Chuyển đổi số là chìa khoá để Vĩnh phúc xây dựng nền nông nghiệp thông minh

27/12/2021 22:17 GMT+7

Dấu mốc lớn nhất của nông nghiệp Vĩnh Phúc sau 25 năm tái lập tỉnh là chuyển đổi từ quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao với nhiều sản phẩm vươn tầm quốc tế.

Bà Hoàng Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, thăm mô hình trồng nho ứng dụng công nghệ cao, tưới tiết kiệm thông minh tại H.Yên Lạc

khánh linh

Cú hích về cơ chế, chính sách

Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ở thời điểm tách tỉnh năm 1997, nông nghiệp Vĩnh Phúc chiếm 52% cơ cấu kinh tế toàn tỉnh nhưng là nền nông nghiệp sản xuất manh mún; cơ sở hạ tầng nông nghiệp yếu kém, máy móc rất ít được sử dụng. Nông dân làm đất bằng sức kéo gia súc, chăn nuôi nhỏ lẻ, không đủ điều kiện phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường.

Cũng từ thực tế này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc qua nhiều thời kỳ kiên trì ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy đầu tư trong nông nghiệp. Điểm nhấn đầu tiên là Nghị quyết số 10 và Đề án số 2103 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2001 - 2005 tập trung ưu tiên đầu tư “6 cây và 3 con”. Bám sát chủ trương này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cụ thể bằng các dự án cụ thể, ban hành nhiều chính sách như miễn 100% thủy lợi phí vụ đông, giảm 50% thủy lợi phí vụ chiêm và vụ mùa… Chỉ đến 2005, các chính sách này khẳng định hiệu quả khi lần đầu tiên, Vĩnh Phúc có năng suất lúa vượt mốc 50 tạ/ha và nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu miền Bắc về sản xuất ổn định 3 vụ/năm.

Nông nghiệp phát triển mạnh mẽ xuất phát từ quan điểm của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong năm 2006: phát triển công nghiệp làm nền tảng và có điều kiện đầu tư trở lại phục vụ nông nghiệp. Theo đó, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết 03 với phương châm “giảm đóng góp, tăng đầu tư, phát triển nông thôn toàn diện”. Thống kê đã có 316 tỉ đồng từ ngân sách cho các chương trình miễn thủy lợi; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; xây dựng vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa; đầu tư hạ tầng khu sản xuất chăn nuôi tập trung. Từ 2016 đến nay, Vĩnh Phúc dồn thửa đổi thành công với 2.000 ha, tạo điều kiện thuận lợi áp dụng cơ giới hoá, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp.

Từ năm 2008 đến nay, địa phương này đã ban hành gần 90 nghị quyết về các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn và hỗ trợ nông dân. Theo đó, giá trị sản xuất nông nghiệp của Vĩnh Phúc giai đoạn 1997 - 2021 tăng bình quân 5,1%/năm. Đặc biệt, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt trên 155 triệu đồng/ha/năm, cao hơn gấp nhiều lần so với năm 1997. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt hơn 50 triệu đồng/người. Vĩnh Phúc hiện là địa phương không còn hộ đói, hộ nghèo giảm từ 2 - 3%/năm. Diện mạo nông thôn khang trang, sạch đẹp khi năm 2020, Vĩnh Phúc có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và năm 2021 dự kiến có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 36 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Thanh long ruột đỏ trồng tại Vĩnh Phúc là nông sản xuất khẩu đi Úc trong nhiều năm nay

báo vĩnh phúc

Chuyển đổi số, hướng đến sản xuất thông minh

Theo Bộ NN-PTNT, Vĩnh Phúc là địa phương tiên phong đi đầu cả nước trong phát triển nông nghiệp sản xuất sạch áp dụng tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, đặc biệt làn sản xuất hữu cơ. Vĩnh Phúc là điểm đến của nhiều dự án nông nghiệp sản xuất hữu cơ với tổng số vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Đến nay, Vĩnh Phúc có nhiều loại nông sản như gạo, rau, chuối, thịt lợn hữu cơ… được cung ứng vào chuỗi siêu thị, hệ thống phân phối lớn. Đặc biệt, quả thanh long ruột đỏ trồng tại H.Lập Thạch (Vĩnh Phúc) được xuất khẩu sang Úc trong nhiều năm nay.

Không dừng lại ở các thành tựu này, trong giai đoạn hiện nay, Vĩnh Phúc tiếp tục ban hành nhiều cơ chế chính sách để thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, giúp người dân có thu nhập cao.

Cuối năm 2019, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết 87 về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020 - 2025. Đến cuối năm 2020, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục ban hành Nghị quyết số 20 về chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục tạo cơ chế, chính sách thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Điểm nổi bật trong các chính sách này, Vĩnh Phúc xác định chuyển đổi số là chìa khóa quan trọng giúp nông dân sản xuất nông nghiệp với chi phí thấp nhất, sản phẩm chất lượng cao bán với giá cao và hướng tới xây dựng nền nông nghiệp thông minh, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.

Dồn điền đổi thửa thành công tại xã Tuân Chính, H.Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp

báo vĩnh phúc

Trong chuyến công du của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Nhật Bản tháng 11 vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) và đối tác đầu tư của tập đoàn này tại Việt Nam đã ký kết triển khai dự án xây dựng cơ sở chăn nuôi giết mổ, chế biến và phân phối sản phẩm thịt bò tại H.Tam Đảo với số vốn đầu tư lên tới 500 triệu USD. Đây là dự án về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao có giá trị đầu tư cao nhất được ký kết giữa doanh nghiệp hai nước trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nhật Bản.

Trực tiếp tham gia đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ và chứng kiến lễ ký kết, bà Hoàng Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, khẳng định: “Dự án này có mục tiêu phù hợp với chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp của Vĩnh Phúc phát triển chăn nuôi công nghệ cao và cải tạo môi trường sống trong cộng đồng dân cư thông qua việc đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ hiện đại, xử lý chất thải xây dựng kinh tế tuần hoàn; cung cấp các sản phẩm thịt bò chất lượng cao cho thị trường cả nước và hướng tới xuất khẩu”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.