Trong buổi phát động Chương trình bình chọn, trao tặng giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards” năm 2021, ông Đào Trung Thành (chuyên gia chuyển đổi số, thành viên Ban Giám khảo sơ khảo của giải thưởng) chia sẻ: “Chuyển đổi số là một hiện thực rất mới, mới đến độ mà chúng ta nói quá nhiều nhưng lại làm quá ít. Chúng ta không nên nói nhiều nữa mà bắt tay làm ngay và liền”.
Các chủ doanh nghiệp còn lo lắng, ngần ngại chuyển đổi số?
Trao đổi tại buổi lễ phát động giải thưởng, ông Vũ Tuấn Anh (chuyên gia chuyển đổi số, thành viên Ban Giám khảo sơ khảo giải thưởng), cho rằng chuyển đổi số đóng vai trò rất quan trọng trong thời buổi hiện nay, nhất là từ sau khi dịch Covid-19 xuất hiện. Ông Tuấn Anh khẳng định: “Chuyển đổi số không còn là một từ thời thượng nữa mà nó đã trở nên bắt buộc trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta”.
Theo ông Tuấn Anh thì trong quá trình làm việc và tư vấn các doanh nghiệp, ông nhận thấy được một điều là nhiều chủ doanh nghiệp vẫn còn chậm trễ với công cuộc chuyển đổi số, mặc dù người chủ doanh nghiệp lại dùng công nghệ số nhiều nhất. Tức bản thân các chủ doanh nghiệp là khách hàng của đơn vị khác, dùng công nghệ số của đơn vị khác nhưng bản thân lại ngần ngại, lo lắng chuyển đổi số cho doanh nghiệp của mình. Khách hàng chuyển đổi số nhanh bao nhiêu thì dường như các chủ doanh nghiệp và doanh nghiệp lại rất chậm trễ.
|
Ông Tuấn Anh cho rằng chuyển đổi số không còn là từ thích hay không thích, nên hay không nên nữa mà phải trở thành chuyện bắt buộc. Bởi vì xã hội thay đổi, công nghệ phát triển và đặc biệt quan trọng là các đối thủ cạnh tranh chuyển đổi số một cách mãnh liệt.
“Chuyển đổi số theo cá nhân tôi đó là một xu hướng tất yếu và nếu như một doanh nghiệp nào chuyển đổi số trước thì như là một con chim mà bay đến trước sẽ bắt được những con sâu rất là to. Những doanh nghiệp nào chuyển đổi số trước sẽ có thị trường, có khách hàng và quan trọng nữa là khi doanh nghiệp chuyển đổi số trước sẽ nhận được những sự hỗ trợ từ chính phủ và nhà nước nhiều hơn là những người đi sau, vì nguồn lực lúc nào cũng có hạn, nên những đơn vị tiên phong sẽ lợi thế hơn. Những doanh nghiệp chuyển đổi số chậm nhiều khi còn chẳng có thị trường, chẳng có khách hàng cũng chẳng còn nhiều cơ hội. Vì số có năng lực kinh hoàng ở khả năng nhân rộng, nên các mô hình kinh doanh số đã được khẳng định thì sẽ phát triển rất mạnh”.
Không nên nói nhiều về chuyển đổi số nữa mà hãy bắt tay làm ngay
Tranh luận lại ý kiến của ông Vũ Tuấn Anh, ông Đào Trung Thành bày tỏ: “Anh Vũ Tuấn Anh nói chuyển đổi số không còn là từ thời thượng nữa, nhưng với tôi thì tôi thấy nó vẫn là từ thời thượng, thời thượng y hệt như là cuộc cách mạng 4.0, như Big Data… Nó thời thượng đến mức mà có một tác giả đã từng cho rằng chuyển đổi số giống như tình dục của tuổi thanh thiếu niên, ai cũng nói về chuyển đổi số hết nhưng chỉ một số người biết chuyển đổi số là gì. Ai cũng nghĩ rằng mọi người đang làm chuyển đổi số, và như vậy mọi người cũng nghĩ rằng mình đang chuyển đổi số”.
Ông Đào Trung Thành cho rằng ông không lạc quan lắm về chuyển đổi số, vì theo một nghiên cứu được công bố thì 70% dự án chuyển đổi là thất bại, tức đa số là thất bại. Nhưng thất bại ở đây là không đạt được như kỳ vọng, tức cái chúng ta kỳ vọng với thực tế của nó có khoảng cách lớn.
|
“Chuyển đổi số là một hiện thực rất mới, mới đến độ mà chúng ta nói quá nhiều nhưng lại làm quá ít. Chúng ta không nên nói nhiều nữa mà bắt tay làm ngay và liền”, ông Thành gửi gắm.
Theo ông Thành để bắt đầu chuyển đổi số thì việc đầu tiên phải xác định là chúng ta đang ở đâu trên lộ trình chuyển đổi số. Có một mô hình để đánh giá về mức độ chuyển đổi số của các doanh nghiệp và mô hình này có 5 giai đoạn mà tác giả Tony Saldanha đã nếu rõ trong cuốn sách “Tại sao chuyển đổi số thất bại: Các nguyên tắc đáng ngạc nhiên về cách cất cánh và đi trước”.
Và 5 giai đoạn đó bao gồm: Giai đoạn đầu tiên là nền tảng, tức là chuyển đổi các tài liệu, quy trình chuyển sang nền tảng số. Đây là điều cần thiết cho quá trình chuyển đổi số và việc đầu tiên của chúng ta làm là số hóa quy trình và các tài liệu.
Giai đoạn 2 hay còn gọi là tách lập (siloed) là lúc 1 số lãnh đạo của doanh nghiệp bắt đầu nhận thức được tiềm năng đột phá của chuyển đổi số nên đứng ra bảo lãnh (sponsor) cho các nỗ lực này. Ví dụ, giám đốc tiếp thị thấy được tiềm năng của việc sử dụng online để bán hàng chẳng hạn.
|
Giai đoạn 3 là đồng bộ Bán phần (partially synchronised), là giai đoạn lãnh đạo doanh nghiệp nhìn thấy nhu cầu cần phải có 1 chiến lược tổng thể đơn nhất cho chuyển đổi số.
Giai đoạn 4 là đồng bộ toàn phần (fully synchronised), là lúc doanh nghiệp đã chuyển đổi toàn bộ sang một mô hình kinh doanh số mới.
Giai đoạn 5, với tên gọi Living DNA, là khi công ty không những chỉ chuyển đổi mô hình kinh doanh, mà còn thay đổi cả văn hóa doanh nghiệp của mình. Khi đó, chuyển đổi số đã trở thành 1 động cơ chuyển đổi vĩnh cửu, liên tục đổi mới các hoạt động của doanh nghiệp.
“Theo đánh giá của tôi thì đa số các công ty ở Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn 1 và 2. Một số các công ty công nghệ VN như FPT, Viettel thì ở giai đoạn 3, mức phấn đấu lên giai đoạn 4. Còn giai đoạn 5 là những công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Facebook, Amazon, Google…Và chuyển đổi số là quá trình liên tục và không có điểm dừng, không có điểm dừng nên sẽ không có kết thúc chuyển đổi số. Và điều quan trọng là chiến lược chứ không phải công nghệ dẫn dắt chuyển đổi số, có nghĩa là phải có chiến lược đầy đủ, đường hoàng rồi sau đó chúng ta mới lựa chọn công nghệ”, ông Thành chia sẻ.
Phát động Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam
Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức phát động Chương trình bình chọn, trao tặng giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards” năm 2021. Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh thành tựu chuyển đổi số xuất sắc của những cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, cơ quan nhà nước, góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Chương trình được tổ chức dưới sự chủ trì của VDCA và sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông. Giải thưởng năm nay có 4 hạng mục bao gồm: Hạng mục 1 là sản phẩm, dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số tiêu biểu sẽ trao cho những cá nhân, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông sở hữu các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số tiêu biểu. Hạng mục 2 là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc. Trao cho những doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực đã có quá trình ứng dụng công nghệ số để thay đổi mô hình quản lý, sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số thành công. Hạng mục 3 là cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc. Trao cho cơ quan nhà nước ở tất cả các cấp có quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ từ mô hình truyền thống sang môi trường quản lý, làm việc dựa trên nền tảng công nghệ số. Hạng mục 4 là sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số vì cộng đồng. Trao cho những đơn vị, cá nhân có giải pháp công nghệ số phục vụ hiệu quả cho người khuyết tật, giúp người khuyết tật hoà nhập cuộc sống cộng đồng; những sản phẩm, giải pháp công nghệ số phục vụ người dân sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Những bạn trẻ, cá nhân hoặc doanh nghiệp có những giải pháp, sản phẩm về chuyển đổi số có thể nộp hồ sơ đến hết tháng 7.2021, thông qua cổng tiếp nhận trực tuyến tại địa chỉ www.vda.com.vn. Sau đó, Ban giám khảo sẽ lựa chọn ra những cái tên xứng đáng nhất vinh danh trong lễ trao giải dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 10.2021. |
Bình luận (0)