Mầm thiện ươm xanh - Truyện ngắn dự thi của Đào Thu Hà

23/10/2022 08:30 GMT+7

Cuộc điện thoại đã kết thúc một lúc lâu mà anh Thà vẫn ngồi thừ người trên ghế đá.

Anh tựa cằm lên chiếc ba lô quần áo ôm trước ngực, vầng trán hằn lên những nếp nhăn lo lắng. Đứa con trai lớn của anh mới gọi điện, ngập ngừng thông báo sắp vào năm học mới. Nó không dám hỏi thẳng nhưng anh hiểu, năm học mới sắp đến nghĩa là tiền sách vở, tiền đồng phục, tiền học phí, tiền quỹ lớp... Một đứa đi học số tiền phải lo đã kha khá. Huống hồ nhà anh có tới ba đứa. Vợ anh ở nhà, vừa chăm con, vừa cấy hái mấy sào ruộng, lúc nông nhàn thì ra chợ ai thuê gì làm nấy, kiếm ít tiền công thi thoảng mua cho con con cá, miếng thịt đổi bữa. Ở quê vất vả mà chẳng kiếm được mấy đồng nên anh theo người quen lên thành phố làm cái nghề này. Bình thường công cao, chi tiêu tằn tiện, mỗi tháng anh cũng để dư được một khoản kha khá gửi về cho vợ trang trải cuộc sống, cho con cái học hành. Đời anh vất vả, cực đủ bề mà vẫn không đủ ăn nên anh quyết tâm dù khổ thế nào cũng cho con cái học tới nơi tới chốn. Được cái ba đứa con của anh ngoan ngoãn, chịu khó học hành nên năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, năm nào cũng được chọn đi thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Mỗi lần con gọi điện khoe giấy khen, khoe giải thưởng, anh thấy mọi nỗi mệt nhọc như tan biến cả. Anh không quên các con sắp vào năm học mới nhưng ngặt nỗi đợt này anh chẳng có ai thuê. Ngày nào anh cũng ôm ba lô ngồi trên ghế đá chờ đợi. Anh cũng chịu khó thay đổi địa điểm, đi đến các bệnh viện xung quanh mà vẫn chẳng tìm được việc. Đã đen thì đen đủ đường, đêm hôm trước có triệu bạc để trong túi định bụng chờ có ai thuê thì dồn một thể gửi về cho vợ con, đêm ngủ ở ghế đá bị móc trộm mất. Mấy ngày nay anh chẳng dám mua cơm ăn, bữa thì gặm tạm cái bánh mì, bữa ăn mì tôm sống. Cứ thế này, chẳng biết anh có tiền gửi về cho con kịp năm học mới không nữa. Càng nghĩ, ruột anh càng cuộn lên cồn cào, không hiểu là vì lo lắng hay vì mấy ngày chỉ gặm bánh mì và mì tôm sống cho qua bữa bị nóng ruột.

Minh họa: Tuấn Anh

- Này anh gì ơi!

Bàn tay của ai đó chạm vào vai cắt đứt những suy nghĩ của anh. Anh ngước nhìn lên. Người phụ nữ có vẻ mặt hiền lành hỏi anh:

- Anh nghĩ gì mà thừ người ra thế, tôi gọi mãi chẳng thấy lên tiếng. Có bệnh nhân cần người chăm sóc, anh có nhận không? Là bệnh nhân nữ.

Anh do dự. Bình thường thì những người “đồng nghiệp” nữ với anh vẫn nhận chăm sóc bệnh nhân nam, nhưng nam giới như anh đi chăm sóc bệnh nhân nữ rất hiếm gặp. Có nhiều lý do tế nhị. Như hiểu nỗi băn khoăn của anh, người phụ nữ thay đổi cách xưng hô, nhanh chóng nói rõ hoàn cảnh của bệnh nhân:

- Cụ bà cũng có tuổi rồi anh ạ. Khổ thân, chẳng biết đêm hôm lọ mọ thế nào mà ngã, đi cấp cứu mới tỉnh sáng nay nhưng lại nhớ nhớ quên quên, phải nằm một chỗ, không tự vệ sinh ăn uống được. Có mỗi đứa con trai thì lại đi nước ngoài, chưa về kịp. Họ hàng chẳng có ai. Em chỉ là hàng xóm thôi, giúp được tí nào hay tí đấy. Em lại đang nuôi con nhỏ nữa nên không thể tiếp tục chăm sóc bà được. Em đã gọi điện cho con trai bà rồi, cậu ấy đang thu xếp để về. Anh chăm bà giúp em trong lúc con trai bà chưa về kịp. Tiền nong công xá thế nào anh cứ nói để em báo lại cho con trai bà. Em sẽ ứng trước một ít để anh mua cháo, mua cơm. Anh xem có được thì giúp em với.

Anh Thà tặc lưỡi, cụ đã già thì cứ coi như mẹ mình mà chăm sóc vậy. Lúc còn sống, những năm cuối đời mẹ anh cũng nằm một chỗ mấy năm trời, vợ tối mắt tối mũi với ba đứa con nhỏ lít nhít sàn sàn bằng nhau nên từ việc ăn uống đến tắm rửa, vệ sinh của mẹ hầu hết một tay anh lo liệu. Chăm sóc người bệnh là công việc kiếm tiền một phần nhưng cũng phải có cái tâm mới làm được. Anh nhận lời.

Bà cụ anh chăm sóc cũng trạc tuổi mẹ anh những năm gần cuối đời. Dù ốm đau, bệnh tật phải nằm một chỗ nhưng không khó để nhận ra bà là một người hiền lành, phúc hậu. Anh Thà đã từng chăm sóc những người bệnh bị đãng trí, vì bệnh tật hành hạ mà trở nên cáu gắt, khó tính, lúc thì hất đổ tô cháo, có lúc lại la hét ầm ĩ cả đêm khiến anh phải thức trắng. Nhưng bà Hậu - tên của bà cụ - mặc dù phải nằm một chỗ, lúc mê lúc tỉnh nhưng cần cái gì, nhờ cái gì bà đều nhỏ nhẹ mềm mỏng. Những hôm thời tiết oi bức, người khỏe mạnh phải ngồi trong những căn phòng bí bách ở bệnh viện còn thấy khó chịu huống hồ người bệnh phải nằm im, muốn cựa mình cho lớp da thịt tiếp xúc với ga giường bớt nóng nực cũng không thể. Vậy nhưng bà cụ vẫn cố chịu chứ không hề rên rỉ, than vãn. Lúc mê, bà Hậu nhận nhầm anh Thà là con. Bà đưa cho anh chiếc nhẫn vàng, dặn dò:

- Chắc mẹ cũng chẳng sống được bao nhiêu lâu nữa. Con cho mẹ ra viện. Mẹ có cái nhẫn hai chỉ để dành đến lúc con cưới vợ thì cho vợ con mẹ để trong tủ. Đấy là cái nhẫn bà nội cho mẹ, mẹ không kịp trao lại cho con dâu. Con nhớ đừng bán.

Lúc tỉnh, bà khẩn khoản:

- Cảm ơn cháu đã chịu khó chăm sóc bà... Không biết thằng Nhân nhà bà bao giờ mới về được. Cháu gọi nó giúp bà với.

Anh Thà đã chăm bà cụ được nửa tháng rồi mà vẫn chưa thấy Nhân về. Thi thoảng, cô gái hàng xóm tốt bụng của bà cụ vào thăm, ứng thêm ít tiền để anh mua cháo, mua sữa cho bà cụ và có tiền ăn. Cô cũng thấy ái ngại với anh:

- Không biết trục trặc gì mà chưa thấy em Nhân con trai bà về. Chắc xa xôi quá nên muốn về cũng phải thu xếp. Thôi anh chịu khó giúp em vậy ạ.

Làm cái nghề chăm sóc bệnh nhân này, có lúc anh Thà bị người nhà bệnh nhân cố tình không trả tiền công. Như có lần anh chăm sóc ông cụ hơn chín mươi tuổi mới trải qua phẫu thuật cả tuần liền mà không ứng trước tiền công. Ngày ông xuất viện, người nhà bảo để lo thủ tục xong sẽ thanh toán tiền công cho anh, nhưng rồi họ lại lặng lẽ đưa ông cụ về, sau đó chặn luôn số của anh. Nhìn bà Hậu, anh không nỡ nghĩ xấu cho người nhà của bà.

Mấy hôm nay bà cụ yếu đi nhiều. Bác sĩ bảo anh nhắn người nhà chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Anh gọi cho cô hàng xóm tốt bụng. Cô vội vàng chạy vào ngay. Cô cầm tay bà cụ, khẽ khàng:

- Em Nhân đang trên đường về rồi bà ạ. Tối hôm qua em gọi báo cháu đã đặt được vé máy bay rồi.

Cậu con trai tên Nhân ấy kịp trở về bên mẹ, tự tay chăm sóc mẹ trong những ngày cuối đời. Nhân gọi anh ra một góc, ngại ngùng, áy náy:

- Em... em biết là anh đã tận tình chăm sóc mẹ em suốt gần một tháng qua. Mọi người ở trong phòng bệnh, các bác sĩ cũng nói cho em nghe... Em biết bây giờ anh bảo em trả công có cao hơn mức bình quân cũng là hợp lý. Nhưng…

Vành tai Nhân ửng đỏ vì xấu hổ và lúng túng:

- Em qua bên ấy cũng dành dụm được chút ít làm vốn. Nhưng cuối năm vừa rồi vì tin lời đứa bạn rủ rê đầu tư sinh lời mà bị mất trắng. Dịch giã, công ty đóng cửa, em phải ra ngoài làm thuê, chút tiền ít ỏi còn lại cũng gần hết, không dám trở về nhìn mẹ. Nghe tin mẹ đau cũng không có tiền mua vé máy bay mà về. May mấy đứa bạn thân tình, mỗi đứa góp cho một ít đủ mua vé và còn dư chút đỉnh đóng viện phí...

Anh thấy khó thở. Anh lại bị lừa sao? Tin nhắn của đứa con trai xin mua bộ sách giáo khoa, bộ đồng phục anh mới nhận hôm qua như nhấp nháy trong đầu. Anh thấy phẫn nộ. Nhưng nhìn vào mắt Nhân, nhìn vào điệu bộ luống cuống, mái tóc bù xù và khuôn mặt phờ phạc thiếu ngủ của Nhân, anh thấy tin những lời cậu nói. Nhìn Nhân mệt mỏi, bờ phờ, chắc hẳn thời gian qua cậu ta cũng lo lắng đủ cách để có thể về bên mẹ.

Nhân nhìn anh, khẩn khoản:

- Anh cho em khất mấy hôm thôi rồi em tìm cách trả. Hay anh cứ cầm lại chiếc nhẫn hôm trước mẹ em đưa anh...

Anh Thà ngắt lời Nhân:

- Thôi, cậu cứ lo cho bà và từ từ tìm cách trả cho tôi cũng được. Còn chiếc nhẫn là kỷ vật của gia đình, của mẹ cậu trao lại, cậu cứ giữ lấy như lời bà cụ dặn, tôi không thể nhận đâu.

Anh vẫn nán lại giúp Nhân chăm sóc bà cụ trong lúc chờ có người gọi chăm sóc bệnh nhân mới. Biết chuyện của anh, những người “đồng nghiệp” xúm lại, an ủi. Bất ngờ nhất là mọi người góp lại mỗi người một ít cho anh vay để gửi về cho con kịp bước vào năm học mới. Mỗi người một hoàn cảnh, ai cũng khó khăn chẳng còn cách nào khác mới đi làm cái nghề vất vả, cơ cực, đối diện với nhiều chuyện ra nước mắt này. Họ động viên anh:

- Ai cũng khó khăn nhưng lúc này anh cần hơn, nhiều không có nhưng trích ra mỗi người vài trăm thì chúng tôi giúp được. Anh cứ cầm lấy lo cho các cháu, đừng để chúng nó chậm trễ việc học. Ít nữa có thì trả lại chúng tôi.

Cô hàng xóm của bà cụ cũng gửi anh ít bánh kẹo, quần áo để anh gửi về quê:

- Em cũng áy náy với anh lắm nhưng hoàn cảnh của em Nhân không may như thế. Nói thật với anh em cũng phải rút tiền tiết kiệm để ứng viện phí cho bà và ứng trước tiền ăn cho anh. Thôi anh thông cảm giúp Nhân, giúp em, rồi ít nữa Nhân nó xoay xở được thì nó sẽ gửi anh. Em có chút quà cho các cháu, nhờ anh gửi giúp em.

Anh nhận hết những tấm lòng ấy, nghẹn ngào mãi chẳng thốt lên nổi lời cảm ơn...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.