Sáng 24.12, trong khuôn khổ Chương trình Liên hoan thanh niên nông thôn toàn quốc và Lễ trao giải thưởng Lương Định Của năm 2021, T.Ư Đoàn tổ chức Diễn đàn thanh niên nông thôn toàn quốc với chủ đề “Ứng dụng chuyển đổi số trong kết nối cung - cầu”.
Anh Ngô Văn Cương phát biểu tại diễn đàn |
dương triều |
Chương trình có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ, các nhà nông trẻ nhận giải thưởng, được tổ chức trực tiếp tại trụ sở T.Ư Đoàn và trực tuyến tại trụ sở các tỉnh, thành Đoàn.
Mỗi thanh niên nông thôn là một thương nhân
Phát biểu tại diễn đàn, anh Ngô Văn Cương, Bí thư T.Ư Đoàn, cho biết hiện nay việc chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam nói chung và đối với thanh niên nói riêng vẫn đang gặp nhiều khó khăn, rào cản. Mô hình sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn là mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị. Trình độ cơ giới hóa sản xuất còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp chưa tương xứng. Cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp.
Theo anh Cương, trình độ nhân lực lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm số lượng lớn là thanh niên không được đào tạo chuyên môn bài bản, mà hầu hết là kinh nghiệm được truyền từ đời trước sang đời sau. Sự liên kết còn hạn chế, nhiều sản phẩm chưa có chiến lược phát triển rõ ràng ở tầm quốc gia.
“Việc thanh niên biết và ứng dụng nền tảng số trong kết nối cung - cầu còn hạn chế; số lượng mô hình thanh niên ứng dụng chuyển đổi số chưa nhiều; sàn thương mại điện tử chưa phát huy hết giá trị; việc phải “giải cứu nông sản” diễn ra ở nhiều nơi; câu chuyện nền nông nghiệp Việt Nam chứng kiến cảnh nông dân được mùa mất giá, được giá mất mùa diễn ra thường xuyên…”, anh Cương chia sẻ.
Các chuyên gia tại diễn đàn |
dương triều |
Anh Cương cho biết, từ những thực trạng trên, với mong muốn góp phần giải quyết được những khó khăn, bất cập, góp phần tích cực vào chuyển đổi số nông nghiệp, T.Ư Đoàn tổ chức diễn đàn này, góp phần thực hiên mục tiêu “Mỗi thanh niên nông thôn là một thương nhân, mỗi hợp tác xã thanh niên một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số”.
Nông dân số không chỉ bán hàng hóa, mà còn bán niềm tin
Chia sẻ tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Trưởng ban Truyền thông và sự kiện - Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, cho biết nền nông nghiệp nước ta có rất nhiều tiềm năng và Việt Nam cũng có thể làm chủ nhiều công nghệ hiện đại, nhưng tại sao vẫn còn lạc hậu, chưa bắt nhịp được với nền nông nghiệp thế giới.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực chia sẻ thông tin tại diễn đàn |
dương triều |
Theo bà Thực, đó là việc nông dân chưa ứng dụng chuyển đổi số. “Hiện hàng hóa Việt Nam còn có chi phí vận chuyển rất cao. Các bạn chỉ cần làm một việc nhỏ thôi cũng có thể giảm được chi phí như: có thể ứng dụng công nghệ để vận chuyển sản phẩm thay vì phải để phụ nữ gùi cam từ trên núi xuống”, bà Thực ví dụ.
Đồng thời, bà Thực cho rằng, khi ứng dụng công nghệ thì các nông dân số không chỉ bán hàng hóa, mà còn bán niềm tin và sự trải nghiệm. Đặc biệt là phải nỗ lực không ngừng sáng tạo, làm ra những sản phẩm mới và làm mới cái cũ.
“Chúng ta phải xóa mù công nghệ. Trước đây, chúng ta đã hoàn thành xóa mù chữ nhưng chữ viết thì không thay đổi còn công nghệ thì thay đổi từng ngày, vì thế phải bám sát thị trường và không ngừng sáng tạo, làm mới những cái cũ. Ví dụ, trước đây quả bơ được coi là hoa quả thì rất bình thường, nhưng nay được đưa vào danh mục là loại rau thì lại có giá trị mới”, bà Thực nói.
Chị Nguyễn Thị Mến, một nông dân trẻ nhận giải thưởng Lương Định Của, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ để khởi nghiệp |
dương triều |
Đồng ý với quan điểm này, GS - TS Nguyễn Tùng Phong, Phó giám đốc Viện Thủy lợi Việt Nam, cho rằng muốn chuyển đổi số, việc đầu tiên là phải thay đổi tư duy, nhận thức.
“Việc chuyển đổi số không phải chỉ có công nghệ mà phải thay đổi nhận thức, thể chế, chính sách và lấy người nông dân làm trụ cột, gắn với xây dựng nông thôn mới”, ông Phong nói.
Là một trong những nông dân trẻ được tuyên dương trong giải thưởng, chị Nguyễn Thị Mến (ở Lâm Đồng), cũng chia sẻ: “Muốn chuyển đổi số được thì phải thay đổi tư duy từ chính bản thân. Không biết không có gì đáng xấu hổ, cần tìm tòi mỗi ngày. Chuyển đổi số là điều bắt buộc mà mỗi thanh niên nông thôn phải làm, để hỗ trợ gia đình và người dân và đóng góp vào nền kinh tế nước nhà”.
Bình luận (0)