Chuyện ghi ở các xóm đạo lớn tại TP.HCM: Ngập tràn không khí Giáng sinh an vui

23/12/2022 12:35 GMT+7

Nhiều xóm đạo ở TP.HCM, bà con giáo dân hầu hết là người gốc Bắc di cư vào Nam. Suốt hàng chục năm qua, họ luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau làm ăn, cùng xây dựng xóm đạo bình an, phát triển.

Cùng tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau

Ông Đỗ Quang Dũng (48 tuổi, ở giáo xứ Bình Thái, Q.8) cho biết, ông bà ông quê gốc ở Ninh Bình vào TP.HCM từ năm 1954. Nhiều người biết đến xóm đạo Phạm Thế Hiển là xóm đạo lớn nhất ở TP.HCM, dịp Giáng sinh thường trang hoàng lộng lẫy đẹp mắt.

Nhà thờ Bình Thái (đường Phạm Thế Hiển, Q.8) rực rỡ về đêm

dương lan

“Ông bà nội, ông bà ngoại tôi dắt bố mẹ vào đây từ khi họ mới 10 tuổi. Bố mẹ lớn lên lấy nhau, tôi được sinh ra ở xóm đạo này. Vì công việc không có thời gian nên đó giờ chưa có dịp về lại Ninh Bình”, ông cho biết.

Cũng theo ông Dũng, khoảng năm 1954 nhiều người quê gốc Bắc di cư vào đây và lập nên xóm đạo. Ở ngoài Bắc, họ sống trong một xóm nên khi vào TP.HCM cũng sống gần nhau, cùng theo đạo Công giáo nên xóm đạo Phạm Thế Hiển hình thành.

Nhiều người háo hức đi chơi lễ Giáng sinh

dương lan

“Sau năm 1975, người dân khắp nơi đổ về nên xóm đạo càng đông người hơn. Anh em tôi ở sát nhau, hàng xóm cũng là người gốc Bắc. Khoảng 20 năm trở lại đây đường Phạm Thế Hiển nhộn nhịp, bà con giáo dân mừng Chúa ra đời rất long trọng. Xóm đạo giăng đèn, mỗi nhà treo một ngôi sao để đón lễ Giáng sinh”, ông cho hay.

Ông Phạm Ngọc Linh (58 tuổi, ở giáo xứ Bình Thái, Q.8) cho hay, bản thân vô cùng háo hứng chào đón lễ Giáng sinh. Bố mẹ ông Linh cũng là người gốc Ninh Bình di cư vào đường Phạm Thế Hiển từ năm 1954. Ông được sinh ra ở xóm đạo này.

“Người Công giáo từ ngoài Bắc vào sống gần nhau, xóm đạo cũng dần hình thành từ đó. Tôi không nhớ khoảng thời gian chính xác nhưng nhà thờ Bình Thái được xây dựng từ khoảng năm 1956. Mọi người ở gần nhau nên vẫn nói giọng Bắc”, ông nói.

Trước đó, bà con giáo dân đã dành thời gian trang trí, chào đón lễ Giáng sinh

dương lan

Người dân xóm đạo luôn gắn bó với nhau. Ông cũng có dịp về thăm Ninh Bình từ năm 1998. Những ngày sát lễ Giáng sinh, ông tất bật đến nhà thờ chuẩn bị với tinh thần vui tươi, phấn khởi.

“Xóm đạo có từ hồi người dân di cư vào Nam, 2 - 3 năm sau đã có giáo xứ. Ngoài Bắc, mọi người trong xóm đạo ở với nhau nên vào đây cũng lập một xóm như vậy. Các giáo xứ ngày càng tân tiến, trang hoàng đẹp mắt vào những dịp lễ”, ông nói.

Nhớ về nguồn cội

Bà Nguyễn Thị Tuyết (65 tuổi, ở giáo xứ Bình An, Q.8) cho biết bố mẹ bà từ Bắc vào TP.HCM làm ăn, sinh sống khi chị gái của bà được mấy tháng tuổi.

“Mấy năm sau, tôi được sinh ra ở đây, theo đạo Công giáo. Giờ bố mẹ mất rồi nhưng con cháu, anh em ở gần nhau hết, nối dõi những người đi trước. Từ hồi nhỏ đến lớn làm lễ xưng tội, rửa tội tôi đều tham gia ở nhà thờ Bình An. Bố tôi mất vào năm 2004. Trước đó, ông rất muốn về Bắc thăm lại quê hương nhưng vì gia đình khó khăn, không có tiền nên không về được. Mọi người ở trong xóm đều có gốc Bắc, luôn nhớ về quê hương”, bà Tuyết kể.

Tại hạt Xóm Mới (Q.Gò Vấp), theo nhiều người đa phần những xóm đạo tại đây đều được hình thành từ năm 1954. Vào thời điểm đó, nhiều người miền Bắc - thường là người Hà Nội, Nam Định chuyển vào đây sinh sống. Sau khi xóm đạo hình thành, phân khu, các giáo xứ, nhà thờ mới xuất hiện.

Ông Đặng Văn Dũng (65 tuổi, ở giáo xứ Trung Bắc) chia sẻ bố mẹ ông đã tới xóm đạo này từ năm 1954, ông được sinh ra ở đây. Xung quanh nhà ông cũng có nhiều gia đình chuyển tới đây từ thời điểm đó. Hiện, có những nhà vẫn giống thời xưa, tường nhà là tường đất.

Ông sống và sinh hoạt trong xóm đạo rất yên bình, vui vẻ. Gia đình ông đã mua thêm một căn nhà thuộc giáo xứ Hà Nội gần đó.

Ở giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, bà Phạm Thị Soi (85 tuổi) cũng chuyển vào khu này từ năm 1954. Sau khi tới đây, bà mới lập gia đình. Trước đó, dòng họ bà đã nhiều năm theo đạo Công giáo.

Các xóm đạo tại Q.Gò Vấp trang trí đẹp mắt

hiền anh

Ban đầu, nơi đây chỉ có rải rác vài căn nhà lá, gần như mọi người đều quen biết nhau. Sau này, nhà cửa được làm khang trang, mọi người cùng chung tay, góp sức xây dựng nhà thờ. Đến những năm 1970, có thêm nhiều giáo dân chuyển đến, xóm đạo càng trở nên đông đúc. Và hiện nay cũng có không ít gia đình không theo đạo Công giáo sinh sống quanh xóm đạo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.