1974, nhưng ở đó họ trả lời: Chỉ giữ hồ sơ sanh trong vòng 10 năm thôi. Nếu còn cũng không thể tìm được vì Châu không biết tên mẹ ruột của mình…
Những dòng thông tin và hình ảnh về thân thế mà Châu có trong tay thật mỏng manh, nhưng Châu vẫn luôn hy vọng điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Khi đọc những dòng này, nếu bạn có bất kỳ thông tin nào về người thân của Châu, xin hãy liên lạc với Châu qua facebook Châu Dương (https://www.facebook.com/profile.php?id=100008218380406) hoặc liên lạc với Châu qua địa chỉ: chauhcmc14@gmail.com.
|
Không muốn hối tiếc khi về già * Châu biết mình là con nuôi khi nào? - Khi còn rất nhỏ Châu đã biết, vì cha mẹ nuôi không giữ bí mật, không đợi Châu lớn mà luôn nói Châu là người Việt Nam và kể họ đã gặp Châu ở đâu, đón Châu về nhà khi nào. * Châu có thấy mình khác biệt so với mọi người xung quanh? - Luôn luôn, vì trong gia đình, ngoài Châu còn một anh trai hơn Châu 3 tuổi cũng là con nuôi của cha mẹ là người Bangladesh. Châu nhìn thấy mọi người trong nhà không giống nhau. Rồi cha mẹ làm việc ở hãng hàng không nên thường phải công tác ở những nước khác nhau, họ đều mang Châu và anh trai đi theo. Có năm sống ở Singapore, có năm sống ở Nigeria, có năm sống ở Argentina, sau đó mới về Thụy Sĩ. * Từ khi nào Châu có mong muốn về Việt Nam tìm kiếm người thân? - Lúc Châu lớn, năm 18 tuổi. Nhưng rồi có những chuyện khác khiến Châu tạm quên đi, nhưng rồi ý nghĩ đó cứ trở đi trở lại. Cách nay 13 năm (năm 2001) Châu đã cùng cha mẹ nuôi sang Việt Nam với ý định đó nhưng không tìm được thông tin gì hết. Bây giờ có sự giúp đỡ của nhiều người bạn Việt Nam, đặc biệt là anh Lê Công Toại (người có mẹ ruột từng làm việc ở Hội Dục Anh trước năm 1975 và từng quen biết người phụ nữ bế Châu trong ảnh lúc nhỏ) Châu mong muốn sẽ sớm tìm được người thân, bất kỳ ai, vì Châu không chắc ba mẹ ruột mình có còn sống hay không nữa… * Châu có nghĩ đến trường hợp là nếu chuyến đi này cũng thất bại như lần trước thì sao? - Châu đang làm hết mọi cách có thể. Nếu không tìm được ai thì vào năm Châu 70 tuổi, Châu cũng sẽ không phải hối tiếc vì đã không chịu làm gì đó khi còn trẻ (cười). * Châu có buồn giận chuyện người thân đã bỏ Châu vào nơi nuôi trẻ mồ côi? - Không. Vì Châu đâu biết chuyện gì xảy ra với họ lúc đó nên Châu không buồn, không giận. |
Thanh Thủy
>> Con tỉ phú Mỹ về Việt Nam tìm mẹ - Kỳ 1: Cuộc đoàn tụ bất ngờ
>> Con tỉ phú Mỹ về Việt Nam tìm mẹ - Kỳ 2: Tìm mẹ
>> Con tỉ phú Mỹ về Việt Nam tìm mẹ - Kỳ 3: Món quà đặc biệt
>> Khi những đứa con tỉ phú Mỹ về Việt Nam tìm mẹ
Bình luận (0)