Chuyển đổi số: Nhân rộng phố thanh toán không tiền mặt

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
13/07/2023 08:40 GMT+7

Để xây dựng công dân số, Q.Hải Châu (TP.Đà Nẵng) đang nỗ lực tạo dựng thói quen thanh toán không dùng tiền mặt thông qua những mô hình tuyến phố thanh toán trực tuyến.

Uống xong ly cà phê trên đường Huỳnh Thúc Kháng (P.Nam Dương, Q.Hải Châu), anh Nguyễn Văn Phi đứng dậy đến quầy thanh toán để nhận lấy hóa đơn. Anh lấy điện thoại rồi mở ứng dụng của một ngân hàng, sau đó dùng công cụ quét mã QR để thanh toán. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 phút, chủ quán tươi cười gật đầu chào khách và cho biết đã nhận được tiền. "Ra đường đi ăn sáng, cà phê hay mua sắm gì đó, tôi hiếm khi mang theo ví tiền. Chỉ cần chiếc điện thoại, với một thao tác quét mã QR là đã thanh toán xong. Quá tiện lợi…", anh Phi nói.

Chuyển đổi số: Nhân rộng phố thanh toán không tiền mặt - Ảnh 1.

Khách hàng quét mã QR thanh toán tiền tại một tiệm cà phê trên đường Huỳnh Thúc Kháng (TP.Đà Nẵng)

HOÀNG SƠN

Nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống khác trên tuyến phố ẩm thực Huỳnh Thúc Kháng như quán cháo lòng, quán bánh canh, quán cơm hến… trông bình dân nhưng ứng dụng công nghệ thanh toán không tiền mặt rất bài bản. Trên mỗi bàn ăn đều có một tấm nhựa in sẵn mã QR, có quán thì mã QR được dán ngay tại quầy thanh toán để thực khách dễ nhìn thấy. 75 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống và các ngành hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng ở đường Huỳnh Thúc Kháng đã sử dụng phương thức thanh toán và thụ hưởng các chính sách ưu đãi từ thanh toán không tiền mặt.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, nhiều phường khác của Q.Hải Châu đã xây dựng mô hình tuyến phố thanh toán không tiền mặt. Có thể điểm qua một số tuyến phố áp dụng thanh toán không tiền mặt như Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Linh… Đầu tháng 6 vừa qua, UBND P.Hòa Thuận Đông tổ chức ngày hội chuyển đổi số (CĐS) và ra mắt tuyến phố thanh toán không tiền mặt tại đường 2.9 và Núi Thành… Không riêng gì tại quận trung tâm như Hải Châu, nhiều cơ sở dịch trên toàn TP đã chủ động ứng dụng để người dân thanh toán không dùng tiền mặt.

TẠO DỰNG THÓI QUEN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT

Theo bà Lê Thị Hà, Phó chủ tịch UBND P.Hòa Thuận Đông, CĐS là một hành trình dài, toàn dân, toàn diện và có thể thành công nếu lấy người dân là trung tâm và huy động được sự tham gia của toàn dân. Do đó, ngày hội CĐS vào đầu tháng 6 vừa qua giúp người dân nhận thức được vai trò, ý nghĩa của công cuộc CĐS, đồng thời thay đổi các phương thức kinh doanh từ thủ công sang môi trường số như: tuyến đường thanh toán không tiền mặt giúp người dân làm quen với việc thanh toán, giao dịch trên môi trường điện tử…

Bà Phan Thị Thắng Lợi, Phó chủ tịch UBND Q.Hải Châu, cho biết Hải Châu là địa phương tiên phong tại TP.Đà Nẵng trong xây dựng các tuyến phố thanh toán không tiền mặt và ban đầu đã chọn 4 đoạn đường để thực hiện. Ý tưởng ban đầu là từ một tuyến phố trung tâm áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, sau đó lan dần ra các phường, các tuyến phố khác. Năm 2023, quận đã chỉ đạo 13 phường thực hiện đồng loạt. Hiện đã có khoảng trên 20 đoạn đường thuộc Q.Hải Châu thực hiện. Sau khi sơ kết, quận đã chỉ đạo tiếp tục xây dựng những đoạn đường chưa có phương thức thanh toán trực tuyến hoặc đoạn đường có ít người thanh toán trực tuyến.

"Chúng tôi không đo lường tính hiệu quả từ việc người dân đến mua hàng có quét mã QR hay không và có quét thì được bao nhiêu lượt người. Chúng tôi xác định tính hiệu quả ở góc độ hiệu ứng truyền thông, tạo thói quen cho người dân. Khi đã có thói quen thì không cần phải vận động mà tự người dân sẽ thanh toán không dùng tiền mặt. Bản thân chủ các cơ sở cũng phải có các phương thức thanh toán để đáp ứng nhu cầu của người dân", bà Lợi nói. Cũng theo bà Lợi, Q.Hải Châu không chỉ nhân rộng các tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt mà sẽ tập trung vào việc xây dựng phương thức toán trực tuyến đến từng hộ dân. Quận đã ký kết với Viettel để đến từng khu dân cư, vào từng hộ dân để nhà nào cũng có phương thức thanh toán điện tử.

Theo bà Lợi, trong chỉ tiêu về CĐS của TP.Đà Nẵng đến năm 2030 đặt mục tiêu triển khai 80% hộ gia đình trở lên có tài khoản giao dịch thương mại điện tử. Riêng đối với Q.Hải Châu, trong năm 2023 hoặc chậm nhất đến 2024 sẽ đạt được chỉ tiêu này. "Thời gian qua, các đơn vị thanh toán trung gian như VNPay, MoMo, các ngân hàng… đã rất tích cực để hỗ trợ địa phương, bước đầu tạo động lực, thúc đẩy người dân tham gia thanh toán không dùng tiền mặt. Chẳng hạn, khi thanh toán trực tuyến, người dân sẽ hưởng những ưu đãi như giảm giá", bà Lợi nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.