Đó là ông Đoàn Văn Trung, 49 tuổi, chủ quán nước mía A Sáng trên đường Phan Văn Trị, cạnh đình Tân Lân bên bờ sông Đồng Nai. Ông Trung được nhiều người ở Biên Hoà, đặc biệt là trong giới giang hồ biết đến với tên Chín Sáng, từng là “dân anh chị” có máu mặt ở xóm Lò Heo (nay là khu phố 2 Hoà Bình) một thời “quậy” khét tiếng. Với thân hình cao to, đen sạm, xăm trổ dày đặc lộ ra khắp hai cánh tay, Chín Sáng có bộ dạng trông rất… “ngầu”. Thế nhưng ít ai biết, ông chủ quán nước mía này bị rối loạn tiền đình kinh niên và mắc bệnh tiểu đường đã 7 năm.
Ông Đoàn Văn Trung, 49 tuổi, chủ quán nước mía A Sáng trên đường Phan Văn Trị, cạnh đình Tân Lân bên bờ sông Đồng Nai |
tgcc |
Chín Sáng cũng như vợ con ông biết rất rõ là có bệnh nền mà dính Covid là rất nguy hiểm; nhưng ông vẫn quyết lao vào trận, vì “Thấy tội quá! Trước tình cảnh ai cũng sợ ló đầu bịnh chết, nhiều nhà không còn gì để ăn, phải chịu nhịn đói, tôi thấy mình phải cứu giúp họ!”, ông Chín Sáng nói.
Ngoài việc xuất tiền nhà, lên tiếng kêu gọi bạn bè, người thân hỗ trợ ông Chín Sáng đã nhanh chóng tập họp được hàng trăm thùng mì gói, cả đống sữa, gạo… nhiều đến phải mượn cả kho của đình để chứa hàng cứu trợ. Với uy tín của một “đại ca” chỉ cần lên tiếng là có cả đám đàn em phụ giúp, nhưng ông Chín Sáng cứ một mình chạy xe gắn máy hoặc xe ba gác vượt qua cả trạm kiểm soát mang hàng cứu trợ đến cho từng nhà đang bị cách ly, cả những người trong diện F0, F1, không những trong phường Hoà Bình mà cả ở Bình Thiền, Bửu Long, Bến Cá…
Ông Chín Sáng cho rằng: “Kêu em út được nhưng thấy tụi nó có gia đình, lỡ dính Covid thì tội, nên một mình mình phải làm hết mọi việc. Cùng với việc cung cấp lương thực, ông Chín Sáng bỏ tiền ra mua thuốc sát trùng, tự mang bình đi khắp địa bàn phường xịt ngày 2 lần. Đặc biệt là mua gần 1.000 lọ thuốc cảm Telynol sớt ra cho mỗi người trong phường nửa lọ để uống ngừa Covid.
Đang lúc phong tỏa ngặt nghèo trong toàn thành phố, ông Chín Sáng biết tin có một công nhân nhập cư bên Tân Hạnh đang rơi vào tình cảnh: vợ chết bỏ lại đứa con nhỏ và bà mẹ già ở quê lên đang… không còn gì trong nhà trọ để ăn, ông lấy tư cách là “nhân viên tuyến đầu chống dịch” từ phường Hoà Bình băng sông Đồng Nai qua Tân Hạnh tìm cách gặp cho được anh công nhân đang khốn khó này để cho gạo, mì, sữa và 5 triệu đồng tiền mặt.
Tính ra trong 7 ngày tham gia tuyến đầu chống dịch của phường Hoà Bình, ông chủ quán nước mía A Sáng đã chi và huy động sự ủng hộ được hơn 500 triệu đồng để mua gạo, mì, sữa, thuốc… cứu giúp cho nhiều hoàn cảnh khó khăn. Và người đứng tuyến đầu có bệnh nền mãn tính này đã từ 73 kg đến khi dỡ cổng phong tỏa đã sút mất 8 ký lô; do mới 6 giờ sáng đã bắt đầu làm công việc phòng chống dịch, chở hàng cứu trợ, đêm về lại dẫn “quân” đi canh gác, kiểm tra.
Nhiều người ở Biên Hoà còn nhớ: 10 năm trước, khi một trận hoả hoạn xảy ra trong hẻm 15 của xóm Lò Heo làm thiêu rụi 11 căn nhà, sau khi tham gia chữa lửa không thành, Chín Sáng đã ủng hộ 100 bao xi măng, 11 thiên gạch và vận động ủng hộ được 132 triệu đồng, góp phần quan trọng vào việc xây mới dãy nhà khang trang, kiên cố cho các gia đình nạn nhân. Lãnh đạo phường cũng như các kỳ lão trong ban tương tế phường Hoà Bình cho rằng: “Chúng tôi cũng không làm được như vậy!”. Còn ông chủ nước mía Chín Sáng thì nghĩ rất đơn giản: “Sống ở đây từ nhỏ và từng phải trải qua cảnh nghèo, bây giờ lại chứng kiến những người lao động nghèo đi làm hồ, chạy xe ôm, xe ba gác… lâu nay chạy ăn từng bữa rất vất vả, khó khăn; giờ lại còn rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, tôi buồn và thương cho số bà con bất hạnh này quá nên khi chữa cháy không kịp đã về nhà bàn với vợ… tìm cách giúp đỡ”.
Đã trải qua cảnh khốn khó đói nghèo như thế, nay thấy bà con mình đã nghèo còn gặp hoạn nạn, anh "thương quá nên nghĩ bụng “mình mất mặt một chút mà bà con được nhờ thì cũng đáng", bèn đứng lên đi xin tiền tiếp... |
tgcc |
Khá đặc biệt, trong số 126 người ủng hộ sự vận động của Chín Sáng, không chỉ là tiểu thương, chủ doanh nghiệp, đại gia…mà có cả bà con bán cá và Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy. Nhưng việc vận động cũng không phải dễ. Ông Chín Sáng thổ lộ: “Hầu như bà con nào nghe tôi đặt vấn đề xin tiền cứu trợ các gia đình bị hỏa hoạn, ai nấy đều vui lòng ủng hộ, kẻ ít người nhiều. Nhưng cũng có trường hợp nghe tôi vừa mở miệng thì có người “nặng nhẹ” ngay: Bộ mày rảnh lắm sao mà đi làm chuyện bao đồng như vậy. Chuyện đó có nhà nước lo, mắc mớ gì mà mầy phải ngửa tay đi xin tiền dùm cho mất mặt!”. Nghe vậy tôi bực dữ lắm, bỏ về liền. Nhưng về đến nhà, ngồi nghĩ lại, thấy hoàn cảnh của những người bị cháy nhà tội nghiệp quá và nhớ lại hồi trước mình cũng nghèo, quen và thương vợ mình bây giờ nhưng gia đình phía bên đó không chấp nhận, vợ chồng mình phải nấu cháo bán để kiếm sống. Không có vốn để nấu cháo lòng đành nấu cháo huyết bán tạm. Sau đó mượn tiền góp làm vốn cho vợ mua bán, còn mình ra bến xe làm bốc vác… Đã trải qua cảnh khốn khó đói nghèo như thế, nay thấy bà con mình đã nghèo còn gặp hoạn nạn, tôi thương quá nên nghĩ bụng “mình mất mặt một chút mà bà con được nhờ thì cũng đáng” bèn đứng lên đi xin tiền tiếp”.
Trước đó, Chín Sáng cũng là người đi đầu trong việc ủng hộ xi măng và xắn tay vào làm con đường từ miếu Bà Thiên Hậu vào xóm góp phần biến bàu rau muống lầy thụt thành khu dân cư khang trang, sạch đẹp. Đặc biệt hơn, ông cũng là người có mặt sớm nhất tại nhà của những người nghèo vừa qua đời trong xóm Lò heo. Ở những đám tang của “dân nhà héo” này, “đại ca” Chín Sáng thường đứng ra tài trợ và điều động đàn em lo mọi chuyện hậu sự một cách chu tất.
Bình luận (0)