Những mùa xanh ngọt - Truyện ngắn dự thi của Phạm Thanh Thúy

06/11/2022 08:30 GMT+7

Khi con suối giữa cánh đồng bắt đầu ngậm nước lũ từ thượng nguồn về, thì trên những thửa ruộng vuông vắn của cánh đồng Đông Phong, mía đã phủ xanh ngan ngát.

Sâm bâng khuâng trước màu xanh ngọt ngào ấy, lòng cũng đầy nuối tiếc một màu xanh khác, là những ruộng cam, những đồi cam năm trước còn ngời ngợi. Chỉ sau một mùa khô, cam biến mất đồng loạt như thể bị gột sạch khỏi mặt đất bởi một bàn tay khổng lồ nào đấy. Và mía đã trở lại nơi nó từng thuộc về.

Bóng một người đàn ông đội nón lá thập thững từ ven suối đi lên khiến Sâm ngần ngại, nửa muốn đón đường chào hỏi ông ta, nửa muốn bỏ đi, không đối mặt. Người đàn ông ấy gợi Sâm nhớ đến những chuyện mà anh muốn quên.

Nghĩ lại, thì trước khi ông ấy nhìn thấy mình, Sâm vội rẽ vào một con ngõ nhỏ để tránh. Lúc này chào hỏi ông ta cũng tốt, ít ra Sâm có thể biết thêm một số chuyện trong thời gian mình đi vắng khỏi làng. Nhưng nếu ông ta hỏi trong thời gian qua Sâm đã sống ra sao, Sâm biết trả lời thế nào. Sự hổ thẹn và hối hận còn khiến Sâm day dứt.

Minh họa: Tuấn Anh

Ông ta, người đầu tiên mang cây mía tím về làng, rồi chỉ trong vòng năm, sáu năm, mía đã phủ xanh khắp các cánh đồng, đồi núi Đông Phong. Người làng ban đầu tất nhiên không ai tin ông. Trước nay họ chỉ trồng trong vườn nhà một đôi khóm mía để dỗ trẻ và giải khát.

Mang những khúc mía tím ruột mềm, ngọt lừ đến từng nhà trong làng, ông giải thích rằng khi ăn những khúc mía người làng trồng trong vườn nhà họ, ông thấy chúng thơm ngọt đặc biệt. Cho rằng thủy thổ Đông Phong hợp với cây mía, ông dùng quả đồi ngay sau nhà mà vốn trồng lúa nương để thử nghiệm. Tin tưởng thu nhập của mía sẽ cao hơn lúa nương nhiều. Và trong khi đợi chờ đám mía cho thu hoạch, ông đến từng nhà thuyết phục mọi người cùng bỏ lúa nương để trồng mía như ông.

Chao ơi! Khi đói, người ta có thể ăn cơm, chứ không ai ăn mía trừ bữa cả. Hơn nữa, ai tin ông, một ông già khó tính, chuyên bắt bẻ người ta từng đồng xu nhỏ. Một người keo kiệt như thế, thì lý gì chia sẻ điều hay ý đẹp với người khác. Có chăng ông ta muốn cả làng chết chùm, nếu dành đất trồng lúa cho mía.

Dạo ấy, cứ dăm ba ngày, vợ ông lại lu loa khóc lóc, rằng đồi mía thử nghiệm của gia đình bà bị trẻ phá. Mía còn non, chưa đủ độ ngọt, chúng cũng phá không tiếc tay. Ngờ rằng không phải chủ ý của trẻ con, nhất định có bàn tay người lớn điều khiển, trong các buổi họp thôn xóm ông ta đều lớn tiếng chỉ trích. Người làng chỉ cười, và sau mỗi lần ông ta chỉ trích trong buổi họp, là hôm sau mía nhà ông ta bị phá nhiều hơn.

Một trong những kẻ phá mía năm ấy là Sâm. Hồi đó Sâm chỉ là một đứa trẻ, người lớn xui thế nào thì làm thế ấy. Vả lại, đi phá phách cùng một nhóm trẻ nghịch ngợm thì cũng là một niềm vui, giống như chơi trò đánh trận, cũng có người canh gác, người thực hiện và thu chiến lợi phẩm. Cuối cùng, ông ta phải dựng một cái chòi cạnh đồi mía, cử hai người con trai đêm đêm thay nhau ra chòi ngủ để canh gác.

Thế rồi, khi đồi mía gia đình ông vất vả chăm sóc và bảo vệ đến tuổi thu, ông ta và các con chặt mía, bó thành từng bó chở ra chợ xã ven quốc lộ bán. Khách ngược xuôi theo tuyến đường Đông Tây dừng lại mua, họ truyền tai nhau, rồi có cả xe tải vào tận làng hỏi mua mía.

Cả làng trồng mía, rồi như một phép màu, mía trồng bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Thương nhân vào tận ruộng đặt mua từ lúc mía còn cao ngang bụng người lớn. Thấm thoắt đã mười bảy năm, cả làng chỉ dành một cánh đồng nhỏ phía đông để trồng lúa, còn lại đất dành cho mía hết. Những ngôi nhà ngói ba gian được thay thế bằng những ngôi nhà nhiều tầng hiện đại, xe máy, ô tô dập dìu vào ra. Làng thay da đổi thịt, chỉ ông ta không thay đổi. Giàu có, nhưng ông ta vẫn khó tính, vẫn đòi làm cho ra nhẽ những chuyện gian lận tiền bạc nho nhỏ của vài người xấu tính trong làng. Mà những chuyện đó, thường thì mọi người sẽ cho qua, có gì đáng để bận tâm khi ai cũng đang giàu lên rồi.

Sáu năm trước, một cuộc cách mạng xanh tràn về làng. Người khởi xướng chính là Sâm. Cách con sông lớn nước xanh trong ăm ắp, Tây Phong trĩu ngọt những vườn cam. Cam V2, cam lòng vàng Tây Phong đã xây dựng thương hiệu thành công. Mỗi cân cam Tây Phong có giá cao gấp đôi cam ở các vùng khác, thế mà chẳng năm nào chịu ế cả.

Cùng ăn nước một dòng sông, tại sao Tây Phong lại xây dựng thương hiệu cam nổi tiếng, để khi nhắc đến cam, vua biết mặt, chúa biết tên, mà mía Đông Phong thì dẫu làm giàu cho dân làng, lại chẳng nổi tiếng nhường ấy. Hơn nữa, làm cam nhàn hơn làm mía nhiều. Thế mà bấy lâu dân Đông Phong sao chẳng ai nghĩ đến chuyện đưa cam về đất Đông Phong cả.

Không cần bàn bạc với ai, Sâm đặt mua mấy trăm cây bưởi rừng con đem về trồng trên những thửa ruộng, mảnh nương nhà mình. Năm sau, bưởi lớn đến thắt lưng, Sâm thuê người sang Tây Phong mua mắt cam về ghép, rồi chăm sóc cam đúng quy trình đã học hỏi ở bên đó. Ông ta gặp Sâm, khuyên rằng tuy cùng một dải đất, cùng một dòng sông chảy qua, nhưng thổ nhưỡng Đông Phong hợp với mía, không hợp với cam. Đừng dại dột đổ hết vốn liếng vào cam thử nghiệm như thế, thất bại là cái chắc.

Sâm vô cùng khó chịu về lời khuyên đó. Ai mời ông ta khuyên mà khuyên giải cơ chứ. Mười bảy năm trước ông làm một cuộc cách mạng kinh tế cho dân làng, lẽ nào mười bảy năm sau không có người dám tiên phong làm mới. Người ấy sẽ là Sâm.

Năm ấy, và năm tiếp theo, giá cam Tây Phong cao chưa từng thấy. Lễ hội cam Tây Phong được tỉnh tổ chức rầm rộ. Điều đó càng khiến Sâm thấy có lý khi phát động một cuộc đổi mía thay cam ở làng. Và, cả làng hưởng ứng.

Vụ cam đầu tiên vàng rực ngọn đồi khiến Sâm và dân làng háo hức. Nhưng ác thay, năm đó cam rớt giá thê thảm. Cam Tây Phong thương hiệu đình đám vẫn sống, nhưng Sâm không thể trà trộn cam của mình vào được. Hình thức và chất lượng của chúng khác nhau khá rõ rệt.

Năm sau nữa, đồng loạt các vườn cam, ruộng cam của cả làng trổ hoa, rồi quả cam chín vàng rực rỡ, hứa hẹn. Nhưng chính lúc sắp sửa vào vụ cam tết, vài gia đình trong làng khóc ngất khi chỉ sau một đêm, cam của họ bị đập rụng đầy mặt đất.

Ai có thể làm việc này ngoài ông ta và các con, khi cả làng trồng cam, ông ta vẫn trồng mía, và mối thù phá mía thử nghiệm năm xưa, biết đâu ông ta và gia đình chưa hề quên?

Sâm báo công an xã, nhưng không có bằng chứng, không thể khép tội ông ta được. Và cũng năm ấy, cam vẫn tiếp tục rớt giá, hơn nữa, chất lượng cam của Đông Phong vẫn không thể so bì với Tây Phong. Bấy giờ, dù còn căm tức ông ta, Sâm phải thừa nhận ông ta đúng: thổ nhưỡng Đông Phong hợp với mía, và có lẽ chỉ mía mà thôi.

Khi cả làng còn đang điêu đứng vì cam, vì dịch Covid, thì cơn sốt lan đột biến từ đâu lù lù kéo đến. Trong làng có đứa bán một giò lan mà mua được cả xe SH, nên cái cơn sốt lan đột biến lại sầm sập chui vào từng nhà. Chuyện gì đến cũng đến. Vỡ nợ cam, vỡ nợ lan, Sâm chỉ còn cách đi làm thuê cho một nông trại tận miền Trung.

Một năm trôi qua, đây là lần đầu tiên Sâm về làng. Mía đã phủ xanh nơi năm trước còn là cam. Không ai bảo ai, cả làng hiểu rằng chỉ có mía mới thủy chung với họ. Sâm nghe nói ông ta đã đứng ra cung ứng miễn phí mía giống cho cả làng. Từ đây, những mùa xanh ngọt lại bắt đầu.

Có những người như thế. Họ có thể hào phóng về việc này, nhưng khắt khe với việc khác. Họ không chỉ làm việc tốt, mà còn không cho việc xấu có cơ hội. Sâm chợt hiểu những điều này...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.