Chuyện 'dưỡng nhi đãi lão' ở xứ người

Có lần, tôi viết trên Facebook về hoàn cảnh những nhân viên tới tuổi nghỉ hưu vẫn làm việc vất vả lo cho cuộc sống xế chiều.

Bạn tôi bảo, đó là vài trường hợp cá biệt thôi, chứ người Mỹ, đặc biệt dân da trắng luôn có khoản tiết kiệm, về già bán hết nhà cửa lấy tiền vào viện dưỡng lão. Chỉ có người gốc Á, đặc biệt là VN, mới thích dựa dẫm vào con cháu lúc già.
Tôi bảo em đừng nói thế mà mang tội, hãy nhìn bản thân rồi tự hỏi, vì sao người gốc Việt hay lâm vào tình cảnh này? Đơn giản, cả đời họ làm việc cực khổ, không dám sắm sanh gì cho bản thân, cắc ca cắc củm dành dụm từng đồng mua nhà cửa, xe cộ, rồi cho con tiền đóng học phí lẫn tiêu pha, mong con mình học thành luật sư, bác sĩ, kỹ sư để kiếm việc nhàn hạ, chứ đừng lao động chân tay vất vả như ba má chúng. Để rồi trong khi phần lớn sinh viên Mỹ ra trường với khoản nợ khổng lồ do hồi đi học được các công ty tài chính xếp hàng cho vay để trả tiền trường lẫn ăn chơi, mua sắm thả ga, thì hầu hết sinh viên gốc Việt ung dung không vướng nợ do học gần nhà, ở chung với mẹ cha, học phí có người lo, và đi làm thêm bỏ túi.
Trong hơn 18 năm thiên di xứ người, phiêu bạt gần 50 bang nước Mỹ, tôi gặp nhiều người có cuộc sống sung sướng ở VN, nhưng vẫn dấn thân dẫn con sang đây tìm kiếm giấc mơ mà không chuẩn bị sẵn tâm lý. Từ những người giàu sang, thành đạt, họ chới với trước sự khó khăn không lường trước ở xứ người khi phải “cày” suốt ngày “cực như trâu” mới đủ sống. Có người thở than tiếc nuối về dĩ vãng vàng son không thể nào quay lại. Có người gạt bỏ quá khứ sang một bên, cố quên nỗi nhớ quê hương xứ sở, chấp nhận làm lại từ đầu, làm việc nặng nhọc tay chân ở nhà hàng, siêu thị, tiệm nail, hay tiếp tục tới trường học hành, chắt chiu từng đồng lo cho tương lai con cái.
“Tích cốc phòng cơ, dưỡng nhi đãi lão” - lo cho con ngàn ngày để nương tựa về sau. Tư tưởng bao đời bên giếng nước, gốc đa, mái đình năm xưa vẫn chưa một lần nhạt phai trong tâm trí của các đấng sinh thành, dù đã sang sống ở đất nước giàu sang, hiện đại. Ai cũng mong mai sau về già được nương tựa cháu con, quên đi nỗi buồn viễn xứ. Có điều, bọn trẻ được sinh ra hay lớn lên bên nước Mỹ đã… Mỹ lắm rồi. Khái niệm gia đình chỉ quanh quẩn ở vợ chồng và con cái. Còn cha mẹ hay anh chị em, cháu chắt, cũng chỉ là những người thân thỉnh thoảng mới gặp và tiếp xúc một đôi lần. Cuối năm lễ Tạ ơn thu xếp về nhà ăn bữa cơm. Giáng sinh gửi tấm thiệp hỏi thăm. Tết gọi về thầm thì chúc mừng năm mới. Kêu con cái Mỹ nuôi ngược lại mẹ cha ư? Chuyện hiếm hoi xứ này!
Đôi lúc nhìn các cô chú vất vả ngược xuôi, tôi hay tự hỏi, mai sau những đứa trẻ ấy lớn lên, làm ông nọ bà kia, kiếm mỗi tháng cả chục ngàn đô, có lúc nào chạnh lòng nghĩ tới sự hy sinh lặng thầm của ba má chúng…
Maryland, mùa Vu lan 2018
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.