CEO Nguyễn Thái Hải Vân |
GRAB CUNG CẤP |
Ban Kinh tế Trung ương vừa tổ chức hội thảo với chuyên đề "Phát triển các mô hình kinh doanh mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" hôm 11.11.
Hội thảo thuộc khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ ba - Industry Summit 4.0 với chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số”.
Tại sự kiện này, bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam đã có bài phát biểu chia sẻ một số hoạt động mà Grab đã thực hiện trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành.
Theo bà, dịch bệnh đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng đem đến cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp. Hành vi của người tiêu dùng thay đổi hoàn toàn, khiến nhu cầu sử dụng các dịch vụ trên nền tảng số ngày càng cao. Trong hai năm qua có rất nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt cơ hội này và chuyển đổi sang mô hình kinh doanh trực tuyến.
Không nằm ngoài xu thế đó, Grab cam kết hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số theo chiến lược dài hạn và bền vững, từ đó giúp mọi người thực sự thấy chuyển đổi số không phải là điều quá xa xôi hay là câu chuyện vĩ mô mà có thể áp dụng vào các ngành dịch vụ rất đời thường và thiết yếu hằng ngày trong cuộc sống.
Đơn cử là dự án GrabConnect hỗ trợ tiêu thụ nông sản, kết nối người nông dân với các đối tác cửa hàng. Song song đó, Grab cũng cung cấp dịch vụ đi chợ, mua hàng hóa thiết yếu cho khách hàng trong thời điểm khó khăn bằng cách tận dụng nền tảng công nghệ và đội ngũ tài xế có sẵn.
Dự án GrabConnect hỗ trợ tiêu thụ nông sản |
GRAB CUNG CẤP |
Bà Vân nhận định Việt Nam đang sở hữu những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy chuyển đổi số. Cụ thể, có 57% dân số dùng internet trên điện thoại di động, 44% dùng ví điện tử trên điện thoại di động, 65% người dùng nền tảng số và khoảng 155 tỉ USD (chỉ 4%) doanh thu ngành bán lẻ và thực phẩm đến từ kênh bán hàng trực tuyến.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của Việt Nam vẫn còn khoảng cách so với thế giới. Để đẩy nhanh quá trình này, lãnh đạo Grab Việt Nam đề xuất 3 giải pháp.
Đầu tiên nên có khung pháp lý riêng dành cho các nền tảng số nhằm tránh việc chồng chéo quy định, dẫn đến chậm tiến độ công việc. Thứ hai là đầu tư vào giáo dục và hệ sinh thái khởi nghiệp, khuyến khích tinh thần ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo. Cuối cùng là đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt, hướng đến tài chính toàn diện cho người dân.
Bình luận (0)