Gỡ chùm vải chín đỏ au trên ghi đông xe đạp, bà đon đả bảo:
- Còn ít vải cuối mùa tôi bẻ nốt mang cho ông đấy.
- Sao không để phần cho tụi nhỏ?
- Ối dào! Phần chúng nó có rồi ông không phải lo. Mà sao nắng thế này, chó còn biết chạy vào nhà mà ông cứ nhong nhong ngoài đường vậy? Đúng là trời đày. Ông coi thường sức khỏe vừa thôi.
- Bom đạn lũ giặc còn chẳng giết nổi tôi nữa là mưa nắng. Mà bà cũng có khác gì tôi. Trưa nắng không ở nhà nghỉ ngơi, ai bán đồng nát giờ này mà bà xuôi ngược.
- Già rồi, nằm chẳng ngủ được ông ạ. Nằm nhà nghe cải lương mãi cũng chán.
Ông cầm thanh gỗ dài, cạo những mảnh đinh hình thoi đang bám chặt vào thanh nam châm gắn trên xe. Bà Sim nhấc tải đinh lẫn với sắt vụn ông vứt gọn ngoài gốc chuối mở ra xem, chép miệng than:
- Bây nhiêu cái đinh mà không gom lại thì hại biết bao nhiêu người. Bọn này ác thật.
- Dạo này cũng đỡ nhiều rồi đấy.
Bà vắt chiếc bao tải đựng đầy đinh lên xe. Toan móc tiền trả thì ông xua tay bảo:
- Gớm khổ. Đống của nợ ấy, cho bà.
Bà cười, đội chiếc nón rời đi, không quên hứa mấy hôm nữa qua sẽ mang cho ông lọ măng ớt ngâm “cay tê lưỡi”. Ông ngả lưng lên võng, nằm đung đưa nhìn theo bóng bà lấp lóa, nhạt nhòa trong thứ nắng è oi ả. Giữa giấc ngủ chập chờn bởi tiếng xe cộ trên quốc lộ, ông thấy mình đang nằm dưới hầm giữa cánh rừng biên giới. Không gian im phăng phắc đến ngạt thở. Mấy giờ rồi? Gần sáng rồi, 4 giờ 45 phút. Đoàng! Đoàng! Đoàng! Tiếng pháo vang đâu đó phía xa rồi rít mạnh bên tai, cả núi rừng rung chuyển. Ông thò đầu lên thấy trước mắt mình lá cây vụn ra như cám. Người mất, người còn, nhiều căn hầm bị lấp kín. Ông giật mình tỉnh giấc. Hóa ra chỉ là một giấc mơ. Cũng có hôm ông cứ mê man như thế cho đến khi có người lay dậy.
- Dậy đi bố già. Vá cho con cái săm. Điên thật, lại dính bẫy của lũ đinh tặc.
- Bánh sau à? Phải dắt bộ xa không?
- Gần hai cây số đấy bố.
- Phía trên có tiệm sửa xe sao không vào đó dắt chi cho khổ?
- Không thích! Ai chẳng biết đinh rải trên khắp đoạn đường này là ở đâu ra. Lũ làm ăn thất đức. Nếu quán bố đóng cửa con thà dắt về nhà còn hơn vào cho chúng nó hét giá.
minh họa: tuấn anh |
Loay hoay một lúc thì xong. Khách đi, ông nhìn ra đường thở dài. Cả chục năm trở lại đây, đoạn quốc lộ này chưa bao giờ hết nạn rải đinh. Đoạn đường này xe cộ lưu thông đông đúc, ra vào thành phố. Gần ngay đây là khu công nghiệp lớn, công nhân rất đông. Nghĩ cũng tội, nhiều khi công nhân đi làm vất vả cả ngày được mấy trăm nghìn biết bao khoản phải chắt bóp chi tiêu. Có khi lúc đi trên đường đầu óc còn mải nghĩ đến khoản tiền nước tiền nhà sắp đến ngày phải đóng. Nghĩ đến mẹ cha già cả ốm yếu ở nhà lâu chưa gửi được đồng quà tấm bánh nào về thăm hỏi. Đang mải nghĩ ngợi thì thấy lốp xe xì hơi, tay lái loạng choạng. Thôi, thế là dính đinh rồi. Thế là đành cắn răng cắn lợi gật đầu với mánh khóe móc tiền của những tiệm sửa xe dọc quốc lộ này. Thế là đi tong công sức làm lụng cả ngày trời. Khổ nhất là xe cộ đi vào thành phố. Đoạn đường phía trước là cả cây cầu dài mấy cây số. Nếu xe cán phải đinh không còn cách nào khác là phải dừng thay. Mất tiền đã đành, thiếu gì vụ tai nạn nguy hiểm vì đinh tặc. Ông ám ảnh mãi cảnh tượng người mẹ đi xe máy chở con nhỏ phía sau. Xe dính đinh, xịt lốp, người mẹ loạng choạng tay lái. Còn chưa kịp xử lý thì tiếng còi xe tải phía sau làm người mẹ giật mình ngã nhào. Xe tải lao đến, trong tích tắc người mẹ kịp lôi đứa con nhỏ khỏi làn đường ô tô, thoát chết trong gang tấc. Tiếng khóc lặng người của đứa trẻ cùng ánh mắt sợ hãi, hoảng loạn của người mẹ ăn sâu vào tâm trí ông.
Quán sửa xe của ông không biển hiệu chào mời. Treo mấy cái lốp xe lên, bày ít đồ sửa xe bám đầy bụi bặm thế là đón khách. Quán không bao giờ đóng cửa, chủ của nó là ông già cụt chân. Khách gọi lúc mờ sáng, nửa đêm ông cũng vục dậy. Sẵn cái chõng khách nằm tạm nghỉ ngơi, trà trên bàn, nước sẵn trong phích tự pha mà uống. Sau này quán bán thêm ít mì gói, bánh mì để ai lỡ bữa đói dọc đường có thể mua ăn. Ai có tiền thì trả, ai khó khăn quá thì thôi. Gần hai chục năm mở quán sửa xe, khách đi đường khất nợ ông không ít. Bà Sim bảo:
- Ông biết ai mà tin. Nhỡ người ta chẳng bao giờ quay lại.
Ông phẩy tay bảo:
- Chẳng nhẽ vì vài chục, vài trăm mà không thể tin nhau.
Bà Sim chỉ biết lắc đầu. Bao năm nay bà thương ông cũng có lẽ vì cái chất người lính còn nguyên vẹn trong ông. Chiến tranh kết thúc, bỏ lại một phần máu thịt ở chiến trường, ông trở về lăn lộn với cuộc chiến không tiếng súng. Bà gặp ông cũng lâu lắm rồi. Lúc ấy ông còn chưa mở quán sửa xe này. Hằng ngày, với một bên chân giả, ông lái xe ba bánh chở hàng thuê trong chợ đầu mối. Lúc ấy bà còn sức khỏe buôn thúng bán mẹt. Thương cảnh khó khăn mẹ góa con côi, ông vẫn thường đỡ đần chở hộ ít hàng. Lũ trẻ nhà bà quen với hình ảnh ông thỉnh thoảng qua nhà sửa hộ vài món đồ điện hỏng, đóng hộ cái cửa bung bản lề, cái bàn học mối mọt gãy chân. Mấy lần tụi nhỏ ốm đau trong đêm cũng là ông vội vàng chở đi bệnh viện. Giờ tụi nhỏ của bà đã lớn. Chúng đi làm ăn xa thỉnh thoảng mới về. Thằng cả từng có lúc ướm lời:
- Hay là bác về ở chung với mẹ cháu cho vui. Chúng cháu đi làm ăn cũng yên tâm phần nào.
Ông phẩy tay bảo:
- Mấy đứa cứ lo làm ăn, ở nhà còn có bà con chòm xóm. Bác sống sương gió quen rồi. Về một nhà có khi lại làm khổ mẹ cháu thêm.
Nói thì nói vậy chứ bà Sim lạ gì tính ông. Ông còn ở đó với cái quán sửa xe của mình. Từng ấy năm ông chưa bao giờ đóng cửa cũng vì sợ nhỡ đêm hôm khuya khoắt có ai cần đến mình. Có khi chỉ là ghé vào xin ít nước sôi úp tô mì ăn cho đỡ đói. Những người lái xe đường dài đã quá quen với “quán sửa xe ông cụt”. Có đêm dừng xe ghé vào thấy ông hô: “Nằm xuống!”, giật nảy cả mình. Hóa ra là ông đang nằm mơ lại ngày mình bị thương ở chiến trường, khi còn là chàng trai mười chín tuổi. Tiếng pháo rít lên, đầu óc quay cuồng, ông không còn biết gì nữa cho đến khi tỉnh lại, sờ một bên ống quần trống không, hụt hẫng. Bốn mươi năm trôi qua ông vẫn còn giật mình mỗi khi nghe tiếng sấm vang lên. Khách đến, có người nhìn một bên chân của ông với vẻ mặt đầy thương cảm. Ông phẩy tay bảo: “Nhằm nhò gì, bạn tao khối thằng còn chẳng được trở về”. Nói xong ông cúi mặt, lặng lẽ sửa cho xong xe khách. Cổ khách nghẹn lại, có khi rưng rưng, có khi nhoi nhói.
Mờ sớm bà Sim mang cho ông con cá chép mới cất chũm dưới ao đã chẳng thấy ông ở quán. Đoán ông lại kéo chiếc xe hút đinh đi rồi, nên bà tự xuống bếp đổ tép vào kho. Nhìn nồi cơm nguội, mấy củ lạc rang muối, vài con cá khô bà chỉ biết lắc đầu. Đàn ông ở một mình chẳng vợ con thường ăn uống qua loa. Huống hồ có bao nhiêu thời gian ông cứ đi lo chuyện thiên hạ mãi. Ngày nào chẳng vậy: sáng, trưa, chiều, tối, đủ bốn lượt ông kéo chiếc xe tự chế có gắn nam châm đi dọc đoạn đường dài để hút hết đinh. Dân hai bên đường đã quá quen thuộc với hình ảnh chiếc xe ba bánh, người thương binh già với chiếc áo bay bộ đội đã bạc màu mưa nắng. Nếu là người khác chắc mấy gã sửa xe dọc đường đã chẳng để yên. Nhưng với ông, họ có phần kiêng sợ. Vài lần chạm mặt họ, ông chỉ nói:
- Kiếm việc khác tử tế mà làm.
Chẳng biết vì bị lên án nhiều, vì đinh rải ra bao nhiêu thì bị ông kéo xe đi hút sạch bấy nhiêu, hay vì mấy lời của ông mà đinh tặc đã giảm đi. Ngày nào thấy đường sạch, có ít đinh là ông thấy nhẹ nhõm trong lòng. Có lúc vì xót ông nên bà Sim buột miệng than:
- Ông phải biết thương lấy thân mình chứ.
Vẫn cái phẩy tay quen thuộc. Vẫn câu nói quen thuộc. Giọng ông chùng xuống:
- Biết bao nhiêu đồng đội còn nằm lại chiến trường không tìm thấy hài cốt, không một tấm huân chương. Tôi còn được ngồi đây nói với bà dăm ba câu chuyện là may mắn lắm rồi.
Hai người già ngồi bên nhau nhìn ra ngoài màn mưa tháng bảy. Ngồi cho đến lúc có chiếc xe máy đi chậm lại rồi rẽ vào quán. Một đôi vợ chồng trẻ cùng đứa nhỏ xuống xe. Ông ngẩng lên hỏi:
- Xe hỏng gì vậy cháu?
- Dạ! Xe không hỏng gì ạ. Cả nhà cháu vào đây là để trả tiền sửa xe nợ bác mấy năm trước. Không biết bác còn nhớ cháu không?
- Mấy năm trước cơ à? Chắc là tôi quên rồi.
- Bác quên nhưng cháu thì không quên. Mấy năm trước cháu đèo vợ sắp sinh về quê. Đi đến gần đây thì hỏng xe. Đợt ấy làm ăn thua lỗ, túi chẳng còn đồng nào. Bác đã cho nợ tiền sửa xe còn dúi cho cháu ba trăm ngàn “phòng đi đường bất trắc lúc bụng mang dạ chửa”. Bao năm qua, giờ vợ chồng cháu mới có dịp quay lại.
- Ồ. Thế đứa bé trong bụng năm ấy giờ đã lớn bằng này à? Trông kháu quá nhỉ. Nợ nần gì, cứ coi như tôi sửa giúp ấy mà. Thôi vào cả đây, trời còn mưa to lắm, tí nữa tạnh hãy đi.
Lúc thò tay với túi bim bim treo ở tủ hàng dúi cho đứa trẻ, ông đâu biết có người vừa quay đi lau nước mắt.
Gia hạn nhận bài dự thi Sống đẹp lần II đến hết ngày 30.9.2022
Được phát động từ ngày 26.3.2022, cuộc thi viết Sống đẹp lần II do Báo Thanh Niên tổ chức, với sự đồng hành của Tôn Đông Á và One IBC, đã nhận được ngày càng nhiều bài dự thi chất lượng. Thời gian qua, nhiều câu chuyện người tốt việc tốt, những gương mặt truyền cảm hứng, những nghĩa cử vì cộng đồng đã được lan tỏa trên các kênh Báo Thanh Niên. Nhằm đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, BTC quyết định gia hạn nhận bài dự thi đến hết ngày 30.9.2022.
Cuộc thi tiếp tục là dịp để người Việt trong và ngoài nước gửi gắm, chia sẻ, lan tỏa những câu chuyện nhân văn, tinh thần sống đẹp - quên mình, tình nguyện, xung phong, những nghĩa cử “thương người như thể thương thân”, góp phần truyền dẫn thêm những năng lượng tích cực để cùng nhau xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Đặc biệt, lần này có thêm một thể loại dự thi là truyện ngắn.
Đối tượng dự thi: Công dân Việt Nam và người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam (không giới hạn độ tuổi) đều có thể tham dự gửi bài viết. CBCNV, cộng tác viên Báo Thanh Niên và đơn vị tài trợ được tham gia hưởng ứng và nhận nhuận bút theo quy định nhưng không được xét giải.
Thể loại:
- Ký sự, phóng sự, ghi chép
- Truyện ngắn
Nội dung bài viết dự thi:
- Với thể loại ký sự, phóng sự, ghi chép: Câu chuyện phản ánh trong bài dự thi phải là người thật, việc thật. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực.
- Với thể loại truyện ngắn: Được sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc, nghĩa cử... có thật hoặc hư cấu; nội dung lan tỏa cảm hứng sống đẹp.
Quy cách bài viết dự thi:
- Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) dưới 1.600 chữ với phóng sự/ký sự/ghi chép và dưới 2.000 chữ với truyện ngắn;
- Bài viết dự thi thể loại ký sự, phóng sự, ghi chép bắt buộc phải có hình ảnh hoặc video nhân vật kèm theo; với thể loại truyện ngắn khuyến khích gửi kèm hình minh họa, chú thích rõ nguồn;
- Bài viết dự thi (bao gồm cả hình ảnh/video, hình minh họa) là sáng tác chưa tham gia bất kỳ cuộc thi nào, chưa được in vào tập sách riêng của tác giả và các tuyển tập chung cho đến khi cuộc thi kết thúc;
- Sử dụng ngôn ngữ trong sáng, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và không vi phạm những quy định của pháp luật Việt Nam;
- Bài viết có thể đánh máy, in trên giấy hoặc viết tay rõ ràng trên khổ giấy A4;
- Bài viết gửi về phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ hoặc email, số điện thoại;
- Mỗi tác giả có thể gửi nhiều bài viết, ở cả 2 thể loại nhưng phải thống nhất chỉ họ tên hoặc bút danh.
Hình thức gửi bài dự thi: Gửi qua địa chỉ email chương trình: songdep2022@thanhnien.vn hoặc bằng thư qua đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi viết SỐNG ĐẸP 2022); thời hạn: đến hết ngày 30.9.2022.
Giải thưởng:
* Với thể loại: Ký sự, phóng sự, ghi chép
- Giải thưởng dành cho tác giả có bài viết dự thi:
01 giải nhất: Trị giá 30.000.000 đồng.
02 giải nhì: Mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng.
03 giải ba: Mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng.
05 giải khuyến khích: Mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
01 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): Trị giá 5.000.000 đồng
01 giải bài viết truyền cảm hứng Sống đẹp (có thể không dành riêng nhân vật nào): Trị giá 5.000.000 đồng
- 05 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức và bạn đọc bình chọn: 30.000.000 đồng/trường hợp.
* Với thể loại: Truyện ngắn
01 giải nhất: Trị giá 30.000.000 đồng.
01 giải nhì: Trị giá 20.000.000 đồng.
02 giải ba: Mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng.
04 giải khuyến khích: Mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.
Bình luận (0)