Căn phòng nhỏ mà thầy Phú trọ, giờ thành lớp học cho thằng Miền. Nơi đây như một studio hòa nhạc vì đụng đâu cũng phát ra âm thanh. Đụng vào vách gỗ kêu lộp bộp. Sờ vào mái tôn kêu lanh tanh như gõ lon sữa bò. Dưới sàn nước triều liếm cát gặm cột nhà kêu rí rách hay ồm ộp như tiếng thở của con ễnh ương. Nhưng âm thanh vang nhất vẫn là tiếng đánh vần của thằng Miền. Có lẽ để nuốt được những con chữ kỳ dị này vào bụng với nó còn khó hơn nhai con ghẹ lởm chởm gai.
Thầy Phú quen thằng nhỏ này tình cờ một lần lúc đi tắm biển khi mới tới trọ ở xóm Chồ. Phú bị chuột rút. Đang chới với thì chính thằng bé này đang ngồi trên chiếc thúng chai đã nhảy xuống kéo vào bờ gọn gàng như lôi một con nhái! Khi kéo Phú lên bờ, nó mắng: “Sao ông không biết bơi mà đòi tắm ở húm nước này, có ngày chết đó!”.
Để cám ơn nó, thầy Phú đã đi mua mấy quyển truyện thiếu nhi tặng nó. Nhưng khi đưa cho nó thì y như đưa một con rắn. Thằng bé xua tay, lắc đầu tính bỏ chạy. Thầy Phú ngỡ ngàng, nghĩ rằng mình làm điều gì để nó sợ, nên năn nỉ: “Thầy cho em đó, truyện đọc hay lắm!”. Thằng bé vẫn lắc đầu, tay phủi phủi vào bụng như phủi bụi. Mãi sau này lúc gặp mẹ nó - chị Hương rơm rớm nước mắt nói vừa đủ cho thầy nghe: “Nó không biết chữ thầy à!", thầy Phú bàng hoàng như cú choáng nước hôm qua của mình.
Thằng Miền mồ côi cha từ khi chưa sinh. Ba nó làm nghề đi ghe mướn. Trong một cơn bão, ba nó đã mất tích cùng cả con tàu. Khi nó vẫn còn trong bụng mẹ.
Vì sao thằng Miền không đi học? Mẹ và nó lặng thinh.
Ảnh minh họa |
shutterstock |
“Thầy dạy cho em học đọc được sách nhé!”. Vừa nghe thế thằng Miền liền ném cái bắp nướng mà thầy Phú mới đưa cho chưa gặm hạt nào, chạy vụt ra bãi cát biến mất như con còng gió. Rồi sau đó suốt mấy ngày thầy Phú cũng không sao tìm được nó. Nhiều lần thầy vẫn lang thang trên bờ cát đi dò trong những ngôi nhà tìm thằng bé như con mèo già buồn bã tìm con chuột nhắt láu cá.
***
Do hoàn cảnh gia đình khốn khó mà Phú tốt nghiệp sư phạm ra trường đã ngoài 30. Nhiều lần xin dạy hợp đồng ở quê nhà: ra đảo, lên rừng, vào xóm nhỏ… nhưng mỗi lần tinh giảm biên chế là anh thầy giáo Phú đều "ra đường" đầu tiên. Phú bỏ quê hương vào thành phố kiếm sống.
Tới xóm Chồ ở cuối thành phố, Phú thuê gian phòng nhỏ như hộp diêm ọp ẹp giá chỉ mấy trăm nghìn một tháng. Ở đây ai cũng nghèo, thêm một thầy giáo thất nghiệp đen đúa nữa cũng không sao.
Cuối cùng, qua ông Tư Phú cũng tìm được “con dông cát” - thằng Miền. Thì ra nhiều ngày qua nó trốn ở bãi biển gần khoảnh rau muống biển xanh rì trên bờ cát.
Nhưng gặp được nó không dễ. Có lần vừa thấy nó đang đứng ở bãi, Phú chạy tới nó đã nhảy vụt lên ghe ông Tư dong ra biển, để cho người thầy đứng ngẩn tò te như con dông cát nhìn cào cào bay trước mũi.
Qua chị Hương, Phú biết thằng nhóc rất thích đi bẫy dông cát. Chà! Cái món này có khó gì vì ở quê Phú đã nhiều lần leo lên đồi cô đơn để đào dông rồi.
Khi thấy thầy Phú cầm một mớ bẫy dông tới, mắt thằng Miền sáng rỡ. Nó quên mất rằng chính nó cũng như con dông cát đang bị con cào cào xanh lừa. Hai thầy trò lần mò ra trảng cát nơi lầu ông Tư. Nơi đây rau muống biển bò mênh mông xanh thẳm tới tận sóng biển. Rồi tìm từng lỗ hang để đặt bẫy.
Chờ dông ăn mồi. Hai thầy trò nằm trên thảm rau muống biển xanh giòn như hai đứa trẻ vu vơ nhìn biển nhìn trời. Thầy Phú kể những chuyện về những cuộc thám hiểm trên biển. Thằng Miền mắt sáng lên, không hiểu vì sao từ nơi thầy lại có nhiều câu chuyện hay thế. Nhưng trong lúc cài chuyện, thầy Phú chỉ nói bóng gió là cần học để đọc là thằng nhóc nhỏm dậy chạy vụt về nhà, bỏ mặc cho ông thầy cùng mớ bẫy với những con cào cào đang giẫy giụa trong nắng.
***
Vừa gặp thầy Phú, thằng Miền đã chạy vụt về rồi quay lại với một xâu mấy con dông thềm to như cán dao béo lẳn: “Ông thầy, cho ông thầy mấy con dông con bắt nè. Thầy đem tẩm ớt nướng ăn cho vui!”. Phú vui mừng vì lâu mới thấy nó thân thiện với mình: “Thôi em đem về nhà cho mẹ làm ăn đi, thầy không rảnh để làm đâu!”. Thằng bé không thèm nói gì thêm liền treo cả xâu lên móc trước cửa nhà nơi thỉnh thoảng có lá thư tờ báo của mấy tòa soạn gửi biếu vì đã đăng thơ thầy. Phú tần ngần rồi cầm xâu dông đi đến nhà ông Tư.
Nhâm nhi món dông nướng ớt cay xè thơm lừng, ông Tư mới khề khà: “Tui biết ông thầy đang buồn việc chưa dạy cho thằng Miền cái chữ phải không, để tôi bày cho một mánh”.
Phú nói dối mình không biết bơi, nhờ thằng Miền dạy bơi lặn. Cu cậu gật đầu cái giật rất hả hê như một người thắng trận độ bóng đá. Từ đó sáng nào Phú cũng lũn cũn ôm cái khăn cũ ra hũm nước hôm trước học bơi với "thầy Miền". Dù biết bơi nhưng Phú giả bộ cứng chân, thẳng tay ngụp lặn lụp bụp như con chó bị ném xuống biển để cậu nhóc dạy.
Cho đến một ngày trò Phú bơi thành thạo, lúc lên bờ “trò học bơi” mới nói: “Như vậy là nhờ có thầy tui mới biết bơi, từ nay không ai xài xể nữa. Vậy tui trở lại học chữ cho “thầy” nghe”. Thằng Miền gật đầu nhe răng cười.
Chuyện thầy Phú tận tình dạy thằng Miền học chữ cũng râm ran trong xóm Chồ. Mấy bà bán ốc chồm hổm cùng mấy cô đi bán ghẹ rong thì thào: “Ông thầy Phú để ý cô Hương nên chăm chút thằng nhỏ ghê!”. Có bà còn chêm thêm mắm muối vào: “Lão Bảy Nháy chủ ghe lường từ lâu đã nhăm nhe chút chít con Hương làm lẽ cũng vẻ hậm hực với ông thầy giáo đó, mệt ghê. Dạy thì lo dạy còn thêm trò tăm tia làm chi?”.
Chuyện tới tai Phú, anh lặng thinh ngồi im trong phòng mình như ngồi thiền nhìn con tắc kè mắt lồi xanh lè đang nhìn mình không chớp.
Từ đó Phú rất ngại nhận những túi cá do thằng Miền đem lại hay đích thân chị Hương đi qua gửi. Hóa ra chuyện đơn giản mà cũng ì xèo từ tai nọ sang tai kia ở cái xóm này. Ban đầu Phú tính chuyển chỗ trọ nhưng thấy chưa ổn vì thằng Miền học còn yếu. Phú phải bỏ bớt mấy cua gia sư để tập trung dạy nó cho xong. Để tránh tiếng, Phú lôi thằng bé ra bãi muống biển học. Thầy trò lật úp cái thúng, hì hụi làm bàn học.
***
Thằng Miền nhảy từ trên thúng ông Tư xuống cát, tay cầm xâu tôm tít to ú, chạy đến nhà thầy Phú nhưng căn phòng đã trống hoác. Bà Năm chủ nhà nói:
“Thầy đã đi rồi, à thầy gửi mày lá thư cùng chồng sách tao để trong phòng kìa!”.
Cậu học trò cầm lá thư với nét chữ to bự chảng, chắc thầy nghĩ cần viết to để nó dễ đánh vần.
“Chào Miền! Thầy xin tạm biệt trò! Thầy đã xin đi dạy học ở Trường Sa. Thầy về quê thu xếp chuyện gia đình để tuần tới thầy ra cảng đi cho kịp chuyến tàu. Thầy chúc em ở lại mạnh giỏi. Hẹn gặp lại chàng thủy thủ Simbat”. Thầy nhắc đến chàng thủy thủ trong truyện cổ tích “Nghìn lẻ một đêm” vì thằng Miền thích xem bộ phim này và ước ao sau này sẽ chu du như chàng đó.
Thằng Miền ngồi lặng thinh trên bãi muống biển mênh mông. Nó như con dông cát đầy cô đơn nhìn biển.
(Mến tặng thầy P. dạy trường TH Song Tử Tây - Trường Sa)
Bình luận (0)